Chuyện mò kim đáy bể
Kể cả ở những năm tháng cuối cùng của nghiệp quần đùi áo số, Công Vinh vẫn bị nhiều người chê trách. Luôn có 2 luồng ý kiến, ủng hộ và chê bai hướng về phía anh. Kẻ đố kỵ cho thành công của tiền đạo này là thức thời, gặp nhiều may mắn. Kẻ ủng hộ xem Vinh như hình mẫu của sự nỗ lực và rèn luyện không biết mệt mỏi.
Sau 85 trận cho ĐTQG, ghi 51 bàn, Công Vinh quyết định giải nghệ. Phải tới khi ấy, giá trị của anh mới được nhìn nhận rõ ràng. Hơn 7 tháng tuyển thiếu CV9, không một ai đủ sức thế chỗ.
3 trận gần nhất, ĐTVN hòa cả 3. |
HLV Hữu Thắng nhiều lần than trách nỗi khổ này, và cũng có "đốt đuốc săn” người phù hợp. Nhưng thật ra, việc làm ấy chẳng khác nào mò kim đáy bể. Lục tung cả V.League hay giải hạng Nhất, lựa chọn dành cho ông quá ít ỏi.
Có 2 cái tên, về lý thuyết, phù hợp đá trung phong nhất làng bóng đá nội hiện nay là Anh Đức và Mạc Hồng Quân. Đáng tiếc, người đã từ chối lên tuyển từ lâu, mưu cầu sự yên ổn trong màu áo CLB. Người thì chuyên môn sa sút, đời tư phức tạp.
Xét ở bình diện rộng hơn, những cầu thủ được điền tên cho vị trí tiền đạo của ĐT Việt Nam hiện nay cũng chưa có “đất diễn” để thăng tiến. Đội phó Văn Quyết chơi sau Samson, Gozalo ở Hà Nội FC; Công Phượng là vệ tinh cho Văn Thanh khi khoác áo HAGL. Những Thanh Bình, Tuấn Tài có số trận ra sân tại V.League đếm trên đầu ngón tay.
Hà Đức Chinh từng được tính đến như một lựa chọn cần thiết và lâu dài. Song, trông chờ vào một chân sút chưa đầy 20 xem ra kệch cỡm. Đó là chưa kể viễn cảnh trước mắt của Chinh chẳng lấy gì làm sáng sủa. Khi Gaston Merlo tái xuất, SHB Đà Nẵng sẽ lại dùng “Tây” săn bàn. Đức Chinh tất nhiên trở về với băng ghế dự bị.
VFF xử lý thế nào?
Giữa lúc đội tuyển Việt Nam thiếu “ngòi nổ”, giải pháp dùng cầu thủ nhập tịch đã được tính đến. Nhưng VFF chối bỏ. Họ muốn xây dựng một tập thể mang tính bản sắc, đại diện cho cả dân tộc hơn là ăn xổi, chứa đựng tính chất thành công tức thì. Thành thử, vấn đề lại lâm vào bế tắc.
Quanh quẩn kiểu này, chưa biết đến bao giờ chúng ta mới có một tiền đạo nội đúng nghĩa. Đã đến lúc VFF cần sòng phẳng, cần xắn tay xây dựng một chế tài riêng biệt với các CLB xoay quanh chuyện dùng mũi nhọn “cây nhà lá vườn”.
Làm như thế, các CLB sẽ phải hy sinh nhiều, từ lối chơi đến thành tích, nhưng là sự hy sinh chung, không riêng một ai và vẫn đảm bảo sự công bằng.
VFF là đầu tàu trong việc giải quyết vấn đề. Chỉ lo, họ chẳng đưa ra giải pháp nào hay ho, cứ mặc nhiên đá “quả bóng” trách nhiệm về phía các đội bóng.
Tác giả: Trần Anh
Nguồn tin: Báo Người đưa tin