Cuộc sống

Bức "tâm thư" chị dâu gửi cô em chồng quý hóa

Chị vốn đã định coi cô như vô hình, sẽ nói chuyện với tất cả mọi người trừ cô, bởi chính cô là người gây hấn trước, khi chị cứ mở miệng ra câu nào lại thấy cái vẻ mặt không thể chịu nổi của cô. Các hành động của cô như thể, chị dâu cô dễ bị bắt nạt nhất, cô tha hồ “chà đạp” không thương tiếc.

Mọi việc ở nhà cô bàn giao hết cho chị, để cô nhảy nhót, lê la khắp nơi buôn chuyện nói xấu ai đó. Không sao, làm thêm tí không chết được, nhưng cái thái độ cô luôn tỏ vẻ trên cơ, ngạo mạn, rồi cô bĩu môi, cười khẩy, thở dài, chẳng nói chẳng rằng… mỗi khi chị lỡ quên, hoặc lầm lẫn gì đó khiến chị thấy mình như là phường lạc loài. Trong khi bản thân chị khi vấp phải điều đó vốn dĩ cũng đã tự dằn vặt mình lắm rồi.

Chị muốn hét vào mặt cô mà rằng, “Ừ, phải, tôi dốt nát, chậm chạp, vụng về nên mới ở cùng nhà với cô, chứ tôi mà giỏi giang thì đã cao chạy xa bay rồi… chả phải ngồi đây nghe cô rỉa rói, xúc xiểm”.

Song chị kìm lại được, vì chỉ một câu thôi, cô đã sẵn sàng hất đổ mọi thứ, sấn sổ lại tấn công bằng đủ ngôn từ khiến chị tối tăm mặt mũi. Chị không đủ văn hóa để tiếp chiêu độc đó, đành nhận là chị ba ngơ…

Chị im không hẳn vì sợ, mà vì đó là biểu lộ cao nhất của sự khinh bỉ. Chị nhịn cho êm cửa ấm nhà vì ngoại trừ cô ra, các thành viên khác trong gia đình đều rất dễ chịu. Chính vì thế mỗi lần muốn nói thẳng vào mặt cô bao uất ức trong lòng, chị lại buông lỏng bàn tay và tỉnh bơ cười nhẹ bỏ qua, vì chị cho rằng cô không đáng được thế, cô không bao giờ đáng được chị để tâm, vì sự chân thành thổ lộ chỉ có thể được dành cho người biết điều và xứng đáng, hoặc là người được coi là thân thiết, ruột thịt.

Giá cô cầu tiến, thân thiện một chút, thì chị em đã cùng thẳng thắn, đằng này chị vừa mới lựa lời kể rằng: “Chị vốn người nhà quê, ăn nói cục mịch, nấu nướng các món theo khẩu vị phố như nhà mình chị không quen, nên hay quên và làm hơi chậm chạp, thông cảm cho chị…”, thì cô lại cười khẩy bảo: “Nói ít thôi làm nhiều vào, mãi rồi khắc quen”. Cô ngoảy mông bước đi, khiến chị chưng hửng và biết mình hoàn toàn thất bại trong việc kiếm tìm sự cảm thông.

Trước mặt thì là thế, sau lưng thì cô thủ thỉ “góp ý” với mọi người rằng chị lười nọ vụng kia. Tất nhiên bằng nhiều cách có lúc chị nghe được và nó khiến chị ám ảnh, khó quên, dù cố dỗ lòng thế nào đi chăng nữa.

Nhất là lần chị vô tình đọc được tin cô nhắn cho chồng chị khi ấy đang đi công tác rằng: “…Vụng ơi là vụng, nấu canh cá lại đi cho thẳng vào nồi nước, chẳng chịu rán qua trước đã. Cảm giác như chị ấy chưa từng vào bếp vậy”, khiến chị xiêu vẹo như đất trời nghiêng ngả, thấy bao công sức cố gắng của mình từ trước đến giờ như bị ném cả vào đống rác ngập ngụa, mặt bị tạt gáo nước lạnh mỗi ngày… Sao cô không nói thẳng với chị?

Bao ẩn ức chị cố giữ trong lòng, tự tìm cách giải quyết ổn thỏa để không phiền lụy đến ai. Chị tâm đắc câu, kẻ kém cỏi thì hay kể lể, biện minh, đổ lỗi, còn người thông minh sẽ tìm ra phương pháp. Giờ mà chị đứng ra giải thích, phân bua này nọ thì có khác gì tự nhận mình tiểu nhân, chị đành gắng âm thầm thích nghi với tất cả.

Nhưng, thực sự cô khiến chị đau tận tâm can khi tưởng tượng cảnh chồng mình hoặc ai đó không được chứng kiến, sẽ tin lời cô. Liệu chị có đủ thời gian để chứng minh lời cô nói là chưa chuẩn. Chị và anh trai cô bỏ cuộc, “đứt gánh” cô vui được không?

Chị tâm sự với đứa bạn, nó ngạc nhiên: “Mày nghĩ nhiều quá đấy, chỉ mệt mình thôi. Hãy bơ thuỗn đối phương và vui sống, muốn đi được đường dài tốt nhất đừng đeo thêm tải đá làm gì”.

Chị như bừng tỉnh, thế rồi qua một thời gian chung sống, trình độ cảnh giới của chị phải chăng đã đạt đến ngưỡng thượng thừa, chỉ với câu thần chú “mặc mặc”. Chị coi như không nghe thấy những lời xàm, không nhìn thấy những điều chướng, để khỏi phải nhức đầu và luôn tự tin vào chính mình…

Nghĩ lại chị thấy mình cũng bao đồng thật, nó khiến chị liên tưởng đến câu truyện cười, có một gã ngồi ở sân vận động xem đá bóng thì nghe tiếng gọi: “Long ơi” gã ngẩng mặt lên ngó xung quanh chẳng thấy gì, vừa quay đi, lại có tiếng gọi, “Long ơi” gã bèn đứng lên nhìn khắp lượt rồi bực bội ngồi xuống, lần thứ ba lại có tiếng gọi như vậy. Gã tức giận hét lên: “Khốn kiếp, tao không phải Long, gọi mãi”.

Biết không phải gọi mình thì thôi, sao phải vơ vào rồi bận lòng, cứ nghĩ đến việc mình từng giống gã không phải tên Long mà chị phì cười.

Chị viết thư này để cô hiểu chị đã nghĩ thông suốt, cô cứ thoải mái tỏ thái độ như cũ, yên tâm, chị vẫn luôn có thể im lặng hoặc mỉm cười lạc quan, cô không phải kinh ngạc nhé. Cuối thư, chị chúc cô sẽ sớm nhận được cái mà cô từng cho đi.

Tác giả: Bình Yên

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok