Rà soát cả 5 bộ sách
Lý giải về việc trong quá trình dạy học vừa qua, giáo viên không có ý kiến gì về sách Cánh Diều, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho hay một phần do theo Nghị quyết số 88, các nhà trường và giáo viên được quyền chọn sách để dùng cho trường mình.
Theo ông Độ, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư 01 năm 2020 với quy trình chọn sách rất cụ thể. Ngay từ tháng 1, sau khi sách được thẩm định, tất cả giáo viên được đọc 5 cuốn sách Tiếng Việt. Khi đó, các tổ chuyên môn đã thỏa thuận rất kỹ càng rồi đề xuất lên trường để chọn sách. Nhà trường thành lập hội đồng thẩm định và quyết định sách được chọn.
“Như vậy, giáo viên được chọn sách dùng cho trường mình chứ không phải do tỉnh, thành chọn sách để cho giáo viên dùng”, ông Độ nói.
Học sinh lớp 1 học sách giáo khoa Tiếng Việt bộ Cánh diều. Ảnh: Thanh Hùng |
Theo ông Độ, giáo viên khi dạy cũng biết rằng sách giáo khoa là tài liệu quan trọng nhưng những ngữ liệu nào thấy không thật phù hợp thì có thể thay đổi.
“Việc xây dựng kế hoạch bài dạy hoàn toàn cho giáo viên chủ động. Do đó, những từ khó, không phù hợp thì bản thân giáo viên có thể tự điều chỉnh được trong quá trình dạy nên cũng không thấy ý kiến gì lớn trong việc này, kể cả ngữ liệu của các bài tập đọc. Những vấn đề mà xã hội đưa ra, chương trình lại chưa dạy đến vì đây là những bài ở cuối học kỳ 1 và đầu học kỳ 2”.
Về phía giáo viên, theo ông Độ, thực tế họ vẫn đang giảng dạy và chưa thấy có vấn đề gì. “Hoặc những vấn đề đó họ đã dạy nhưng bằng cách thay đổi một số nội dung để phù hợp với học sinh hơn. Hơn nữa, sách Cánh Diều cũng được tập huấn, hướng dẫn sử dụng rất kỹ”, ông Độ nói.
Ông Độ cũng cho biết đã yêu cầu các tác giả, nhà xuất bản của bộ Cánh Diều rà soát lại tất cả các sách để xem còn vấn đề gì nữa không. “Nếu như sách bị lỗi lớn mà xã hội phản ánh thì chúng ta cần thay đổi. Còn những lỗi nhỏ thì trong quá trình giảng dạy sẽ có sự điều chỉnh”, ông Độ cho hay.
4 bộ sách còn lại cũng được yêu cầu rà soát kỹ.
Phát triển nghề nghiệp giáo viên đảm bảo đáp ứng yêu cầu đổi mới
Về việc triển khai tập huấn giáo viên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho hay có 9 modul để bồi dưỡng thường xuyên nhằm giúp cho giáo viên nâng cao và phát triển nghề nghiệp, nhưng modul 1 là quan trọng nhất khi hướng dẫn cho giáo viên tìm hiểu về Chương trình phổ thông mới, dạy học theo Chương trình phổ thông mới.
Theo ông Độ, modul 1 là bắt buộc và khi học được phần này, giáo viên được cấp chứng chỉ đủ điều kiện có thể dạy Chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong năm 2020, Bộ tập trung vào bồi dưỡng 2 modul là Phương pháp giảng dạy và Đổi mới cách đánh giá.
|
"Đúng là nếu được làm sớm hơn thì tốt hơn, nhưng về bản chất, đây là việc phát triển nghề nghiệp giáo viên để đáp ứng yêu cầu của đổi mới giáo dục. Nếu làm được trong khoảng giai đoạn tháng 8/2020 thì tốt nhất, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chúng tôi không thể tổ chức tập huấn.
Vì vậy, tháng 11 và 12 này, chúng tôi sẽ tổ chức tập huấn 2 modul Phương pháp giảng dạy và Đổi mới cách đánh giá. Như vậy, vẫn kịp thời để có thể hỗ trợ được cho các giáo viên tiểu học, bởi năm nay mới chỉ triển khai Chương trình và SGK mới với lớp 1. Theo lộ trình, năm sau sẽ triển khai với lớp 2 và 6, năm sau nữa với lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Như vậy, tới khi đó, chúng tôi sẽ cố gắng phát triển nghề nghiệp giáo viên đảm bảo đáp ứng được yêu cầu đổi mới dạy học”.
Phát miễn phí tài liệu chỉnh sửa
Về hướng sửa sách Cánh Diều, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết Bộ sẽ in thêm một tài liệu chỉnh sửa. “Những gì cần sửa sẽ được in bổ sung thêm và phát miễn phí cho tất cả các học sinh, giáo viên. Tác giả cũng thống nhất với cách làm như vậy. Hiện tại, nhà xuất bản đang phải thực hiện việc đó”, ông Độ nói.
Về mức độ nặng nhẹ của Chương trình mới và chuẩn đầu vào lớp 1, ông Độ cho hay: “Cả nước đã thực hiện phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi. Cụ thể, hiện nay 99,5% trẻ mầm non 5 tuổi đã được ra lớp. Bậc mầm non có chương trình mầm non 5 tuổi và có chuẩn đầu ra, đây là điều kiện đầu vào rất tốt cho lớp 1 (về nếp học, nếp chơi, làm quen với chữ cái, toán và khoa học, hoạt động tự học...).
Tuy nhiên năm nay, các cháu không được học hết lớp mầm non 5 tuổi nên khi vào lớp 1 có những khó khăn. Hơn nữa, trước đây sau tựu trường chúng ta còn có thời gian cho trẻ làm quen, ổn định tổ chức nhưng năm nay thì không.
Bộ GD-ĐT cũng tính theo nhiều ý kiến muốn ngày tựu trường với khai giảng trùng nhau, nhưng đối với trẻ mầm non lên tiểu học rất cần 2 tuần “0”, tức là 2 tuần trước khai giảng để ổn định nề nếp. Năm nay, các bé vào lớp 1 mà không có tuần “0” nên ban đầu bỡ ngỡ trong quá trình học. Các thầy cô đã rất cố gắng khắc phục những khó khăn này trong thời gian vừa qua”, ông Độ nói.
Tác giả: Thanh Hùng
Nguồn tin: Báo VietNamNet