Cụ thể, ở những vị trí cần nạo vét theo yêu cầu, tàu thuyền ra vào vẫn thường xuyên bị mắc cạn. Chủ đầu tư tổ chức nạo vét không đúng thiết kế. Để nhiều tàu không đăng ký trà trộn hút cát trái phép…
Cty Thăng Long không đủ năng lực để thực hiện dự án. |
Chủ đầu tư mắc nhiều sai phạm
Ngày 29/6/2011, ông Nguyễn Hồng Trường - Thứ trưởng Bộ GTVT ký QĐ số 1414/QĐ-BGTVT về việc thực hiện nạo vét, duy tu tuyến luồng hàng hải Lễ Môn, tỉnh Thanh Hoá. Theo đó, Bộ GTVT giao cho Cty CP Đầu tư và Thương mại Thăng Long (Cty Thăng Long) có trách nhiệm nạo vét, duy tu khơi thông cửa sông Mã, tuyến luồng hàng hải từ phao số “0” đến hạ lưu cầu Hoàng Long 200m trong thời gian 50 năm.
Chủ đầu tư thực hiện dự án theo hình thức lấy thu bù chi. Tiếp đó, Bộ Xây dựng có công văn số 2125/BXD-VLXD ngày 29/9/2016 đồng ý để Cty TNHH Thương mại - dịch vụ - xây dựng Phương Thảo Nguyên, đơn vị được Cty Thăng Long uỷ quyền, xuất khẩu cát nhiễm mặn, thời hạn đến hết 30/9/2017.
Được Bộ GTVT cấp phép, tỉnh Thanh Hoá đồng ý, đáng lẽ Cty Thăng Long phải tập trung thực hiện đúng yêu cầu đề ra. Song, chính chủ đầu tư đã mất kiểm soát trong quá trình thực hiện dự án. Cụ thể, ngày 23/2/2017, Cảng vụ hàng hải Thanh Hoá (CVHHTH) đã tổ chức bàn giao mặt bằng thi công cho chủ đầu tư.
Tuy nhiên, phải đến đầu tháng 7-2017 Dự án nạo vét xã hội hoá luồng lạch hàng hải Lễ Môn mới được Cục Hàng hải Việt Nam chấp thuận theo đề xuất của nhà đầu tư về việc khởi công dự án. Từ đó, CVHHTH phê duyệt phương án đảm bảo an toàn hàng hải và kiểm tra, cấp phép cho 10 phương tiện đủ điều kiện thi công nạo vét.
Trong quá trình thi công, ngày 15/8/2017, Đoàn công tác liên ngành do CVHHTH chủ trì đã tiến hành kiểm tra thực tế phương tiện bơm, hút cát tại khu vực cảng Lễ Môn cho thấy: Tại thời điểm kiểm tra, toàn bộ 10 phương tiện được cấp phép thi công cho dự án nạo vét, thông luồng, duy tu và nâng cấp tuyến luồng hàng hải Lễ Môn đều không hoạt động.
Trong khi đó, lại có tới 17 phương tiện tàu vỏ sắt và hai tàu vỏ xi măng neo đậu tại khu tránh trú bão Quảng Tiến nhưng không xuất trình được hồ sơ đăng ký, đăng kiểm, có thể sẽ trà trộn để hút cát trái phép.
Đến ngày 28/8/2017, CVHHTH tiếp tục kiểm tra hoạt động của phương tiện nạo vét dự án xã hội hoá luồng Lễ Môn. Tại thời điểm kiểm tra, đại diện CVHHTH phát hiện 8 phương tiện HP-3167, HP-2988, HP-3139, HP-4589, HP-3102, HP-3101, HP-3032 và một phương tiện không ghi biển tên đang bơm hút cát tại vụng Hoằng Thanh cách khu du lịch Hải Tiến, huyện Hoằng Hoá khoảng 2km, cách phao số 1+2 luồng Lễ Môn khoảng 1km. Đây là những phương tiện đã được CVHHTH cấp phép. Tuy nhiên các phương tiện này không thực hiện nạo vét trong phạm vi luồng hàng hải Lễ Môn.
Điều này cho thấy, không chỉ những phương tiện trà trộn hút trộm cát mà ngay cả những phương tiện đã được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động cũng không tuân thủ các quy định của luật pháp, nạo hút cát sai quy định.
Đối với hoạt động xuất khẩu cát, CVHHTH đã cấp phép cho hai tàu có công suất lớn mang số hiệu Pan Pride Panama Imo 9487407 và tàu Pacific Ability Hong Kong Imo 9712890 được trung chuyển cát, cách vị trí phao số “0” 2 hải lý. Về việc này, ông Phạm Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP Sầm Sơn khẳng định: UBND TP Sầm Sơn đã thành lập tổ liên ngành giao cho Đồn biên phòng chủ trì tuần tra, giám sát và phát hiện, có thời điểm có 3-4 tàu công suất lớn vào vị trí cách phao số “0” khoảng 2 hải lý mua cát nhiễm mặn.
Trong công văn số 937/CV-TU ngày 30/8/2017 gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá, ông Mai Xuân Liêm - Bí thư Thành uỷ TP Sầm Sơn cũng khẳng định: Ban Thường vụ Thành uỷ TP Sầm Sơn nhận thấy nếu việc nạo hút không đảm bảo đúng phương án phê duyệt và không thực hiện quan trắc, theo dõi biến động lòng và khu vực cửa Lạch Hới sẽ có nguy cơ làm sụt lở bờ biển, đặc biệt là bờ biển phía Nam cửa Lạch Hới.
Để tránh ảnh hưởng đến đường kè, các công trình ven bờ, hoạt động dân sinh, phát triển kinh tế du lịch, cảnh quan môi trường của Sầm Sơn và ngăn chặn tình trạng nạo hút cát trái phép, Thành uỷ Sầm Sơn đề nghị UBND tỉnh Thanh Hoá chỉ đạo các ngành liên quan phải thường xuyên kiểm tra, giám sát các đơn vị khai thác cát về phạm vi, độ sâu, khối lượng khai thác theo giấy phép đã được duyệt.
Tuy nhiên, kiến nghị của Thành ủy Sầm Sơn dường như chưa được đáp ứng. Cụ thể tính đến thời điểm cuối tháng 10-2017, vẫn có hàng chục con tàu vỏ sắt ngang nhiên hút cát trái phép trên vùng biển giáp ranh giữa TP Sầm Sơn và huyện Hoằng Hoá.
Hệ luỵ khó lường
Nói về việc nạo hút cát vùng hạ lưu sông Mã và vùng cửa biển, ông Phạm Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP Sầm Sơn cho biết: Vào ngày 27/7/2017, lực lượng biên phòng TP Sầm Sơn khi tuần tra trên sông tại đoạn phao số 1,2,3 có khoảng 15 tàu đang khai thác cát. Trong đó có 12 tàu không đeo biển số, khai thác cát liên tục trong ngày, vận chuyển lên 3 tàu có trọng tải lớn đứng ngoài biển.
Về vị trí khai thác, có 5 tàu hút cát lấn sang địa phận huyện Hoằng Hoá, ngoài khu vực cắm biển báo phao tiêu. Việc khai thác cát trong những năm qua từ cồn Nổi đến phao số “0” trở về dọc sông Mã thuộc địa phận TP Sầm Sơn và huyện Hoằng Hoá với khối lượng lớn đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình trạng nước biển ngày càng lấn sâu vào đất liền của Sầm Sơn.
Ông Phạm Văn Tuấn nói: “Hiện nay dọc tuyến đường kè biển Sầm Sơn có nhiều đoạn do mực nước biển dâng cao, sóng lớn đánh vào đã và đang bị sói lở chân đường kè, có nguy cơ đe doạ đến các công trình ven biển ở khu vực địa bàn phường Quảng Cư đến giáp ranh phường Trung Sơn”.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Thanh Hoá khẳng định: Tính tới thời điểm hiện nay, khối lượng nạo vét do Cty Thăng Long thực hiện chỉ đạt 273.800 m3 cát trên tổng số 1.781.138 m3 bùn, cát theo phương án thi công giai đoạn 1 đã được phê duyệt. Độ sâu luồng tàu đạt âm 0,4 m, độ sâu này không đáng kể theo yêu cầu phải đạt âm 4,5m. Chiều dài tuyến luồng, Cty Thăng Long chỉ mới thực hiện đoạn từ phao số “0” đến phao số 4, chưa thực hiện nạo vét toàn bộ tuyến luồng theo yêu cầu của Dự án. Do vậy, mục tiêu đảm bảo thông luồng cho tàu, thuyền ra vào cảng Lễ Môn đã không đạt được.
Ông Nguyễn Đức Quyền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá cho biết: Theo báo cáo đánh giá của các sở, ngành cấp tỉnh và chính quyền địa phương thì nguyên nhân của việc chậm tiến độ và không đạt mục tiêu của Dự án là do chủ đầu tư không đủ năng lực để thực hiện.
Cụ thể, sau khi Dự án được chấp thuận, chủ đầu tư không mua sắm thiết bị, máy móc để trực tiếp tổ chức thi công mà ký hợp đồng giao khoán lại cho các tổ chức, cá nhân khác thực hiện. Và vì lợi nhuận, các tổ chức cá nhân này chỉ tập trung hút cát cung cấp cho các công trình, dự án trên địa bàn khi có nhu cầu. Không chú trọng đến việc nạo vét bùn, khơi thông tuyến luồng theo mục tiêu của Dự án.
Mặt khác, trong suốt thời gian thực hiện Dự án đến nay, trên tuyến sông Mã đoạn từ hạ lưu cầu Hoàng Long đến cửa Lạch Hới thường xuyên xuất hiện các điểm nóng về khai thác cát trái phép. Nhiều tàu vỏ thép thường lợi dụng việc nạo vét để hút cát tại các bãi nuôi trồng thuỷ sản của người dân, hút cát tại các cồn nổi… gây mất an ninh trật tự, tạo sự bức xúc đối với chính quyền địa phương và quần chúng.
Được biết, ngày 12/10/2017, ông Nguyễn Đức Quyền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đã ký văn bản số 12365/UBND-CN gửi Bộ GTVT và Bộ Xây dựng đề nghị dừng thực hiện Dự án nạo vét và kết hợp tận thu sản phẩm cát không sử dụng ngân sách nhà nước tuyến luồng hàng hải Lễ Môn.
Ông Nguyễn Đức Quyền nói: “Theo đánh giá của các chuyên gia thì việc sạt lở hệ thống kè biển ở Sầm Sơn, Hoằng Hoá có nguyên nhân chủ yếu là do nạo hút cát, làm cho bờ biển thiếu cát, chênh cao, độ dốc lớn, kết hợp với triều cường đã làm sói, lở chân kè dẫn tới sụt, trượt hệ thống kè biển, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. UBND tỉnh Thanh Hoá đề nghị Bộ GTVT kiểm tra, dừng thực hiện Dự án nêu trên”.
Tác giả: Anh Tuấn
Nguồn tin: Báo Đại Đoàn Kết