Kinh tế

Nhập khẩu than “vỡ kế hoạch”, vượt lên 9,7 triệu tấn

Theo dự báo của Bộ Công Thương, trong năm 2016, Việt Nam sẽ nhập khẩu hơn 3,1 triệu tấn than, nhưng số liệu nhập khẩu than của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài Chính) tính đến tháng 8 đã lên đến 9,7 triệu tấn, vượt gấp 3 lần kế hoạch đề ra.

Trong báo cáo về 54 mặt hàng nhập khẩu lớn về Việt Nam của Tổng cục Hải quan trong 8 tháng qua, mặt hàng than đá có tốc độ nhập khẩu tăng cao đột biến về cả lượng và giá trị.

Cụ thể, trong 8 tháng, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 9,7 triệu tấn than, đạt giá trị kim ngạch hơn 600 triệu USD. Tính ra, mỗi tháng Việt Nam đã phải nhập 1,2 triệu tấn, tương ứng khoảng hơn 75 triệu USD/tháng. Trước đó, cả năm 2015, Việt Nam chỉ phải nhập 500.000 tấn than về phục vụ nhu cầu trong nước.


Nhập khẩu than 8 tháng đầu năm 2016 đã lên đến gần 10 triệu tấn, trong khi mục tiêu nhập khẩu than năm 2020 của TKV là 20 triệu tấn.

Theo Tổng cục Hải quan, mặc dù giá trị và khối lượng than nhập khẩu không lớn bằng các mặt hàng như xăng dầu, máy móc linh kiện, điện thoại... nhưng tốc độ tăng của mặt hàng này so với cùng kỳ năm trước đều vượt 100%, trong đó về khối lượng nhập khẩu tăng 191%, giá trị kim ngạch nhập khẩu cũng hơn 107% so với cùng kỳ năm 2015.

Ba thị trường cung ứng than nhiều nhất cho Việt Nam là: Nga, cung ứng 2,8 triệu tấn, kim ngạch hơn 179 triệu USD; Trung Quốc với 1,4 triệu tấn, kim ngạch 100 triệu USD và Indonesia với 1,8 triệu tấn, kim ngạch đạt 80 triệu USD…

Như vậy, mức giá nhập khẩu trung bình than từ Nga là khoảng 63 USD/ tấn; giá than nhập trung bình từ Indonesia là 44 USD/ tấn. Cao nhất là giá than nhập khẩu từ Trung Quốc với 71 USD/tấn, gấp gần 2 lần so với than nhập từ Indonesia và hơn 1 lần than nhập từ Nga.

Hiện theo dự báo Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030, Chính phủ cũng đã nêu vấn đề nhu cầu than trong nước đang ngày càng tăng cao. Năm 2015 là 56,2 triệu tấn, năm 2020 là 112,3 triệu tấn, năm 2025 là 145,5 triệu tấn, và cho đến năm 2030, Việt Nam sẽ phải tiêu thụ tới 220,3 triệu tấn.

Như vậy, với mức tiêu thụ năm 2020 so tăng gấp đôi so với năm 2015 và tăng dần từ các năm 2025, trong khi đó, sản lượng than hiện tại mới chỉ đạt 40 triệu tấn và tương lai cũng khó tăng do các mỏ đều đã triển khai khai thác.

Theo kế hoạch đầu năm 2016, Tập đoàn công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) dự kiến sẽ sản xuất và tiêu thụ khoảng 36 triệu tấn than. Nhưng hiện đã phải giảm kế hoạch sản lượng xuống còn 33 triệu tấn.

Trong thời gian qua, số than nhập về phục vụ cung cấp chủ yếu cho các nhà máy nhiệt điện, luyện gang thép, xi măng... Việc nhiều nhà máy sử dụng than đá làm nguyên liệu, trong khi lượng than khai thác đã gần cạn kiệt, trong khi quy hoạch một số nhà máy điện, thép và xi măng đang tăng về số lượng nhà máy. Điều này đẩy áp lực khiến Việt Nam ngày càng phải lo nhập khẩu than trong khi vẫn phải khai thác xuất khẩu.

Đầu năm 2016, theo dự báo của Bộ Công Thương, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu hơn 3,1 triệu tấn than trong năm nay, trong đó riêng TKV sẽ phải nhập 1 triệu tấn để phục vụ các nhà máy điện của tập đoàn này; số còn lại phục vụ các nhà máy nhiệt điện, luyện thép và xi măng….

Tuy nhiên, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, sản lượng nhập than các quý I/2016 đã bằng kế hoạch cả năm. Và trong 8 tháng đầu năm, nhập khẩu than cả nước gấp 3 lần kế hoạch. Bên cạnh đó, theo kế hoạch của TKV đến năm 2020, tập đoàn này sẽ phải nhập than từ 20 - 30 triệu tấn để phục vụ các nhà máy điện.

Tác giả bài viết: Nguyễn Tuyền

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok