Mới đây, vụ du khách Nhật Bản bị người lái xích lô “chặt chém” 2,9 triệu đồng cho cuốc xe khoảng 5 phút tại TP. Hồ Chí Minh gây bức xúc lớn trong cộng đồng. Điều đáng nói, đây không phải lần đầu tiên, du khách quốc tế phàn nàn khi bị chèo kéo, phải trả số tiền đắt hơn gấp nhiều so với giá trị thực khi đi du lịch tại các điểm đến ở Việt Nam.
Trong năm 2018, riêng TP. Hồ Chí Minh, Sở du lịch đã phối hợp xử lý hơn 8.000 trường hợp taxi, xích lô, hàng rong ăn xin chèo kéo, đeo bám làm phiền du khách, chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, con số này lên tới 2.652 trường hợp.
Du khách quốc tế thích thú trải nghiệm khám phá Tết truyền thống tại Việt Nam
Chia sẻ với PV Dân trí, bà Trần Thị Bảo Thu – Giám đốc Tiếp thị Truyền thông Công ty CP Lữ hành Fiditour cho biết, hiện tượng chặt chém du khách ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh du lịch Việt Nam.
Một trong những “đối sách” của Lữ hành Fiditour không chỉ dành cho du khách nước ngoài mà cả với du khách Việt đi du lịch trong và ngoài nước, là thường chia sẻ các cẩm nang hướng dẫn, cảnh báo một số vấn đề về an toàn để du khách tăng cường ý thức bảo vệ bản thân và tài sản khi đi du lịch. Bên cạnh đó, nếu khách mua tour thì luôn có HDV đồng hành, hỗ trợ hạn chế tối đa các rủi ro có thể xảy ra.
Du khách người Nhật ngoài cùng bên trái đã có trải nghiệm không tốt khi bị tài xế xích lô "chém" 2,9 triệu đồng cho cuốc xe chỉ khoảng 5 phút tại TP Hồ Chí Minh
Dưới đây là một vài gợi ý giúp du khách tránh bị rơi vào “bẫy” của những hàng quán, cơ sở kinh doanh không văn minh khi đi du lịch.
Hỏi giá trước khi mua
Thông thường tại các nhà hàng, cơ sở kinh doanh ăn uống, đồ lưu niệm… thường có niêm yết sẵn bảng giá. Tuy nhiên, một vài nơi để giá bán khá mập mờ hoặc không ghi rõ giá. Trong trường hợp này, bạn đừng ngại hỏi giá trước khi mua hàng hoặc dùng bữa ăn, tránh tình trạng chủ hàng nâng giá sau khi tính tiền.
Việc hỏi giá trước đặc biệt quan trọng khi bạn sử dụng các dịch vụ mang tính tự phát như: xe ôm, taxi, xích lô… mà không có bảng tính tiền tự động, được niêm yết giá công khai.
Đừng ngại trả giá nếu thấy đắt
Tại nhiều địa điểm du lịch, người bán hàng thường có thói quen “hét” giá rất cao các sản phẩm nhằm thu lời đặc biệt là trong thời gian cao điểm. Nếu thấy giá bán không hợp lý, đừng ngại ngần, bạn hãy mạnh dạn đề xuất, trả giá hợp lý “thuận mua, vừa bán”.
Chọn những cửa hàng kinh doanh uy tín
Trước khi đặt chân đến bất cứ điểm đến nào hãy dành thời gian tìm hiểu và chọn ra các cửa hàng, khách sạn, dịch vụ uy tín được nhiều người chia sẻ, sử dụng. Bạn nên tránh các điểm kinh doanh đã bị phản ánh phục vụ kém, có hiện tượng chặt chém khách hàng…
Ngoài ra, khi vào bất cứ nhà nào hãy quan sát xem cơ sở kinh doanh đó có niêm yết bảng giá cụ thể hay không, có các chứng nhận về an toàn vệ sinh thực phẩm hay xuất xứ hàng hóa không.
Liên hệ đường dây nóng
Nếu gặp các tình huống cần giúp đỡ như: bạn quên hỏi giá trước khi ăn và thấy hóa đơn cao bất thường, bị chèn ép mua hàng kém chất lượng, lừa đảo, trấn lột tiền khi sử dụng dịch vụ… thì hãy tìm cách liên hệ càng sớm, càng tốt với các đường dây nóng để phản ánh.
Đường dây nóng ở đây có thể là của chính quyền địa phương, công an, quản lý thị trường hoặc các tổ chức bảo vệ quyền lợi khách du lịch. Số điện thoại của các điểm đến thường được đăng tải công khai tại các điểm du lịch hay trên các website địa phương.
Có thể đăng ký mua tour du lịch
Tại các điểm đến hay đất nước mà du khách còn lạ lẫm, chưa hiểu về ngôn ngữ, văn hóa của người dân bản địa thì có thể đăng ký mua tour để tránh các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình đi du lịch.
Cụ thể du khách có thể đăng ký mua tour trọn gói theo lịch trình đã được định sẵn, hoặc mua các city tour để có trải nghiệm khám phá tốt nhất. Lưu ý là bạn nên chọn mua tour của các đơn vị lữ hành uy tín, được nhiều người sử dụng.
Tác giả: Hà Trang
Nguồn tin: Báo Dân trí