Cẩn thận “bổ xuôi, hại ngược” vì lẩu... trứng vịt lộn
Thời gian gần đây, trứng vịt lộn được biến tấu thành nhiều món ăn hấp dẫn, trong đó có món lẩu trứng vịt lộn.
Mỗi nồi lẩu thường được cho vào hàng chục quả trứng vịt lộn, vừa để ngon ngọt nước dùng, vừa bổ dưỡng cho sức khỏe. Tuy nhiên, theo báo Gia đình & Xã hội, nếu lâu lâu ăn một bữa lẩu vịt lộn thì không sao, còn ăn thường xuyên và ăn nhiều quá một lúc sẽ không bổ xuôi như mọi người nghĩ, mà còn hại ngược.
Theo các bác sĩ, ăn nhiều trứng vịt lộn sẽ không tốt, lạm dụng món ăn bổ dưỡng này và ăn không đúng cách sẽ gây tác hại ngược cho cơ thể. Cụ thể là sẽ gây thừa vitamin A và chúng sẽ tích lũy dưới da, gan, gây vàng da, bong tróc da, ảnh hưởng xấu đến xương.
Trứng vịt lộn giàu đạm, nhiều cholesterol trong đó có cả cholesterol xấu nên sẽ gây ảnh hưởng không tốt cho người tì vị hư, yếu, còn có nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm, dẫn tới các bệnh tim mạch, huyết áp, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ, bệnh gút...
Nếu đã mắc bệnh rồi, ăn vào bệnh thêm nặng, thậm chí tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ do tắc nghẽn động mạch… Nhiều người bị xơ gan, trướng bụng do ăn nhiều trứng vịt lộn.
Ngoài ra, trứng vịt có tính lạnh, mát, người tỳ vị hư ăn vào dễ đầy trệ, không tiêu, gây báng bụng. Đặc biệt, người bị ung nhọt độc ăn vào dễ bị đùn thịt thừa, gây nguy hiểm cho tính mạng.
Thông thường, khi ăn trứng vịt lộn, mọi người sẽ ăn kèm thêm rau răm. Loại rau này có tác dụng làm ấm bụng, tiêu thực, trừ hàn, sát trùng, chống đầy bụng khó tiêu, rất phù hợp khi ăn trứng vịt lộn.
Tuy nhiên, nếu ăn nhiều rau răm sẽ làm giảm khả năng tình dục của nam giới, bởi trong rau răm có một số loại tinh dầu có khả năng ức chế dục tính.
Những người không nên ăn trứng vịt lộn
Người mắc bệnh tim mạch
Theo Trí thức trẻ, hàm lượng chất đạm và cholesterol trong trứng vịt lộn rất cao (600mg/quả), vì vậy, ăn nhiều trứng vịt lộn sẽ làm tăng cholesterol xấu trong máu, gây hại cho tim mạch, tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, tắc nghẽn động mạch gây đột quỵ.
Người mắc bệnh mỡ máu
Những người mắc bệnh mỡ máu, gan nhiễm mỡ sẽ bị bệnh nặng hơn khi ăn trứng vịt lộn. Vì lượng đạm lớn trong trứng vịt lộn sẽ kích thích sự tích tụ của mỡ trong máu và gan, khiến bệnh nặng thêm.
Người bệnh cao huyết áp
Huyết áp sẽ gia tăng khi cơ thể bạn nạp vào một lượng đạm và cholesterol lớn. Trong khi đó, trứng vịt lộn lại có đầy đủ những chất này với hàm lượng lớn.
Lời khuyên tốt nhất là những người mắc bệnh huyết áp cao nên tránh xa trứng vịt lộn.
Nếu đây là món ăn yêu thích thì bạn có thể ăn với số lượng 1 tuần/ quả để tránh tình trạng đột quỵ do huyết áp tăng, bởi hàm lượng cholesterol xấu trong máu tăng cao.
Người mắc bệnh về gan, tỳ vị
Tỳ vị và gan có nhiệm vụ sàng lọc chất độc hại trong cơ thể. Tuy nhiên, khi gan, tỳ vị bị tổn thương, lượng đạm từ trứng vịt lộn sẽ khiến chúng phải hoạt động hết công suất, gây tổn hại lớn hơn.
Bên cạnh đó, trứng vịt lộn có tính hàn sẽ khiến người bệnh gan và các bệnh tỳ vị dễ đầy hơi, khó tiêu, thậm chí là bị đau bụng.
Phụ nữ đang trong chu kỳ kinh nguyệt
Theo Gia đình & Xã hội, phụ nữ trong kỳ kinh nguyệt ăn trứng vịt lộn không nên ăn nhiều rau răm, vì dễ dẫn tới rong huyết.
Phụ nữ mang thai
Bà bầu ăn trứng vịt lộn cần rửa sạch và nấu chín kỹ, đúng cách mới hiệu quả. Những đối tượng này cũng không nên ăn trứng vịt lộn liên tục, vì có thể tăng lượng cholesterol xấu trong máu, dễ dẫn tới các bệnh tim mạch, huyết áp cao, đái tháo đường.
Khi ăn trứng vịt lộn, phụ nữ đang mang thai không nên ăn nhiều rau răm vì sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, thậm chí có thể gây sảy thai trong mấy tháng đầu với người cơ địa yếu.
Giai đoạn cuối thai kỳ cũng hạn chế ăn trứng vịt lộn, vì lượng đạm cao, ăn nhiều sẽ gây khó tiêu, sinh nhiều cholesterol, và nạp nhiều năng lượng quá cũng không tốt.
Tác giả bài viết: Hùng Lâm (Tổng hợp)