Tuy nhiên, không hiểu BHXH Việt Nam căn cứ vào quy định nào lại phát văn bản đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh “xem xét bù đắp từ ngân sách địa phương” cho nguồn quỹ âm hơn 412 tỷ đồng.
Bội chi 412,7 hay 307 tỷ đồng
Văn bản số 1925/BHXH-CSYT ngày 19/5/2017 của BHXHVN gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, năm 2016 tỉnh Hà Tĩnh bội chi quỹ khám chữa bệnh BHYT dự kiến là 412,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Tuấn Bình, Phó Giám đốc BHXH Hà Tĩnh thông tin tổng số quỹ khám chữa bệnh BHYT bội chi tạm tính năm 2016 là 307 tỷ đồng. Con số trên mặc dù đang là “tạm tính” nhưng cũng đặt ra một dấu hỏi lớn tại sao hai báo cáo vênh nhau đến hơn 105 tỷ đồng?!.
Công văn của BHXH Việt Nam gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh ngày 19/5/2017 |
Về nguyên nhân bội chi quỹ khám chữa bệnh BHYT ông Bình cho rằng, trước hết là do tăng giá dịch vụ y tế từ ngày 1/3/2016; thứ hai là được khám chữa bệnh thông tuyến huyện và cuối cùng do tăng đầu tư, nâng cấp các thiết bị máy móc hiện đại phục vụ khám chữa bệnh.
“Trong các nguyên nhân trên việc thông tuyến huyện là vấn đề bất cập nhất, bởi Hà Tĩnh nằm giáp địa bàn TP Vinh – đây lại là nơi có nhiều cơ sở khám chữa bệnh tư nhân xếp hạng tương đương tuyến huyện, thuận lợi cho hoạt động khám chữa bệnh của bệnh nhân nên tần suất khám chữa bệnh tại Vinh của bệnh nhân Hà Tĩnh năm 2016 tăng lên khá nhiều. Trong khi đó, quỹ chi trả BHYT lại giao cho đơn vị đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại Hà Tĩnh nên tình trạng bội chi là đương nhiên”, ông Bình nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh phân tích, nếu đã thông tuyến huyện thì BHXH Việt Nam nên bỏ việc giao quỹ ban đầu cho các cơ sở khám chữa bệnh này, bởi khi thông tuyến, bệnh viện không thể quản lý được hoạt động khám chữa bệnh của bệnh nhân.
“Bây giờ bệnh nhân muốn khám ở đâu cũng được nhưng trước đây muốn điều trị ở tuyến khác bệnh nhân phải có sự giới thiệu của cơ sở khám chữa bệnh ban đầu, vì thế việc khoán quỹ như hiện nay là không phù hợp”, ông Tuấn nói.
Ngoài ra, việc thanh toán cho bệnh nhân khám chữa bệnh nội tỉnh và đa tuyến đi cũng bất cập. Theo đó, bệnh nhân đa tuyến đi được đơn vị BHYT quyết toán kịp thời, đầy đủ nhưng bệnh nhân nội tỉnh, trường hợp bội chi thì phải chờ đến cả năm sau mới được thanh toán.
Ông Bình, Phó Giám đốc BHXH Hà Tĩnh cho biết quỹ BHYT bội chi năm 2016 là 307 tỷ trong khi BHXH Việt Nam báo cáo là hơn 412 tỷ đồng |
Năm 2016 Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh được giao quỹ khám chữa bệnh ban đầu 14,5 tỷ đồng nhưng chi phí chi trả khám chữa bệnh ban đầu tại Bệnh viện là 38,8 tỷ; chi trả đa tuyến đi 19,9 tỷ đồng; vượt quỹ 44,2 tỷ đồng.
“Số tiền vượt quỹ chúng tôi đề nghị BHYT thanh toán chưa được giải quyết, điều này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của bệnh viện, từ chậm tiền thuốc, vật tư y tế của các Cty; chậm trả lương, thủ thuật, phẫu thuật, tiền trực; thậm chí một số dịch vụ không hoặc chưa cần thiết cũng phải cắt giảm và người trực tiếp chịu thiệt thòi không ai khác là bệnh nhân”, ông Lê Ngọc Thanh, Trưởng phòng Kế hoạch – tổng hợp (BV Đa khoa Hà Tĩnh) cho hay. Ông Thanh cũng lo lắng, sắp tới khi đưa thêm chi phí lương vào giá dịch vụ của các bệnh viện thì việc mất cân đối trong chi trả BHYT sẽ càng gia tăng.
Theo báo cáo của BHXH Hà Tĩnh, năm 2016 có hơn 1 triệu thẻ BHYT được bán ra với số tiền thu 742 tỷ đồng. Tuy nhiên, số chi tại tỉnh lên đến 718 tỷ; ngoại tỉnh 352 tỷ đồng (riêng chi tại TP Vinh là 118 tỷ); tổng số tiền bội chi đề nghị thanh toán là 307 tỷ đồng. Các bệnh viện có số quỹ bội chi lớn là BV đa khoa tỉnh; BV huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Nghi Xuân, TP Hà Tĩnh...
BHXH Việt Nam đang làm sai luật?
Số tiền bội chi trên thay vì trích từ nguồn quỹ dự phòng để bổ sung như quy định, BHXH Việt Nam lại gửi công văn “có một không hai” đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh trích ngân sách bù đắp vào. Đây là một đề nghị chưa có trong tiền lệ. “Trong trường hợp số chi khám, chữa bệnh BHYT vượt quá quỹ khám, chữa bệnh BHYT của tỉnh, BHXH tỉnh thẩm định, xác định nguyên nhân khách quan vượt quỹ và báo cáo UBND tỉnh xem xét bù đắp từ ngân sách địa phương hoặc các nguồn khác”, công văn nêu.
Tình trạng bội chi BHYT ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các cơ sở khám chũa bệnh |
Tại mục 4, điều 35 Luật BHYT sửa đổi năm 2014 quy định: “Trường hợp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số thu BHYT dành cho khám bệnh, chữa bệnh nhỏ hơn số chi khám bệnh, chữa bệnh trong năm, sau khi thẩm định quyết toán, BHXH Việt Nam có trách nhiệm bổ sung toàn bộ phần kinh phí chênh lệch này từ nguồn quỹ dự phòng”. Như vậy, BHXH Việt Nam đang đề xuất trái quy định của Luật.
Ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh nhấn mạnh: “Lần đầu tiên tôi thấy có công văn như thế này và cũng hơi ngạc nhiên. Một văn bản hoàn toàn trái luật, đấy đâu phải trách nhiệm của UBND tỉnh, Luật BHYT đã quy định phần quỹ âm do quỹ dự phòng BHXH Việt Nam chi trả, tỉnh nào có thừa ngân sách muốn bù cũng không có cơ sở pháp lý để làm”. Phó Giám đốc BHXH Hà Tĩnh Nguyễn Tuấn Bình cũng thừa nhận: “Việc đề nghị tỉnh bù đắp âm quỹ từ ngân sách không có trong quy định và văn bản của BHXH Việt Nam ý là đề nghị tỉnh...hỗ trợ!”.
Chánh văn phòng UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Minh Đạo cho hay, đề xuất của BHXH Việt Nam về việc ngân sách tỉnh bù chi vượt quỹ là chưa hợp lý. Sắp tới Phó Chủ tịch UBND tỉnh sẽ họp Ban chỉ đạo BHYT toàn dân để thống nhất phương án xử lý vấn đề này.
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, số tiền bội chi quỹ khám chữa bệnh BHYT năm 2016 của cả nước là trên 6.000 tỷ đồng. Trong đó, các tỉnh có số tiền bội chi lớn là Cà Mau, Đà Nẵng, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Nam, Thái Bình, Hà Tĩnh... |
Tác giả: Thanh Nga
Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam