Kinh tế

Cấm nhập lúa mì: Nước ngoài không thể 'chiều' VN

Lệnh cấm nhập khẩu gây ra rất nhiều hệ lụy cho cả các DN sản xuất thực phẩm có sử dụng nguyên liệu là bột mì từ bánh mì, bánh ngọt, mì tôm, fastfood...

Hội lương thực thực phẩm TP.HCM vừa có thư kiến nghị gửi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Cục trưởng Cục bảo vệ thực vật đề xuất phương án tháo gỡ khó khăn cho DN nhập khẩu lúa mì.

Cụ thể thời gian vừa qua, Hội Lương thực Thực phẩm TP. HCM (FFA) đã nhận được rất nhiều phản ánh của các doanh nghiệp (DN) hội viên sản xuất và nhập khẩu lúa mì về thông tin Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng I phát hành công văn về việc tái xuất các lô vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật bị nhiễm cỏ dại Cirsium arvense.

Theo Công văn số 95/CV-KDI của Chi cuc Kiểm dich thưc vật Vùng I ký ngày 5/9/2018 nêu rõ: Thực hiên chỉ đạo của Cục bảo vệ thực vật báo cáo Bộ NN&PTNT xem xét ra quyết định tạm ngừng nhập các loại vật thể thuộc diện kiểm dịch thự vật bị nhiễm cỏ dại “Cirsium arvense” (kế đồng).

Mới đây nhất ông Lê Sơn Hà, Trưởng phòng Kiểm dịch thực vật (Cuc Bảo vệ thực vật) cũng khẳng định Cục Bảo vê thực vật không cấm nhập khẩu lúa mì, chỉ cấm lúa mì có lẫn cỏ dai Cirsium arvense. Các doanh nghiêp có thể nhập lúa mì từ các quốc gia không có loai cỏ này.

Trước tình hình trên, ngày 8/10/2018 FFA đã tổ chức buổi tọa đàm khẩn khó khăn của DN nhập khẩu lúa mì nhằm đánh giá rõ nét hơn tính chất nghiêm trọng của sự việc cũng như mong muốn được chia sẻ, tìm ra các giải pháp tối ưu cho vấn đề, giải quyết ngay khó khăn cho DN.

Tại buổi tọa đàm, các công ty sản xuất bột mì cho biết, hiện mỗi chuyến tàu nhập khẩu lúa mì có trọng tải từ 30-50 ngàn tấn, có giá trị khoảng 20 triệu USD tương đương gần 500 tỷ đồng. Nếu buộc phải tái xuất, thiệt hại sẽ vô cùng lớn.

Mặt khác các DN cho biết nếu đàm phán với các nước mà DN đang nhập khẩu nguồn nguyên liệu chính là lúa mì với số lượng lớn như Nga, Mỹ, Canada, Úc... thì họ không chấp nhận các đơn hàng nhập khẩu có yêu cầu loại bỏ các loại cỏ dại có trong lúa mì vì không phù hợp với qui trình sản xuất của họ. Vì họ thu hoạch và sản xuất với số lượng lớn và bán đi khắp thế giới theo quy trình này.

Do vậy, chưa thể thiết kế quy trình sản xuất mới riêng cho Việt Nam, điển hình các nước đang nhập khẩu lúa mì với số lượng lớn của họ như Thai Lan, Malaysia, Indonesia hiện cũng không có yêu cầu này.

Công ty bột mì Bình Đông cho biết khó khăn với lệnh cấm nhập khẩu lúa mì tại hội thảo ngày 8/10

Nhận thấy, hàng năm Việt Nam đều nhập khẩu từ 4 triệu đến 5 triệu tấn lúa mì đối với các DN đang mua lúa mì từ bạn hàng truyền thống Nga, Mỹ, Canada, Úc..., nếu chuyển đổi sang một quốc gia khác thì không thể nào đáp ứng được chất lượng và giá cả tốt như hiện nay.

Nếu quyết định nói trên được áp dụng, không chỉ riêng các DN nhập khẩu lúa mì và sản xuất bột mì bị thiệt hại do phải ngưng sản xuất vì không có nguyên liệu mà còn kéo theo rất nhiều hệ lụy.

Đó là các DN sản xuất thực phẩm có sử dụng nguyên liệu là bột mì từ bánh mì, bánh ngọt, mì tôm, fastfood, thậm chí các DN sản xuất nguyên liệu, thức ăn dành cho chăn nuôi đều sẽ bị ảnh hưởng rất lớn bởi quy định này.

Do vậy Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM làm Thư này kiến nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT xem xét: cho phép tạm ngưng áp dụng thời gian thực hiện qui định của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), bắt đầu từ ngày 01/11/2018 tất cả các lô vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật bị nhiễm cây kế đồng, sẽ bị xử lý theo hình thức tái xuất đối với mặt hàng lúa mì.

"Hiện tại các DN đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện quy định này. Chúng tôi cam kết sẽ đóng góp hết khả năng của mình để cung cấp các bằng chứng khoa học, cũng như chia sẻ các khó khăn, bất cập của doanh nghiệp. Mong rằng Bộ NN&PTNT có thể hiểu được các thuận lợi khó khăn của doanh nghiệp từ đó đưa ra quyết định cụ thể", công văn nêu rõ.

Tác giả: TÚ UYÊN

Nguồn tin: Báo Pháp luật TP.HCM

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok