Clip quay cảnh một giáo viên tiểu học đang hướng dẫn phụ huynh học sinh có con đang theo học lớp 1 với thay đổi hẳn về cách đánh vần tiếng Việt đã khiến nhiều phụ huynh lo ngại đổi mới giáo dục lại theo hướng không giống ai.
Theo nội dung clip được chia sẻ, giáo viên này đang hướng dẫn các phụ huynh dạy con em mình đánh vần các chữ “k”, “qu” theo chương trình công nghệ đều phải đọc là “c”, hay thay đổi cách đánh vần của các từ “iên”, “uôn”.
Clip này được ghi từ cuộc họp phụ huynh trường tiểu học Dương Đông 1, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Theo báo cáo của Trường Tiểu học Dương Đông 1, vào ngày 25.8, nhà trường có tổ chức cuộc họp phụ huynh đầu năm ở tất cả các khối lớp.
Cô Đỗ Thị Phương Trang (giáo viên chủ nhiệm lớp 1/3) cho biết, phụ huynh thắc mắc liệu đây có phải là cách phát âm theo nghiên cứu cải tiến chữ quốc ngữ của PGS Bùi Hiền hay không và cô đã giới thiệu chương trình, phổ biến luật chính tả, cách đánh vần theo công nghệ giáo dục đã được triển khai được 4 năm ở Phú Quốc.
Nhiều ưu nhược điểm của cách đánh vần "lạ" theo sách công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại đã được hội đồng thẩm định quốc gia đưa ra từ năm ngoái |
Clip đặc biệt thu hút nhiều phụ huynh học sinh quan tâm và góp ý. Trước cách thức đánh vần hoàn toàn khác phương pháp truyền thống, nhiều bạn đọc cho rằng cần phải lấy ý kiến của cả người dân và giáo viên về vấn đề chương trình sách lớp 1 xem ý kiến mọi người như thế nào vì nó liên quan trực tiếp đến việc học hành của con em họ.
Đưa vấn đề này ra ai cũng có thể nhận xét được vì ai cũng đã trải qua lớp 1, có cái gì cao siêu đâu mà không nhận xét được. Cải cách gì thì cải cách, cốt làm sao cho việc đọc viết trở nên dễ dàng.
Có phụ huynh chia sẻ: “Tôi có con học lớp 1 chương trình công nghệ giáo dục. Đúng là khổ sở khi dạy con. Chương trình quá khó với các cháu lớp 1. Mỗi lần dạy con không đọc được là mẹ khóc, con khóc”.
Trước thắc mắc của dư luận về cách đánh vần “lạ” của Bộ sách Tiếng Việt lớp 1 CNGD, ông Nguyễn Đức Hữu, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT cho hay: Tài liệu Tiếng Việt 1 theo chương trình công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại đi theo hướng ngữ âm học và bao nhiêu năm nay đã tổ chức, triển khai dạy học như thế rồi chứ không phải năm nay mới có, thực chất không phải cái gì đó mới lạ.
Có thể với những phụ huynh mới có con vào lớp 1 thấy lạ tai nên câu chuyện mới xôn xao như vậy, chứ những năm trước đây những trường, địa phương theo chương trình này đã dạy học như vậy mà không có vấn đề gì.
Bộ GD-ĐT là cơ quan chịu trách nhiệm trong việc cho phép lưu hành bộ sách giáo khoa tiếng Việt công nghệ giáo dục. Sách này không bán rộng rãi mà tỉnh nào đăng ký thực hiện phải đăng ký trước với Bộ GD-ĐT trong hè để Nhà xuất bản Giáo dục căn cứ vào số lượng đó in ấn.
Năm học 2018-2019, đã có gần 50 tỉnh, thành phố với hơn 800.000 học sinh học chương trình này. Được biết, ngày 19/4/2017, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã ban hành Quyết định thành lập Hội đồng Quốc gia thẩm định Tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục.
Đến tháng 5/2017, Hội đồng Quốc gia thẩm định Tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục đã họp để đánh giá tài liệu này. Hội đồng thẩm định đề nghị Bộ GD-ĐT cho phép tiếp tục triển khai thí điểm tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục trong năm học 2017-2018 trên tinh thần tự nguyện.
Kết luận của Hội đồng quốc gia thẩm định tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục cũng đã chỉ ra ưu điểm, hạn chế của mục tiêu chương trình; Phương pháp dạy học và đánh giá kết quả học tập. Trong đó, ưu điểm được nêu ra là tài liệu Tiếng Việt 1 đáp ứng một số mục tiêu của chương trình môn Tiếng Việt, nhất là mục tiêu giúp học sinh hình thành và phát triển kỹ năng đọc thành tiếng, viết chính tả, góp phần rèn luyện các thao tác tư duy cho học sinh; cung cấp một số kiến thức về tiếng Việt, về tự nhiên, xã hội và con người, về văn hóa và văn học.
Về hạn chế, hội đồng thẩm định nêu mục tiêu giúp học sinh phát triển kỹ năng nói và nghe chưa được thể hiện trong tài liệu. Các hướng dẫn, hoạt động giúp học sinh đọc hiểu bài đọc như tìm hiểu nghĩa của từ, nội dung của câu và đoạn văn, trả lời câu hỏi đọc hiểu chưa được chú trọng. Vì vậy, học sinh có thể đọc thành tiếng văn bản nhưng không hiểu nghĩa.
Tác giả: Duy Anh
Nguồn tin: Báo An ninh Thủ đô