Nhiệm vụ chính trị - không thể quên
Thưa ông, là đại biểu luôn quan tâm đến vấn đề trách nhiệm của các cơ quan bộ, ngành trong vấn đề xây dựng và thực hiện chính sách pháp luật ngay từ đầu nhiệm kỳ khóa XIV, ông đánh giá thế nào khi bộ GD&ĐT chậm trễ thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội trong việc không ra mắt được một bộ sách giáo khoa tiếng dân tộc khi năm học đã cận kề?
Trách nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành cũng như trách nhiệm của bộ, ngành hoặc địa phương đối với một vấn đề được giao là rõ ràng và được quy định trong luật pháp của Nhà nước.
Tôi là một trong những người ngay từ kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV, đã đề cập đến vấn đề phải đề cao và ghi nhận trách nhiệm của các cơ quan bộ, ngành liên quan đến vấn đề xây dựng chính sách pháp luật. Tuy nhiên cũng cần nói thẳng, trách nhiệm của việc xây dựng chính sách là vấn đề khó xác định. Ngay cả trong luật về Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện nay, điều này cũng còn mơ hồ.
Cụ thể ở đây là vấn đề liên quan đến bộ sách giáo khoa dành cho con em dân tộc. Tôi cho rằng, đây là bộ sách rất cần thiết. Bộ sách này không chỉ giúp cho con em người dân tộc có học liệu mà quan trọng và sâu xa là chúng ta gìn giữ văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Lâu nay, điều chúng ta luôn quan tâm và lo ngại, đó là mai một tiếng nói và chữ viết của các dân tộc. Gìn giữ tiếng nói, chữ viết cũng chính là gìn giữ bản sắc dân tộc, là một nhiệm vụ chính trị rất quan trọng. Quốc hội đã có Nghị quyết 88, và trước đó cũng có các nghị quyết liên quan đến việc gìn giữ văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.
Tuy nhiên, tôi được biết, làm một bộ sách cho con em người dân tộc không hề đơn giản, hay nói cách khác là cực kỳ khó. Chúng ta có hơn 50 dân tộc. Có những dân tộc số lượng người đông, nhưng cũng có những dân tộc có số lượng người rất ít.
Muốn làm bộ sách giáo khoa tiếng dân tộc cần những nhà khoa học hiểu rất rõ, rất sâu về lĩnh vực này. Họ không chỉ hiểu rõ tiếng dân tộc, phong tục tập quán của người dân tộc mà còn phải biết rõ cần lấy cái gì để đưa vào sách giáo khoa dạy cho con em người dân tộc một cách phù hợp, thực sự mang lại lợi ích.
Tôi được biết, đây là điều khó khăn trong quá trình biên soạn sách giáo khoa tiếng dân tộc.
Việc chậm trễ biên soạn sách giáo khoa tiếng dân tộc có thể khiến học sinh chịu thiệt thòi (Ảnh: VOV). |
Bộ trưởng im lặng không phải lựa chọn tốt
Tất nhiên là mọi khó khăn đều có thể chia sẻ, nhưng không phải cứ khó là quên, là lùi bước, là bao biện. Như thế là thiếu tính kỷ luật trong thực thi nhiệm vụ, thưa ông?
Đương nhiên đúng là như vậy. Tôi nghĩ rằng đồng chí Bộ trưởng và lãnh đạo bộ GD&ĐT, đặc biệt là đồng chí nào được giao phụ trách lĩnh vực này thì phải suy nghĩ để lập kế hoạch, lập chương trình, đề án, làm sao cho công việc được thực hiện một cách nhanh chóng, kịp tiến độ.
Bởi làm sao biết được, có thể có những chuyên gia, nhà khoa học hôm nay mạnh khỏe, ngày mai yếu đi… Do đó, phải nhanh chóng đi tìm những nhân cốt để có điều kiện hoàn thành bộ sách, thực hiện đúng Nghị quyết được giao.
Đúng là một vấn đề thuộc trách nhiệm lĩnh vực mình quản lý thì Bộ trưởng không thể thoái thác trách nhiệm người đứng đầu, kể cả là trách nhiệm của ban Cán sự Đảng bộ GD&ĐT. Vì đây là một chính sách lớn chứ không phải sự việc.
Tôi rất chia sẻ khó khăn của bộ GD&ĐT nhưng cũng đề nghị Bộ trưởng và tập thể lãnh đạo Bộ nghiêm túc xem xét trách nhiệm trong vấn đề này, đồng thời có báo cáo đề xuất. Nếu thực sự khó khăn vướng mắc cũng cần đề xuất cơ quan có thẩm quyền tìm giải pháp tháo gỡ và thậm chí có thể đề xuất biện pháp, phối hợp các cơ quan tổ chức và các địa phương để khẩn trương đưa bộ sách giáo khoa ra đời.
Như ông đã nói là có trách nhiệm của người đứng đầu. Nhưng Bộ trưởng bộ GD&ĐT vẫn đang im lặng trước vấn đề này, như vậy có nên không?
Đã là Nghị quyết Quốc hội giao thì trách nhiệm không chỉ Bộ trưởng. Tôi không bênh vực Bộ nhưng từ thiếu sót về việc chậm trễ biên soạn bộ sách giáo khoa tiếng dân tộc, cho dù là chủ quan hay khách quan nhưng trước hết phía Bộ không được bao biện, không được bỏ qua việc báo cáo lên cơ quan có thẩm quyền.
Tôi nghĩ Bộ trưởng bộ GD&ĐT phải nhận trách nhiệm và hứa có lộ trình đến khi nào thực hiện, vướng ở chỗ nào, cần gỡ khó ra sao, không thể quên rồi lặng im. Im lặng với một vấn đề đang được dư luận quan tâm thì không phải là lựa chọn tốt nhất lúc này.
Bộ trưởng cần lên tiếng để dư luận không còn thắc mắc. Để có được sự thông cảm thì cần công bố rõ thiếu sót, nguyên nhân, giải pháp, có thể bằng báo cáo hoặc thậm chí là Bộ trưởng nên tổ chức họp báo về vấn đề này.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
ĐBQH Đinh Thị Phương Lan - Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc: Tránh xáo trộn với học sinh dân tộc Thực tế, bộ GD&ĐT đã chậm trễ trong việc biên soạn sách giáo khoa tiếng dân tộc, học sinh dân tộc sẽ bị thiệt thòi, cho nên không thể mong muốn những kết quả tốt hơn được. Tôi chỉ mong rằng, bộ GD&ĐT sẽ có những chỉ đạo và tổ chức thực hiện cho phù hợp, tránh làm xáo trộn quá lớn với các em học sinh vùng đồng bào dân tộc. Tôi được biết, lãnh đạo Quốc hội cũng đã có những cuộc làm việc trực tiếp liên quan đến vấn đề này và bộ GD&ĐT đã có báo cáo trực tiếp. Còn hiện tại, Bộ chưa có báo cáo chi tiết với Hội đồng Dân tộc. Tôi tin rằng tất cả các ĐBQH chứ không riêng gì tôi đều có ý kiến chung là mong muốn bộ GD&ĐT tích cực chỉ đạo để có các bước cụ thể, điều kiện cần thiết có thể giảng dạy chương trình giáo dục theo sách giáo khoa mới. Quốc hội giám sát tối cao và kiến nghị các vấn đề sau giám sát nên đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành nghiêm túc thực hiện Nghị quyết đã được giao. |
Tác giả: D.T
Nguồn tin: nguoiduatin.vn