Giáo dục

Bộ Giáo dục vinh danh 127 giáo viên và học sinh

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, các giáo viên, học sinh được vinh danh là nhân tố quan trọng thúc đẩy đổi mới toàn diện nền giáo dục.

Sáng 18/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Lễ tuyên dương gương người tốt, việc tốt đổi mới sáng tạo trong dạy và học năm học 2016-2017 tại Nhà hát Lớn (Hà Nội). 127 giáo viên và học sinh tiêu biểu của 63 tỉnh thành được lãnh đạo ngành giáo dục tặng bằng khen.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ bày tỏ xúc động khi xem lại hình ảnh những cô giáo mầm non ở Phú Yên xả thân cứu học trò trong lũ dữ; thầy giáo ở tỉnh Gia Lai Ninh Văn Dậu 10 năm miệt mài đến từng gia đình vận động học sinh trở lại lớp học...

"Tôi ghi nhận những tấm gương giáo viên, học sinh không ngừng nỗ lực học hỏi, sáng tạo trong dạy và học, mạnh dạn áp dụng những phương pháp mới vào giảng dạy, đẩy mạnh các hoạt động giáo dục mang tính thực tiễn, tạo môi trường học tập mở, để học sinh có được bài học bổ ích, lý thú... Đây chính là những nhân tố quan trọng thúc đẩy đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục", ông Nhạ nói.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ tặng bằng khen cho các giáo viên. Ảnh: Xuân Trung.

Thành tích giáo dục Việt Nam đạt được năm qua, theo Bộ trưởng Nhạ, có một phần không nhỏ sự nỗ lực cống hiến, đổi mới sáng tạo của thầy trò. Việt Nam đang đổi mới căn bản, toàn diện từ một nền giáo dục thụ động, nặng về truyền thụ kiến thức sang sáng tạo, phát huy năng lực, phẩm chất của người học.

Trước mắt, sự đổi mới sẽ bắt đầu từ chương trình giáo dục phổ thông. Những cải tiến, sáng tạo từ hôm nay sẽ là bước chuẩn bị tốt để triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục mới. "Đổi mới giáo dục sẽ chỉ thành công khi mỗi cá nhân trở thành hạt nhân đổi mới, mỗi chúng ta ý thức được trách nhiệm của mình trong công cuộc này", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Tại buổi lễ, một số giáo viên được vinh danh đã chia sẻ những sáng kiến trong quản lý, giảng dạy hiệu quả. Trưởng phòng Giáo dục huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) Nông Thị Loan thành công với mô hình trường bán trú và quy hoạch mạng lưới trường lớp tiểu học tại một trong 60 huyện nghèo nhất Việt Nam này.

"Lớp học ở đây chủ yếu là ghép, sĩ số 5-9 học sinh, gây lãng phí trong sử dụng biên chế. Các học sinh nhà xa, không thể đi về trong ngày nên số nghỉ học rất đông... Chúng tôi đã rà soát điểm trường lẻ, họp phụ huynh để lấy ý kiến việc tổ chức lớp bán trú và dạy học 2 buổi/ngày. Sau 5 năm thực hiện, Bảo Lạc đã chuyển 100% trường khó khăn thành trường phổ thông dân tộc nội trú, dư 140 biên chế giáo viên tiểu học để bố trí cho cấp mầm non, THCS", bà Loan nói.

Cô Nguyễn Thị Thúy Nga, trường THPT chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương), chia sẻ câu chuyện dạy Địa lý bằng tiếng Anh. Ý tưởng lần đầu tiên được thực hiện ở Hải Dương này khiến nhiều học sinh thích thú vì vừa nắm được kiến thức môn học chính, vừa làm phong phú sự hiểu biết, vốn ngoại ngữ của mình.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok