Trong tỉnh

Các địa phương tiếp giáp Thanh Hóa tích cực phòng dịch tả lợn châu Phi

Hiện tại Nghệ An chưa xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, sau khi tỉnh Thanh Hóa công bố trên địa bàn xuất hiện ổ dịch, UBND tỉnh Nghệ An đã có công văn chỉ đạo các địa phương triển khai phòng chống dịch. Tiếp giáp với ổ dịch của Thanh Hóa, huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai đang tích cực triển khai nhiều biện pháp phòng dịch, không để dịch lây lan vào địa bàn.

Sau khi nắm bắt được thông tin ở tỉnh Thanh Hóa xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi, gia đình ông Hồ Văn Tâm ở xã Quỳnh Giang (Quỳnh Lưu) vô cùng lo lắng vì là địa phương tiếp giáp, có tuyến Quốc lộ 1A đi qua nên nguy cơ lây lan sẽ rất cao.

Để chủ động phòng chống dịch, ông Tâm đã chủ động sử dụng các loại lá cây như vỏ bưởi, vỏ nhãn, sả... để xông cho đàn lợn gần 100 con. Đồng thời vệ sinh chuồng trại, bổ sung men tiêu hóa trong thức ăn để tăng sức đề kháng giúp lợn khỏe mạnh, kháng cự được dịch bệnh.

"Ngoài chủ động phòng bệnh, gia đình tôi mong muốn các cơ quan chức năng tuyên truyền thêm cho người dân về cách phòng bệnh, tránh dịch bệnh lây lan” - ông Tâm chia sẻ.

Sau khi nắm bắt được tình hình dịch tả lợn Châu Phi xảy ra trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, các hộ chăn nuôi ở Quỳnh Lưu đang tích cực phòng chống. Ảnh: Việt Hùng

Theo số liệu từ Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Quỳnh Lưu, toàn huyện hiện có tổng đàn lợn từ 45.000 - 55.000 con; hiện có hơn 50 gia trại và hàng trăm hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ... Để phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, huyện Quỳnh Lưu đã có công văn chỉ đạo 33 xã, thị trấn trên địa bàn triển khai thực hiện phòng dịch. Trạm Thú y huyện đã cắt cử, phân công cán bộ xuống địa bàn để tuyên truyền cho bà con về cách phòng chống dịch tả lợn Châu Phi.
Ông Trần Minh Quân - quyền Trưởng Trạm Chăn nuôi - Thú y huyện Quỳnh Lưu cho biết: Dịch tả lợn châu Phi diễn biến rất nguy hiểm, gây chết nhiều, chết nhanh trên đàn lợn, nên công tác phòng bệnh phải kịp thời, tập trung vào công tác kiểm soát vận chuyển buôn bán, không để lợn không rõ nguồn gốc chưa qua kiểm dịch tràn vào địa phương.

Cán bộ thú y huyện Quỳnh Lưu cùng với Ban thú y xã tập trung phun sát trùng chuồng trại cả bên trong và bên ngoài, lối đi vào trại. Ảnh: Việt Hùng

Theo Trạm Thú y huyện, để đối phó với dịch tả lợn châu Phi, đơn vị phân công cán bộ trạm xuống tận các địa phương để khuyến cáo người chăn nuôi thường xuyên vệ sinh, phun thuốc sát trùng tiêu diệt các loại mầm bệnh; có biện pháp ngăn chặn các loại côn trùng; không tham gia mua bán, vận chuyển, tiêu thụ bất kỳ lợn bệnh, lợn nghi bị bệnh, các sản phẩm thịt lợn bệnh; mua con giống rõ nguồn gốc; không sử dụng thức ăn thừa; thức ăn tận dụng chưa được nấu chín. Khi phát hiện lợn bị bệnh, tuyệt đối không bán chạy; không giết mổ; không vứt xác lợn chết ra ngoài môi trường, vì bệnh này chưa có thuốc điều trị và vaccine phòng ngừa...

Tại thị xã Hoàng Mai, địa phương ráp gianh với tỉnh Thanh Hóa nên công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn lợn đang được các phòng, ban ngành địa phương triển khai quyết liệt.

Ông Hoàng Ngọc Thủy - Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng thị xã Hoàng Mai cho biết, để ngăn chăn dịch bùng phát, địa phương đã lập các chốt chặn 24/24h trên các tuyến đường lớn để kiểm soát các phương tiện vận chuyển lợn không rõ nguồn gốc đi qua địa bàn. Chỉ đạo các phường, xã như Quỳnh Lộc, Quỳnh Vinh, Quỳnh Thiện... phối hợp với Trạm Thú y thị xã phun tiêu độc khử trùng tại các trang trại, gia trại chăn nuôi lợn.

"Công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi đang được địa phương quan tâm chỉ đạo sát sao. Các hộ chăn nuôi đã chủ động nhiều biện pháp phòng bệnh nhằm không để dịch lây lan, tránh thiệt hại về kinh tế - ông Hoàng Ngọc Thủy cho biết thêm .

Cùng với phun thuốc khử trùng, việc dùng vôi bột rải đều xung quanh chuồng trại là giải pháp an toàn nhằm ngăn chặn các vi rút lây lan. Ảnh: Việt Hùng

Cùng với triển khai phòng chống dịch bệnh tại các địa phương, từng hộ chăn nuôi, Trạm Kiểm dịch động vật Bắc Nghệ An đóng chân tại phường Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai cũng đang tích cực kiểm soát phương tiện chở động vật lưu thông trên tuyến Quốc lộ 1A.

Ông Đậu Đăng Định - Trạm trưởng Trạm kiểm dịch động vật Bắc Nghệ An cho biết, sau khi có công văn chỉ đạo của Chi cục Thú ý tỉnh về phòng chống dịch tả lợn châu Phi, đơn vị đã họp và triển khai nhiều phương án phòng chống, kiểm soát các phương tiện vận chuyển động vật lưu thông trên đường. Khi các phương tiện chở động vật đi qua trạm phải xuất trình giấy tờ, nguồn gốc xuất xứ; đồng thời chỉ đạo lực lượng phun tiêu độc khử trùng, kiểm tra động vật trên xe.

Phun tiêu độc khử trùng tại Trạm kiểm dịch động vật Bắc Nghệ An. Ảnh: Việt Hùng

"Trước sức nóng về dịch tả lợn Châu Phi, những ngày qua, trạm đã huy động toàn bộ nhân lực, phối hợp với cả lực lượng cảnh sát giao thông ở địa bàn để xử lý các xe chở động vật có dấu hiệu vi phạm, kiên quyết không cho lợn có dấu hiệu bệnh qua trạm" - ông Định cho biết thêm./.

Tác giả: Việt Hùng

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok