Trong tỉnh

Thanh Hóa: Khống chế bệnh dịch tả lợn Châu Phi

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông Thanh Hóa vừa có công văn gửi Chủ tịch ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố để chủ động ngăn chặn, giám sát phát hiện sớm, sẵn sàng ứng phó kịp thời và hiệu quả với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Thanh Hóa có tổng đàn lợn lớn; tình hình chăn nuôi nhỏ lẻ còn chiếm tỷ lệ lớn, mật độ nuôi cao; hoạt động vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm khó kiểm soát, vì vậy, nguy cơ bệnh Dịch tả lợn Châu phi xâm nhập, gây bệnh, lây lan trên diện rộng ở đàn lợn của tỉnh trong thời gian tới là rất cao.

Trước tình hình đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đề nghị Chủ tịch ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp cấp bách để ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ cấp bách, chủ yếu như: Thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật, đoàn công tác các cấp và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên để tổ chức phòng, chống dịch bệnh;

Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn.

Tổ chức, phân công lực lượng tăng cường giám sát dịch bệnh đến tận thôn, bản phát hiện sớm các ổ dịch, nhằm bao vây dập tắt dịch khi còn ở diện hẹp, không để dịch lây lan;

Vận động các tổ chức, đoàn thể cùng tham gia giám sát, phát hiện dịch; thực hiện nghiêm chế độ báo cáo đột xuất khi có dịch và báo cáo định kỳ việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn theo quy định.

Trong trường họp xảy ra dịch bệnh, trực tiếp chỉ đạo tập trung các nguồn lực của địa phương để tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới;

Tổ chức xử lý tiêu hủy động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết; tổng vệ sinh, phun thuốc khử trùng, tiêu độc (bằng vôi bột, hóa chất...);

Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật làm lây lan dịch bệnh.

Tổ chức giám sát chặt chẽ nơi buôn bán, giết mổ, trung chuyển lợn; thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn;

Xây dựng phương án đóng cửa chợ, cơ sở giết mổ, nơi buôn bán lợn, các sản phẩm của lợn và có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xảy ra trên địa bàn.

Lợn nuôi sẽ được chú trọng khử trùng, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ

Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố đồng loạt tổ chức thực hiện “Tháng hành động vệ sinh, tiêu độc, khử trùng phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm đợt 1 năm 2019” trên địa bàn, đặc biệt là tại các khu vực từng xuất hiện dịch bệnh gia súc, gia cầm, khu vực buôn bán giêt mổ gia súc, gia cầm, khu vực có mật độ chăn nuôi cao, khu vực có nguy cơ dịch bệnh cao, nhằm tiêu diệt nguồn gây bệnh.

Tập trung tổ chức thực hiện quyết liệt công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm đợt 1 năm 2019 đúng tiến độ kế hoạch, hiệu quả tiêm phòng đạt tỷ lệ và chỉ tiêu kế hoạch được giao.

Cũng với đó là tổ chức thông tin, tuyên truyền liên tục để người chăn nuôi và cộng đồng hiểu rõ mức độ nguy hiểm của bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, các biện pháp xử lý, mức và thời gian hỗ trợ của nhà nước đối với động vật nghi mắc bệnh, đã mắc bệnh, chết và buộc phải tiêu hủy để ngăn chặn dịch bệnh lây lan theo quy định tại Nghị định 02/2017/NĐ-CP về Cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khắc phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Chỉ đạo Trạm Thú y cấp huyện báo cáo đầy đủ, chính xác về diễn biến, tình hình dịch bệnh và thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh;

Phối họp tổ chức lấy mẫu xét nghiệm đối với các loại lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu từ nước ngoài vào địa bàn tỉnh; các loại lợn phát hiện bị bệnh, nghi bị bệnh;

Hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở thường xuyên theo dõi đàn lợn, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; vệ sinh, tiêu độc khử trùng; thành lập các tổ công tác thực hiện hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Theo thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE), đến nay đã có 20 quốc gia báo cáo có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và các nước đã phải tiêu hủy trên 1,08 triệu con lợn.

Tại Trung Quốc, theo thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE), Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) từ ngày 03/8/2018 đến ngày 01/02/2019, có 105 ổ dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện tại 25 tỉnh (trong đó có tỉnh Vân Nam và Quảng Đông gần biên giới với Việt Nam) và đã phải tiêu hủy trên 950 nghìn con lợn các loại.

Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra, bệnh chưa có vắc xin để phòng; bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành chăn nuôi lợn với tỷ lệ chết cao lên đến 100%.

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian vừa qua đã xuất hiện bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tại 2 hộ chăn nuôi tại 2 xã của tỉnh Hưng Yên và 06 hộ chăn nuôi tại 01 xã của tỉnh Thái Bình, nguy cơ dịch bệnh lây lan diện rộng là rất cao.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 20/02/2019 về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

UBND tỉnh Thanh Hóa cũng có Kế hoạch số 43/KH-UBND ngày 21/02/2019 về kế hoạch hành động ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh.

Tác giả: Quang Duy

Nguồn tin: Báo Công luận

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok