Cá linh, đặc biệt là cá linh non, một đặc sản của khu vực ĐBSCL vào mùa nước nổi và mỗi năm chỉ xuất hiện một lần. Tuy nhiên, năm nay tỉnh An Giang và một số địa phương khác đã có văn bản cấm đóng đáy đánh bắt cá đầu mùa lũ. Đặc biệt, cấm đánh bắt cá linh non dưới 50 mm nên lượng cá linh được bán trên thị trường cũng giảm đáng kể.
Tình trạng đánh bắt cá linh non đầu mùa lũ theo kiểu tận diệt ở An Giang đã giảm đáng kể sau khi tỉnh ban hành lệnh cấm |
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, hiện cá linh non được bày bán tại các chợ vùng ven biên của tỉnh An Giang với giá dao động từ 70.000-80.000 đồng/kg (đã làm sạch ruột). Trong khi đó, tại vùng đất được mệnh danh là vùng rốn lũ của Đồng Tháp Mười thuộc xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp lại khan hiếm nguồn cá linh non một cách lạ thường. Khách muốn thưởng thức các món ngon từ cá linh non phải gọi điện thoại đặt hàng trước để các chủ quán ở đây ra tận chợ xã Trường Xuân (hơn 10 km) mua lại từ các bạn hàng. Cũng do tình trạng khan hiếm này nên giá cá linh ở đây vẫn còn cao ngất ngưởng với mức 150.000 đồng/kg.
Lão ngư Lê Văn Xíu ở xã An Phú, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, cho biết năm nay do phía Campuchia vẫn cho phép khai thác thủy sản nên gia đình ông phải sang tận nước bạn nhờ người quen giới thiệu với chính quyền sở tại đăng ký thuê mặt nước để đánh bắt cá linh. Sau khi bỏ ra hơn 100 triệu đồng thuê mặt nước, ông Xíu đầu tư thêm hàng chục triệu đồng để trang bị mới một số ngư cụ như lưới cước, cây tràm, dây chì làm đường đăng và miệng đú với hy vọng sẽ đón bắt những đợt cá linh non đầu mùa vì có giá khá cao. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, cho dù các cánh đồng ở khu vực giáp biên này đã ngập nước nhưng lượng cá linh về đây rất ít. "Với hơn chục miệng đú cùng đường đăng dài cả cây số mà mỗi ngày tôi chỉ kiếm được hơn chục ký cá linh non. Bạn hàng đến đây mua với giá chỉ có 30.000 đồng/kg. Nếu như cá được móc ruột làm sạch thì có giá gấp đôi so với cá còn sống" - ông Xíu chia sẻ.
Cũng theo lão ngư kỳ cựu trong nghề khai thác cá linh này thì đa phần cá linh đang có mặt tại các chợ đều được đánh bắt từ các cánh đồng hoặc dưới các dòng sông, kênh chính từ phía bên kia biên giới. Một lượng nhỏ cá linh xuôi dòng về phía hạ nguồn để lên đồng nước tìm nơi sinh sản. Tuy nhiên, do lũ đã đổ xuống phía hạ nguồn nhiều và làm ngập các cánh đồng nên lượng cá linh cũng bị phân tán. Do đó, những người làm nghề đặt dớn hay đú (giống như dớn nhưng lớn hơn) cũng chỉ bắt được chút ít cá linh non cùng với một số cá đồng khác.
Còn theo chị Nguyễn Thị Linh - một tiểu thương chuyên kinh doanh mặt hàng cá linh non tại một khu chợ ở huyện Tịnh Biên, cho biết từ đầu mùa lũ đến nay, vợ chồng chị phải chạy xe máy sang huyện An Phú để mua cá linh về bán lại kiếm lời. Do việc vận chuyển cá linh non hết sức khó khăn nên mỗi ngày chị cũng chỉ mua về trên dưới chục kg cá linh non để kinh doanh theo kiểu "giữ mối" đối với những thực khách sành ăn loại cá đặc hữu này ở miền Tây.
"Cá linh chủ yếu được người dân đi qua Campuchia bắt đem qua đây bán chứ hiện giờ bên mình chưa có nhiều. Tôi hy vọng sắp tới sẽ giảm bớt được phần nào chi phí đi lại khi cá linh về nhiều hơn" - chị Linh bộc bạch.
Ông Trần Phùng Hoàng Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang, cho biết lệnh cấm khai thác thủy sản đầu mùa lũ của UBND tỉnh có hiệu lực đến ngày 31-8 ngư dân mới được phép khai thác thủy sản, khi cá linh non đạt kích cỡ 50 mm theo quy định. Về nguồn cá linh non được bày bán tại các chợ hiện nay, ông Tuấn xác nhận đều được khai thác từ phía Campuchia và một phần trong nội địa thuộc các xã đầu nguồn... Bởi qua quá trình tuần tra, cơ quan chức năng tỉnh chưa phát hiện có tình trạng khai thác theo kiểu tận diệt như dùng xung điện hay đóng đáy dưới sông. Tuy nhiên, việc một số người dân nghèo lén lút đánh bắt kiểu nhỏ lẻ thì khó tránh khỏi và cũng rất khó kiểm soát.
"Năm nay, các huyện phối hợp với ngành chức năng ở tỉnh làm rất kỹ và đang kiểm soát tốt tình hình khai thác thủy sản. Qua kiểm tra tại một số chợ thì hiện cá linh đã đạt kích cỡ 50 mm. Do đó, chúng tôi đang lập tờ trình gửi UBND tỉnh An Giang xem xét sớm gỡ bỏ lệnh cấm khai thác thủy sản, trong đó có việc cho phép ngư dân tiến hành ngay việc đóng đáy bắt cá linh trên các tuyến sông, kênh chính từ hướng Campuchia về nội địa" - ông Tuấn khẳng định.
Nên cấm tuyệt đối theo mùa Ông Lê Hoàng Vũ, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Đồng Tháp, cho biết mỗi năm, đơn vị này đều có tham mưu cho UBND tỉnh về thời hạn cấm khai thác thủy sản một cách tuyệt đối theo mùa vụ chứ không cấm theo đối tượng (loại cá) như các địa phương khác. Theo đó, trong khoảng thời gian từ ngày 1-5 đến 1-7 hằng năm, ngư dân không được khai thác thủy sản với bất cứ hình thức nào vì đây là mùa sinh sản của chúng. "Nếu áp dụng quy định về kích cỡ cá được phép khai thác thì không hợp lý vì người dân không thể bắt con này mà thả con kia. Năm nay, chi cục có phối hợp với các ngành chức năng tuyên truyền và xử lý một số trường hợp cụ thể do vi phạm khai thác thủy sản trái phép trên sông, rạch. Mức phạt tiền đối với những trường hợp vi phạm trong lĩnh vực này là rất nặng đến 7 triệu đồng/người vi phạm" - ông Vũ chia sẻ. |
Tác giả: THỐT NỐT
Nguồn tin: Báo Người lao động