Kinh tế

Các đại gia địa ốc được bổ sung hàng nghìn tỷ vốn kinh doanh

Nhiều tập đoàn bất động sản lớn đã huy động được hàng nghìn tỷ đồng từ ngân hàng và cổ đông để tiếp tục triển khai dự án. Điểm mấu chốt cần khơi thông tiếp theo là kích thích nhu cầu mua nhà của người tiêu dùng giúp thị trường bất động sản trở lại trạng thái bình thường.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản đã được khơi thông nguồn vốn. Ảnh: Internet


Từ nửa cuối năm ngoái đến nay, nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp khó trong tiếp cận nguồn vốn, hàng loạt dự bán dừng thi công. Mới đây, nhờ chủ trương tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản của Chính phủ, nhiều “ông lớn” bất động sản đã bắt đầu huy động được hàng nghìn tỷ đồng để phục vụ cho nhu cầu hoạt động kinh doanh, triển khai dự án.

Vào ngày 30/10, Tập đoàn Hưng Thịnh công bố ký hợp đồng tín dụng hạn mức 5.000 tỷ đồng với Ngân hàng TMCP Bưu điện (LPBank), tài trợ cho các dự án bất động sản của tập đoàn và các công ty thành viên.

Ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết gói tín dụng của LPBank giúp tháo gỡ nút thắt về vốn cho các doanh nghiệp trong tập đoàn và hàng trăm nhà thầu tại các dự án đang dang dở.

“Thị trường bất động sản thời gian qua gặp nhiều khó khăn, do đó, sự hợp tác này là rất tích cực, kịp thời và thể hiện sự quyết liệt của ngành ngân hàng nhằm giúp thị trường tháo gỡ những khó khăn đó,” Chủ tịch Hưng Thịnh nói.

Lễ ký hợp tác toàn diện của Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã: PDR) và Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank) vừa diễn ra ngày 17/11. Theo thỏa thuận, MBBank sẽ tài trợ hơn 6.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư (Phát Đạt) và khách hàng sở hữu sản phẩm tại dự án khu nhà ở phức hợp cao tầng Thuận An 1&2 có quy mô 4,47 ha, tổng đầu tư 10.800 tỷ đồng.

Ông Hà Trọng Khiêm – Phó Tổng giám đốc MBBank cho biết hợp tác tại dự án trên là khởi đầu cho những dự án tiếp theo mà 2 bên đang thảo luận như dự án khu đô thị Bắc Hà Thanh (Bình Định) hay dự án tại 223 Trần Phú (Đà Nẵng)…

Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (mã: AGG) công bố Nghị quyết HĐQT thông qua nâng hạn mức tín dụng khoản vay được cấp ở Hatra PTE Limitedd từ 18 triệu USD lên 23 triệu USD (~ 550 tỷ đồng). Đồng thời, doanh nghiệp cũng sẽ vay VietinBank – chi nhánh 11 số tiền 50 tỷ đồng để bổ sung vốn hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ tư vấn, môi giới và quản lý bất động sản.

Không chỉ ở kênh vay ngân hàng, doanh nghiệp bất động sản cũng đã thành không huy động vốn trên thị trường chứng khoán. Tập đoàn C.E.O (mã: CEO) thông báo đã huy động được số tiền ròng 2.521,5 tỷ đồng từ chào bán 252,2 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, giá 10.000 đồng/cp. Trong đó, cổ đông hiện hữu mua 242,7 triệu đơn vị, tỷ lệ 96,22%; phần còn lại phân phối cho 5 cá nhân.

Đồng thời, C.E.O Group cũng thực hiện phát hành hơn 5 triệu cổ phiếu ESOP, giá 10.000 đồng/cp. Các cán bộ nhân viên được phân bổ quyền đã mua 4,7 triệu đơn vị, còn 447.536 đơn vị được tiếp tục phân bổ cho 3 cán bộ khác. Cổ phiếu ESOP bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành.

Công ty sẽ sử dụng nguồn vốn huy động được để đầu tư dự án khu biệt thự cao cấp Sonasea Residences, tăng vốn cho các công ty con và bổ sung vốn lưu động.

Nối gót C.E.O Group, Tập đoàn Đất Xanh (mã: DXG) đang hoàn tất các thủ tục để chào bán riêng lẻ 57 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài. Giá chào bán 15.000 đồng/cp, doanh nghiệp kỳ vọng huy động được 855 tỷ đồng để tăng tỷ lệ sở hữu tại Đất Xanh Services (mã: DXS). Cụ thể, Đất Xanh muốn mua tối đa 27,6 triệu cổ phiếu DXS từ các nhà đầu tư, tương ứng tỷ lệ 6,07% vốn. Thời điểm thực hiện trong quý IV/2023 và quý I/2024.

Theo số liệu của NHNN, tính đến 30/9, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh bực bất động sản của các tổ chức tín dụng đạt 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 6,04% so với 31/12/2022 và chiếm tỷ trọng 21,46% tổng dư nợ nền kinh tế. Trong đó, tín dụng bất động sản tiêu dùng (mua nhà ở) chiếm 64% và dư nợ đối với kinh doanh bất động sản chiếm 36%.

Theo bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ tín dụng ngành kinh tế, NHNN khuyến khích các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn cho các phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Đồng thời, các tổ chức tín dụng cũng phải kiểm soát rủi ro tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản lành mạnh, bền vững.

Như vậy, nguồn vốn đã bắt đầu chảy vào thị trường bất động sản nhưng có chọn lọc. Đồng thời, tăng trưởng tín dụng bất động sản chủ yếu do các ngân hàng tăng giải ngân cho các chủ đầu tư trong khi cho vay mua nhà giảm. Điều này có nghĩa là người tiêu dùng vẫn chưa mặn mà mua nhà dù lãi suất cho vay giảm.

Ông Trần Văn Bình, Tổng Thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội môi giới bất động sản (VARS) đánh giá cùng với nút thắt pháp lý, nguồn vốn thì niềm tin của khách hàng, nhà đầu tư là chốt chặn quan trọng cần khơi thông để thị trường bất động sản thực sự trở lại trạng thái bình thường. Thị trường bất động sản quý IV/2023 sẽ là bước đệm cho sự chuyển mình vào năm 2024. Bức tranh toàn cảnh thị trường chắc chắn sẽ có thêm điểm sáng mới, đặc biệt những khu vực đang còn dư địa phát triển, có quy hoạch đồng bộ, hiện đại, hạ tầng được quan tâm, chú trọng đầu tư, mặt bằng giá chưa cao.

Tác giả: MỸ HÀ

Nguồn tin: nhadautu.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok