Theo số liệu tính đến 30/6/2018, toàn tỉnh Thanh Hóa có 2.024.194 lượt người đi khám, chữa bệnh (KCB); chi phí KCB BHYT đề nghị thanh toán là 1.733 triệu đồng (tăng 2,7%) so với cùng kỳ năm 2017, chiếm tỷ lệ 54% so với dự toán được Chính phủ giao trong năm.
Chi KCB 6 tháng đầu năm 2018 cho 563 trạm y tế trong tỉnh với số tiền hơn 19 tỷ đồng. Cũng trong 6 tháng đầu năm 2018, số tiền vượt chi quỹ BHYT của Thanh Hóa là 749 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với 6 tháng đầu năm 2016, đứng thứ 2 cả nước sau tỉnh Nghệ An về bội chi quỹ BHYT.
Theo đánh giá, nguyên nhân vượt chi quỹ BHYT là do lượt người tham gia KCB tăng so với trước đây. Trong đó, qua giám định, xét duyệt và quyết toán KCB BHYT hàng quý và rà soát số liệu đề nghị thanh toán chi phí KCB tại các cơ sở KCB phát hiện còn một số cơ sở KCB BHYT chưa thực hiện tốt việc quản lý, sử dụng quỹ KCB BHYT dẫn đến chi phí KCB tăng cao.
Cụ thể, về giám định chi phí KCB BHYT quý I năm 2018 đã phát hiện một số sai sót, như: Thủ tục hành chính, số liệu đề nghị thanh toán không khớp với dữ liệu trên hệ thống thông tin giám định ở Bệnh viện Đa khoa huyện Nga Sơn, Bệnh viện Đa khoa huyện Quan Sơn...
Đồng thời, chỉ định xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh rộng rãi, quá mức cần thiết, không phù hợp với chẩn đoán bệnh; đề nghị thanh toán chi phí vật tư y tế trong cơ cấu giá dịch vụ kỹ thuật (DVKT) hoặc áp giá sai với giá thương thảo, giá trúng thầu; áp sai giá DVKT, thống kê tổng hợp sai quy định, chênh lệch giữa đề nghị thanh toán DVKT và báo cáo xuất nhập tồn vật tư - hóa chất...
Bên cạnh đó, qua kiểm tra, rà soát dữ liệu trên hệ thống thông tin giám định BHYT 6 tháng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn phát hiện tình trạng thu dung bệnh nhân vào điều trị nội trú rộng rãi đối với nhiều trường hợp bệnh nhẹ không nhất thiết phải nằm viện như: Viêm họng cấp, viêm đường hô hấp trên, viêm quanh răng, viêm tủy răng, viêm kết mạc...
Nhiều cơ sở KCB chỉ định xét nghiệm cận lâm sàng rộng rãi, quá mức cần thiết, không phù hợp với chẩn đoán bệnh, đặc biệt là các chỉ số sinh hóa, vi sinh...
Tuy nhiên, theo lý giải của các bệnh viện, việc gia tăng bội chi quỹ BHYT không hẳn là do số lượng bệnh nhân tăng hay do chủ quan từ phía các bệnh viện mà thực tế là do DVKT phát triển, chi phí cho các dịch vụ mới cao hơn nhiều so với trước đây, trong khi đó, số kinh phí dự toán giao cho các bệnh viện chỉ bằng 2/3 chi phí chi cho công tác KCB năm liền kề, do vậy dẫn đến mức chi vượt quá mức giao chỉ tiêu.
Tác giả: Duy Tuyên
Nguồn tin: Báo Dân trí