Quang cảnh buổi làm việc tại Mường Lát. |
Tham gia đoàn công tác có ông Bùi Văn Linh -Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT), ông Vũ Thế Thịnh - Phó trưởng phòng Văn phòng các ban chỉ đạo (Bộ Công an), đại diện các đơn vị chức năng của Bộ GD&ĐT, đại diện một số cơ quan báo chí..
Tại huyện Mường Lát, đoàn công tác đã đi khảo sát và làm việc tại Trường Tiểu Học và THCS Thị trấn Mường Lát, Trường THPT Mường Lát; làm việc với UBND huyện Mường Lát về công tác bảo đảm an ninh trật tự, phòng, chống bạo lực học đường và vi phạm đạo đức nhà giáo trên địa bàn.
Báo cáo với đoàn công tác, ông Lò Văn Tuấn - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Lát cho biết: Xác định tầm quan trọng của công tác bảo đảm an ninh trật tự, phòng, chống bạo lực học đường, ngay từ đầu năm học, Phòng đã chỉ đạo các đơn vị nhà trường thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của ngành.
Thông qua các cuộc họp giao ban, họp tổ chuyên môn, họp hội đồng toàn trường tổ chức phổ biến và tuyên truyền trong giáo viên các văn bản để giáo viên kịp thời nắm bắt và có kế hoạch giáo dục học sinh đúng mực. Việc giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh được lồng ghép qua các buổi chào cờ đầu tuần, lồng ghép trong các môn học như môn Giáo dục công dân, tuyên truyền qua hoạt động ngoài giờ lên lớp, ngoại khoá.
Các nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động các cuộc thi tìm hiểu luật ATGT, tổ chức hoạt động ngoại khóa nhằm giáo dục ý thức, trách nhiệm về bảo đảm an ninh trật tự và giúp các em tránh xa với các tệ nạn xã hội.
Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, các tổ chức đoàn thể trong việc triển khai thực hiện chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, phòng chống các tệ nạn xã hội, phòng chống bạo lực học đường, có biện pháp phát hiện và ngăn chặn kịp thời những tác hại tiêu cực trong việc sử dụng Internet, game mạng có nội dung xấu và không lành mạnh trong học sinh.
Kịp thời kiến nghị với công an thị trấn và chính quyền địa phương có biện pháp kiểm tra, giám sát, xử lý những biểu hiện phức tạp về an ninh trật tự, gây tác động xấu đến học sinh; đặc biệt là những trường hợp học sinh đánh nhau, chia bè phái.
Gắn công tác phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội với công tác giáo dục dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh thông qua giảng dạy các môn học từ giáo dục công dân, hướng nghiệp dạy nghề đến việc tích hợp vào các môn học khác, cũng là một trong các giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học hằng năm của nhà trường.
Ông Nguyễn Văn Bình - Chủ tịch UBND huyện Mường Lát chia sẻ: Mường Lát là huyện nghèo, đặc biệt khó khăn của tỉnh Thanh Hóa với dân số phần lớn là đồng bào dân tộc, phần lớn sống bằng nghề nông, vẫn còn có 28 thôn bản chưa có điện.
Trong những năm qua, Mường Lát đặc biệt quan tâm đầu tư cho giáo dục. Hiện nay, toàn huyện có 33 trường học, 571 nhóm lớp. Chất lượng giáo dục những năm gần đây ngày càng được nâng cao. Tình hình an ninh trật tự, vi phạm đạo đức nhà giáo không xảy ra. Phần lớn các thầy cô ở miền xuôi, cuộc sống khó khăn nhưng rất tâm huyết với nghề.
Tuy nhiên, trên địa bàn huyện vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp. Để ngăn chặn vi phạm cần có quy chế phối hợp giữa các trường với công an, đoàn thanh niên. Lãnh đạo huyện lưu ý hiệu trưởng các nhà trường quan tâm, thực hiện nghiêm túc văn bản của Sở, của Bộ. Đặc biệt quan tâm đến việc ngăn chặn bạo lực học đường, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng sống cho học sinh.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Bùi Văn Linh biểu dương những thành tích mà ngành GD-ĐT Mường Lát đã đạt được trong thời gian vừa qua. Là địa bàn trọng yếu của tỉnh Thanh Hoá cũng như cả nước, việc nâng cao chất lượng giáo dục và đảm bảo an ninh, an toàn trường học cần được quan tâm đặc biệt.
Đại diện Bộ Công an phát biểu tại buổi làm việc. |
Đại diện Bộ GD&ĐT đề nghị cập nhật kịp thời các chế độ, chính sách, ứng xử văn hoá, công tác xã hội, quy chế, điều lệ các cấp học. Việc làm này cần quan tâm thực hiện bởi nếu không cập nhật kịp thời sẽ không áp dụng được chính sách và làm đúng, việc quản lý giáo dục sẽ không đạt được yêu cầu cao..
Cần đẩy mạnh công tác giáo dục phổ biến pháp luật cho người học. Nội dung này liên quan nhiều cơ quan, nên cần có cơ chế phối hợp, thực hiện giúp học sinh có hiểu biết không bị lôi kéo làm việc xấu.
Cần thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức giáo dục lý tưởng cách mạng cho học sinh thông qua các môn học, hoạt động ngoại khoá để phòng tránh vi phạm pháp luật. Tăng cường giáo dục các kỹ năng sống về phòng cháy chữa cháy, tai nạn đuối nước cho các em. Tăng cường bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ quản lý, giáo viên; rà soát điều kiện cơ sở vật chất, tường rào, có thể gây nguy hiểm.
Qua kiểm tra thực tế, đoàn công tác nhận thấy nhiều trường không có nhân viên bảo vệ, nhiều trường xây dựng gần sông suối, không có tường rào... tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến nguy hiểm với học sinh. Do đó, đại diện Bộ GD&ĐT đề nghị các nhà trường cần quan tâm việc bảo đảm cơ sở vật chất, đảm bảo an toàn cho học sinh.
Nguồn tin: Báo Giáo dục & Thời đại