Công trình hồ chứa nước thủy lợi - thủy điện Cửa Đạt được xây dựng ở thượng nguồn sông Chu, thuộc địa bàn xã Xuân Mỹ (huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa) với nguồn vốn gần 7.000 tỷ đồng, chính thức đưa vào sử dụng năm 2010. Hồ có dung tích chứa 1,5 tỷ m3, góp phần điều tiết lũ, đẩy mặn cho cho khu vực hạ lưu sông Chu, đồng thời đảm bảo cung cấp đủ nước tưới tiêu cho trên 86.000ha đất nông nghiệp.
Hồ Cửa Đạt đang bị sạt lở nghiêm trọng
Bên cạnh đó, với công suất thiết kế 97MW, mỗi năm thủy điện Cửa Đạt cung cấp khoảng 430 triệu KWh điện. Thế nhưng do ảnh hưởng của cơn bão số 10 vừa qua, phía hạ lưu chân chập và cửa xả của công trình này đang bị sạt lở, xói mòn nghiêm trọng. Những khối bê tông lớn lát kè lát mái từ phía chân cầu Cửa Đạt đến thượng lưu đã bị đánh sập, những luồng nước xoáy khi mở cửa xả đã tạo nên những hố đen sâu hoắm.
Những hố đen sâu hoắm tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở tiếp theo
Theo báo cáo hiện trạng của đơn vị quản lý – Ban quản lý khai thác công trình thủy lợi Cửa Đạt (trực thuộc Công ty TNHH MTV Sông Chu) cho biết: Khu vực gia cố 2 phía hạ lưu (bờ tả) chiều dài kè 700m, mặt kè từ cao trình +35m đến cao trình +40m được bảo vệ bằng các ô bê tông có mái dốc M1.5, phía trong có đổ đất khóa mái đỉnh kè bằng bê tông M20 đổ tại chỗ; tổng chiều dài bị sạt, trôi đất, trôi các tấm ô bê tông là 358m.
Theo ghi nhận của PV tại hiện trường, những tấm bê tông nằm ngổn ngang, những luồng nước xoáy mạnh đã ăn sâu vào trong tạo nên những hố sâu. Do các hố đen đã ăn sâu vào bên trong nên những khối đất, khối bê tông có thể tiếp tục bị sạt lở nếu gặp những trận mưa lớn kéo dài.
Theo ông Lê Văn Kiên, Phụ trách kỹ thuật BQL khai thác công trình thủy lợi Cửa Đạt cho biết: "Trong đợt mưa bão vừa rồi, do lượng nước trên hồ quá lớn nên vào ngày 10/10 đơn vị đã phải mở toàn bộ cửa xả trong vòng 3 tiếng, ban đầu khối lượng nước xả ra khoảng 500m3/s, sau đó tăng dần đến 4000m3/s. Hiện đơn vị đã có báo cáo lên Tỉnh để xin chủ trương và nhờ hỗ trợ, ước tính thiệt hại ban đầu khoảng 3 tỷ đồng, thế nhưng con số vẫn có thể tăng lên do hiện tượng sạt lở sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp".
Cũng theo ông Kiên, việc khắc phục những sự cố này cần nhanh chóng được triển khai, sau khi được phê duyệt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như UBND tỉnh Thanh Hóa, đơn vị sẽ cho phá dỡ thanh rằng bê tông ô trồng cỏ, đắp lại đất những phần bị trôi và đầm chặt theo quy định. Sau đó trải vải địa, dăm lót và lát lại khu vực mái bằng các viên bê tông lục lăng đúc sẵn dày 30cm có các cạnh ngàm vào nhau để tăng sự liên kết. Việc lát lại khu vực mái bằng các khối bê tông lục lăng nhằm thay thế phần diện tích kè bảo vệ bằng các ô bê tông bên trông đổ đất trồng cỏ như trước đây.
Được biết, tỉnh Thanh Hóa có Công văn số 11514/UBND-NN đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ kinh phí 5 tỷ đồng để xử lý khẩn cấp đoạn kè bị hư hỏng trên. Trong khi chờ Chính phủ hỗ trợ, Sở NN&PTNN đề xuất lên tỉnh giao cho công ty TNHH MTV Sông Chu tổ chức theo dõi, kiểm tra các vị trí sạt lở, hư hại, nếu tình hình diễn biến phức tạp phải báo cáo ngay.
Một số hình ảnh PV ghi nhận tại hiện trường:
Tổng chiều dài bị sạt lở khoảng 380m
Một nhịp dẫn xuống lòng hồ may mắn còn trụ lại
Dòng xoáy mạnh đã đánh sập toàn bộ phần bê lông lát mái
Những khối bê tông nằm ngổn ngang
Phía chân cầu Cửa Đạt cũng đã bị xói mòn, nếu không khắc phục sớm sẽ ảnh hưởng xấu đến kết cấu của cây cầu
Hiện tượng sạt lở tại đây vẫn còn diễn biến phức tạp
Một phần bê tông lát mái nằm lại
Tác giả: Quốc Huy
Nguồn tin: Báo Công lý