Một trong các cảng biển đã xây dựng tại Hải Hà. |
Khi người dân không còn nghề truyên thống
Xã Hải Hà có 2.500 hộ dân, gồm 10.050 khẩu, trong đó gần 600 người đã di chuyển đến khu tái định cư, diện tích tự nhiên 1.120ha. Trước đây, người dân sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp, làm muối và khai thác, chế biến, buôn bán hải sản. Tuy nhiên, từ ngày có khu Kinh tế Nghi Sơn, diện tích, đất đai của xã đã “teo” dần, dẫn đến người dân không còn tư liệu sản xuất. Theo Chủ tịch UBND xã Vũ Đình Phúc, hiện trên địa bàn xã có 10 dự án (DA) đã đi vào hoạt động và đang đầu tư xây dựng với tổng diện tích 450 ha, chưa kể mặt nước ven biển. Toàn xã có 2,7km bờ biển, nhưng hiện nay gần như tất cả đã nằm trong phạm vi các DA cảng biển, trong đó có cảng Long Sơn.
Do thực trạng trên, từ nhiều năm nay nghề nông đã không còn tồn tại đối với người dân sở tại, nghề muối cũng gần như đã “báo tử”. Năm 2017, toàn xã còn lại 31ha đồng muối, vốn là nguồn sống của 540 hộ diêm dân. Tuy nhiên diện tích này vẫn bỏ hoang, không thể sản xuất vì bị ảnh hưởng bởi các DA đã triển khai từ ngày có Khu Kinh tế (không có đường dẫn nước biển vào ô muối, khó khăn về giao thông …). Để giảm bớt khó khăn cho diêm dân, UBND tỉnh đã có chính sách hỗ trợ 5.150 đồng/m2 đồng muối, nhưng số tiền này, theo Chủ tịch xã cho biết, chỉ là lãi trần trên mỗi kg muối, không bao gồm thu nhập từ ngày công lao động, không thể đáp ứng nhu cầu tối thiểu đời sống của bà con.
Như vậy, hai trong ba nghề truyền thống, đem lại thu nhập chính đối với người dân Hải Hà đã mất, chỉ còn lại duy nhất nghề khai thác hải sản, kéo theo đó là cuộc sống của hàng nghìn hộ dân làm nghề thu mua, buôn bán, chế biến thủy hải sản. Hiện toàn xã có 2.360 gia đình (khoảng 9.000 khẩu) sống bằng nguồn thu nhập từ biển với 334 tàu thuyền, 7 hộ có tổ lưới rùng, hơn 30 hộ xúc đẩy moi và xăm văng. Vì sống dựa vào nguồn thu từ biển, các hộ này cho rằng việc xây dựng cảng Long Sơn sẽ ảnh hưởng đến nơi neo đậu tàu thuyền, ngư trường khai thác của họ, khiến họ mất việc làm, nguồn sống.
Hệ lụy từ các dự án
Việc mất ngành nghề truyền thống, đồng nghĩa với không còn việc làm, thu nhập ổn định đã khiến đời sống nhiều hộ dân ngày càng khó khăn. Vốn bao đời nay gắn bó với biển, với đồng lúa, đồng muối, lại đã có tuổi, lớp trẻ đa phần cũng không có bằng cấp, tay nghề, không đủ điều kiện làm việc tại các nhà máy, công xưởng nên hầu hết các hộ bị ảnh hưởng bởi các DA, lâm cảnh thất nghiệp là chuyện không tránh khỏi. Theo Chủ tịch xã Hải Hà Vũ Văn Phúc cho biết: Trước kia khi các DA được khởi công xây dựng, cần nhiều lao động phổ thông, người dân còn thường xuyên có việc làm, thu nhập. Nhưng khi các nhà máy đi vào vận hành, lao động phổ thông đành chịu cảnh thất nghiệp. Cho đến nay, toàn xã mới chỉ có 15 người được nhận vào làm việc tại các nhà máy trong khu Kinh tế Nghi Sơn.
Sâu sát và đồng cảm với khó khăn của người dân, Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia Nguyễn Tiến Dũng cho biết: Hải Hà có đặc thù riêng, đó là diện tích đất ở của người dân rất hạn chế, không lớn như các xã khác, do đó số tiền đền bù về đất ở cũng ít, nhiều hộ chỉ có 50m2, khi đến khu tái định cư nhận 80m2, còn phải nợ về đất nên chỉ xây được cái móng nhà đã hết tiền. Thêm nữa, do các DA không thể triển khai cùng lúc, nên có hộ đã thu hồi đất ở, nhưng vẫn còn lại đất vườn, ruộng, khiến họ càng thêm khó khăn trong cuộc sống do lâm cảnh “Một chốn đôi quê”, do tiền đền bù, hỗ trợ đã ít lại bị xé lẻ, không được nhận “cả cục” vì không được thu hồi cùng lúc. Ngoài ra còn vấn đề việc làm, thu nhập của bà con khi tái định cư ... Cũng theo Chủ tịch Dũng, theo Quy hoạch chi tiết khu cảng biển Nghi Sơn, đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt tại Quyết định QĐ1401/QĐ-BGTVT ngày 25/10/2010, tất cả diện tích xã Hải Hà đều nằm trong quy hoạch nên thuộc diện di dời toàn bộ. Tuy nhiên, việc di dời, bố trí tái định cư cho dân không thể thực hiện ngay và cùng lúc được vì phải chờ dự án.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng phát biểu tại buổi đối thoại. |
Kiến nghị chính đáng của dân đã được tiếp thu, tháo gỡ và giải quyết
Trong các cuộc làm việc, đối thoại với lãnh đạo UBND huyện và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng vừa diễn ra sáng 30/11, người dân xã Hải Hà đã nêu một số ý kiến, kiến nghị, đề xuất như sau:
Một là đề nghị không triển khai dự án cảng Long Sơn, nếu vẫn triển khai thì tiến hành thu hồi đất và di dời toàn bộ dân xã Hải Hà. Đồng thời có chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, hoán cải phương tiện khai thác, hỗ trợ về đời sống vì mất ngư trường khi khai thác. Trong quá trình triển khai, xây dựng cảng, chủ đầu tư và chính quyền không thông báo, bàn bạc với dân.
Ngoài ý kiến trên, còn có một số hộ có kiến nghị khác như sau: Các hộ có đất nông nghiệp bị thu hồi trước 1/10/2009 thuộc dự án Trung tâm Nhiệt điện Nghi Sơn, không thuộc diện tái định cư. Đề nghị hỗ trợ chuyển đổi nghề và tạo việc làm như các hộ tái định cư (bằng 1,5 lần giá bồi thường đất nông nghiệp tương ứng). Mức hỗ trợ cho diêm dân không thể sản xuất muối do ảnh hưởng của các dự án quá thấp. Đáng chú ý là đề nghị của các hộ sống bằng nghề khai thác, chế biến, kinh doanh hải sản. Theo đó, hiện toàn xã có 334 phương tiện, nhưng Nhà nước đầu tư xây dựng nơi neo đậu quá nhỏ về quy mô (1.100m2), trong khi tối thiểu phải trên 4.000m2 mới đáp ứng đủ nhu cầu. Đề nghị Nhà nước cho đầu tư mở rộng nơi neo đậu theo số lượng phương tiện hiện có của xã. Cuối cùng, bà con tha thiết đề nghị Nhà nước quan tâm hơn nữa đến việc tạo việc làm cho các hộ bị thu hồi đất. Vì hiện tại địa bàn xã có rất nhiều nhà máy đi vào hoạt động, nhưng lao động tại chỗ không được ưu tiên sử dụng. Một số ý kiến khác phản ánh về vấn đề ô nhiễm môi trường do nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn gây ra.
Sau khi lắng nghe, trao đổi với đại diện nhân dân xã Hải Hà, Chủ tịch Nguyễn Đình Xứng đã phát biểu, ghi nhận một số vấn đề chính quyền địa phương còn thiếu xót, chưa triển khai kịp thời gây bức xúc trong nhân dân và sẽ được chấn chỉnh ngay. Đối với các đề xuất của bà con, Chủ tịch đã có giải đáp, trả lời tại Hội nghị. Theo đó, Chủ tịch đồng ý chưa triển khai xây dựng hai bến số 1 và số 2 vì ảnh hưởng đến sinh kế của ngư dân. Hai bến này sẽ giao Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp Thanh Hóa điều chỉnh lại quy hoạch, chỉ triển khai xây dựng khi các hộ dân trong xã chuyển đến nơi định cư mới. Các cảng còn lại vẫn thi công bình thường.
Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Tiến Dũng phát biểu tại buổi đối thoại. |
Về âu neo đậu tàu thuyền, Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất giao các cấp, ngành chức năng tính toán, quy hoạch lại theo hướng mở rộng, đáp ứng nhu cầu neo đậu của người dân. Việc CĐT không cắm mốc giới, khiến tàu thuyền của ngư dân va quệt, rách ngư lưới cụ sẽ được thống kê, lên danh sách đền bù. Về các đề xuất hỗ trợ diêm dân, Chủ tịch yêu cầu sớm chi trả tiền hỗ trợ cho dân theo danh sách. Đồng thời cam kết đến năm 2019 sẽ thu hồi toàn bộ diện tích đồng muối còn lại của diêm dân Hải Hà. Về nội dung nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn gây ô nhiễm khói bụi, than, Chủ tịch giao Sở Tài nguyên và Môi Trường kiểm tra, xử lý.
Trước khi giải đáp, trả lời thắc mắc của nhân dân. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng đã đề nghị người dân không nên cho các cháu học sinh nghỉ học để cùng phụ huynh lên công sở xã gây sức ép. Tình trạng nay cần cấm dứt ngay để các cháu quay trở lại trường học. Việc khiếu nại, đề xuất là quyền của nhân dân, nhưng bà con phải gửi đơn thư theo đúng quy định của pháp luật, không nên tập trung đông người lên trụ sở chính quyền như vừa qua.
Tác giả: Đào Nguyên
Nguồn tin: Báo Xây dựng