Thể thao

Cần sự chuyên nghiệp từ V.League đến đội tuyển quốc gia

Muốn đội tuyển quốc gia tốt, phải có giải vô địch quốc nội chất lượng. Đó là điều mà tất cả những người làm bóng đá đều hiểu.

Thế nhưng, trong khi V.League còn chưa chuyên nghiệp, ĐT Việt Nam lại luôn được đặt kỳ vọng phải vươn tầm khu vực.

Chia sẻ với báo chí sau Hội nghị tổng kết các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam 2018, ông Trần Anh Tú – Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ VPF cho biết: “Chúng ta bóng đá chuyên nghiệp đã 18 năm nhưng ý thức chuyên nghiệp tôi nghĩ các CLB cần phải thay đổi nhiều hơn nữa, nếu mọi chuyện tốt lên thì việc điều hành giải với chúng tôi đơn giản hơn”.

Đây là điều không khiến nhiều người bất ngờ. Bởi có một thực tế là V.League vẫn chỉ ngổn ngang lên chuyên nghiệp chứ chưa thực sự trở thành giải đấu chuyên nghiệp thực thụ.

ĐTQG đã thực sự chuyên nghiệp? Ảnh: H.A

Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh đã đưa ra một con số bổ sung thêm cho thông tin này là V.League có 14 CLB thì mới chỉ có 5 CLB đủ tiêu chuẩn tham dự các giải đấu của AFC, 9 CLB còn lại đang xem xét để cấp phép ở mùa giải 2019.

Điển hình buồn nhất chính là trường hợp CLB Quảng Nam, sau khi vô địch V.League 2017, đội bóng này sẽ là đại diện Việt Nam dự AFC Champions Leaguue. Tuy nhiên vì không đủ tiêu chuẩn dự giải châu Á nên Quảng Nam đã phải nhường suất cho FLC Thanh Hoá.

Đánh giá về V.League, cựu HLV trưởng ĐT Việt Nam Miura từng nói rằng: “Nếu nói thẳng thắn, thì V.League là giải đấu kinh khủng. Cầu thủ trên sân không chịu chạy, điều hành giải đấu cũng qua loa”.

Và đã có rất nhiều HLV ngoại khi đến Việt Nam cũng từng phàn nàn về V.League. Bởi thực tế so sánh với các giải bóng đá chuyên nghiệp trong khu vực, chúng ta thua về nhiều mặt. Chẳng thế mà Thai League vẫn luôn là niềm mơ ước của các cầu thủ Việt.

Vậy đến cấp độ đội tuyển quốc gia, chúng ta đã thực sự chuyên nghiệp? Thực tế là chưa. Bởi mỗi đời thầy ngoại đến làm việc với bóng đá Việt Nam đều chỉ ra những yếu điểm căn cốt trong cách làm bóng đá của chúng ta.

Một câu chuyện điển hình nhất mà chính HLV Park Hang-seo mới chỉ ra. Đó là ở đợt tập trung của ĐT Olympic Việt Nam chuẩn bị cho giải ASIAD 18, HLV Park Hang-seo sau một quãng thời gian làm việc cho bóng đá Việt Nam đã đưa ra một thông tin khiến nhiều người phải suy ngẫm.

Ông nói rằng từ ĐT U23 đến ĐTQG khi tập trung, chúng ta không có một số liệu gì ghi chép về tình hình thể lực của các cầu thủ. Thậm chí, ghi chép về chấn thương chúng ta cũng không có.

Để đánh giá tình hình các cầu thủ, chúng ta phải có số liệu, nhưng hiện nay chúng ta đang thiếu điều này. Cụ thể về tình hình thể lực từng cầu thủ, tình hình chấn thương và lịch sử chấn thương của cầu thủ đó. Chúng ta cũng thiếu luôn những ghi chép về lịch sử những vị trí mà các cầu thủ từng thi đấu. Chúng ta không có một ghi chép cụ thể nào.

Nếu chúng ta không ghi chép lại, thì những HLV làm việc sau đó thì họ phải làm lại từ đầu. Họ không biết được lịch sử các thông số về cầu thủ đó như thế nào.

Ông Park nói rằng: “Trong thời gian làm việc ở đây, tôi sẽ cố gắng hoàn thiện vấn đề này. Mặc dù không thể hoàn thiện nhất nhưng chắc chắn phải có đầy đủ số liệu về tình hình chấn thương, sức khoẻ và tình hình thể lực các cầu thủ. Từ dữ liệu đó sẽ có phương án riêng cho từng cầu thủ cũng như kế hoạch tập luyện. Đấy cũng là căn cứ để chúng ta lựa chọn cầu thủ. Tôi sẽ chuẩn bị những dữ liệu để giao cho VFF. Những HLV kế nhiệm tôi sau này sẽ có tài liệu để tham khảo”.

Có lẽ, đây là thông tin khiến cho những người quản lý bóng đá Việt Nam cần phải ghi nhận một cách nghiêm túc. Bởi lẽ, trong quá trình vận động và phát triển lên chuyên nghiệp, tất cả sẽ cần phải làm một cách căn cơ bài bản.

Ông Park chắc chắn không phải thầy ngoại đầu tiên góp ý về những yếu điểm mà bóng đá Việt Nam đang còn tồn tại, nếu tập hợp lại chắc chắn sẽ là cẩm nang hữu ích cho những nhà quản lý bóng đá. Không biết, những người có trách nhiệm có kịp ghi chép lại?

Bản thân đội tuyển quốc gia chưa chuyên nghiệp nhưng chúng ta lại đang hướng đến những mục tiêu lớn. Trước mắt, ĐT Việt Nam sẽ tham dự AFF Cup 2018 với mục tiêu vô địch.

Nếu như so sánh tương quan giữa các giải vô địch quốc gia đến cấp độ đội tuyển, không biết chúng ta đang ở đâu? Thôi thì đó cũng chỉ là một trong những yếu tố tương đối, hãy nhìn những chiến công của U23 hay Olympic vừa qua để thấy rằng, bóng đá vẫn có thể chiến thắng nhờ khoảnh khắc và tính thời điểm.

Cách đây 10 năm chúng ta từng thắng Thái Lan để giành ngôi vô địch AFF Cup 2008. Thế nhưng, đó là chiến thắng trong khoảnh khắc, ở một trận đấu, giải đấu cụ thể còn về đẳng cấp chúng ta vẫn thua họ. Và nếu AFF Cup 2018 có lặp lại lịch sử thì chân lý đó vẫn không thay đổi.

Tác giả: Hưng Hà

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok