Giáo dục

Bộ Giáo dục không có trách nhiệm lo đủ sinh viên cho các trường

Bộ GD&ĐT không có trách nhiệm lo đủ sinh viên cho tất cả các trường. Đó là nhiệm vụ của Hiệu trưởng và Ban giám hiệu của các trường. Thị trường chỉ có vậy, các trường phải lo làm tốt hơn đối thủ cạnh tranh thì mới có sinh viên. Nếu trường nào yếu quá thì tốt nhất nên đóng cửa để đảm bảo sự lành mạnh của thị trường.

Đó là ý kiến của Tiến sĩ Đàm Quang Minh, Tổ chức giáo dục Hoa Kỳ khi trao đổi với PV Dân trí về việc nhiều trường đại học thiếu trầm trọng sinh viên mùa tuyển sinh này.

Nhận định về con số 110.000 thí sinh trúng tuyển đại học (đợt 1) nhưng không nhập học, TS. Đàm Quang Minh cho biết, những năm gần đây, thí sinh có xu thế đa dạng hoá lựa chọn hơn là chỉ vào các trường đại học tại Việt Nam. Riêng số du học sinh sang Mỹ năm 2016 tăng tới gần 20% lên 28.000 sinh viên và hơn 27.000 du học sinh sang Úc.

Do đó hàng năm con số du học nước ngoài lên tới hàng chục ngàn sinh viên. Các chương trình liên kết quốc tế tại các trường đại học cũng tuyển hàng trăm sinh viên mỗi năm cho một trường. Bên cạnh đó rất nhiều sinh viên theo các chương trình xuất khẩu lao động, các trường cao đẳng có uy tín về việc làm và cả đi làm ngay.

Do vậy con số hơn 100.000 thí sinh không nhập học dù đã trúng tuyển nguyện vọng 1 là con số có thể hiểu được, không có gì đáng ngạc nhiên.

Tiến sĩ Đàm Quang Minh

Nhiều ý kiến cho rằng, thí sinh không học đại học vì ra trường thất nghiệp nhiều và chuyển hướng sang học nghề nhưng được biết, trường nghề hiện nay cũng đang điêu đứng vì không có thí sinh vào học. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Nỗi lo về việc làm là nỗi lo thường trực và chính đáng của người học. Thực tế cho thấy các trường tốt thì kể cả là trung cấp vẫn tuyển sinh khá tốt như trường trung cấp du lịch Saigontourist hay Trung cấp Bách Khoa Sài Gòn vẫn có hàng nghìn sinh viên theo học do đầu ra được đảm bảo. Trường Cao đẳng Việt Mỹ hay Cao đẳng FPT vẫn có nhiều sinh viên có điểm trên 20 vào nhập học. Mức học phí của trường này thậm chí còn cao hơn các trường đại học.

Từ đó cho thấy sinh viên vẫn có những lựa chọn riêng phù hợp với nhu cầu của mình. Và điều đó tốt cho sự phát triển chung của xã hội.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT hoàn toàn có lý khi cho rằng việc tuyển sinh của trường phụ thuộc vào thương hiệu của mỗi trường. Thương hiệu này có được do kết quả đào tạo và các dịch vụ dành cho người học tích luỹ trong nhiều năm.

Các trường phải cạnh tranh mới có sinh viên

Vài năm trở lại đây, mùa tuyển sinh nào cũng vướng vào vòng "luẩn quẩn", Bộ GD&ĐT ra sức đưa ra nhiều biện pháp để giúp các trường tuyển sinh tốt nhất và khi xét tuyển thì các trường đều kêu than thiếu thí sinh vào học. Ông có giải pháp nào để giải thoát vòng "lẩn quẩn" này?

Giáo dục sau phổ thông thực chất được điều phối bởi các quy luật chung của thị trường. Khi mà giáo dục đại học trong nước không đáp ứng được nhu cầu thì nhiều gia đình có điều kiện sẽ cho con em mình đi du học. Các ngành có sự hấp dẫn kém sẽ khó khăn trong việc tuyển sinh, đó là điều phối thông thường theo quy luật cung cầu.

Đối với các trường thì phải chủ động cạnh tranh lẫn nhau để nâng cao chất lượng và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao hơn của người học. Thực tế cho thấy những trường đầu tư có chiều sâu vào chất lượng thì đều có lượng tuyển sinh ổn định và thu hút được nhiều sinh viên giỏi.

Bộ GD&ĐT theo tôi không có trách nhiệm lo đủ sinh viên cho tất cả các trường. Đó là nhiệm vụ của Hiệu trưởng và Ban giám hiệu của các trường. Thị trường chỉ có vậy, các trường phải lo làm tốt hơn đối thủ cạnh tranh thì mới có sinh viên. Nếu trường nào yếu quá thì tốt nhất nên đóng cửa để đảm bảo sự lành mạnh của thị trường.

Nhiệm vụ của Bộ GD&ĐT là kiểm soát chất lượng và minh bạch thông tin cho sinh viên và xã hội chứ không phải lo cho các trường tuyển đủ chỉ tiêu. Dựa trên thông tin minh bạch, các thí sinh sẽ quyết định tương lai của mình và chịu trách nhiệm lớn nhất với các quyết định đó.

Nếu coi GDĐH là mang tính thị trường thì Bộ GD&ĐT cần tạo điều kiện để các trường được cạnh tranh để phát triển. Các trường tốt được khuyến khích phát triển và các trường kém cần phải được loại bỏ khỏi thị trường.

Liệu coi giáo dục đại học mang tính thị trường thì có gì không đúng với môi trường giáo dục Việt Nam hiện nay, thưa ông?

Giáo dục và Y tế là các lĩnh vực đã được nhiều quốc gia coi là có tính thị trường. Một bên cung là các trường học, giáo viên và bên cầu là sinh viên và phụ huynh. Có thể coi doanh nghiệp và xã hội cũng là các bên liên quan.

Tại nhiều quốc gia để học các ngành y, luật hay quản trị kinh doanh, sinh viên luôn phải trả mức phí cao hơn cho dù chi phí học tập thấp hơn các ngành kỹ thuật. Đó là do nhu cầu học các ngành này cao hơn và sinh viên thường có thu nhập tốt hơn khi ra trường.

Đó chính là tính thị trường. Tuy nhiên đúng là GDĐH là thị trường đặc biệt, nhà nước cần hỗ trợ các ngành thiết yếu nhưng kém hấp dẫn để khắc phục những điểm yếu của thị trường giáo dục. Nếu không có sự hỗ trợ, các trường sẽ không đầu tư vào các ngành tốn kém, ít sinh viên nhưng vẫn rất quan trọng cho xã hội như các ngành khoa học cơ bản.

Xin trân trọng cám ơn ông!

Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ GD&ĐT nên để cho các trường đại học tự tổ chức tuyển sinh, ông nghĩ sao?

TS. Đàm Quang Minh: Tuyển sinh chung cũng có nhiều lợi thế và tiết kiệm cho xã hội. Tuy nhiên nên kết hợp cả chung và riêng. Tại Mỹ vẫn có kỳ thi SAT là kỳ thi khá giống với kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua nhằm để sàng lọc thí sinh. Bên cạnh điểm giới hạn của SAT, các trường vẫn tiếp tục xét hồ sơ và phỏng vấn để tiếp nhận sinh viên.

Trong bối cảnh hiện nay, tôi nghĩ Việt Nam có thể lựa chọn con đường như vậy cho việc tuyển sinh.

Tác giả: Hồng Hạnh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok