Là một ông bố đơn thân, anh Nguyễn Mạnh H. (36 tuổi) đã nếm trải đủ mọi vất vả, cơ cực của người đàn ông phải nuôi con một mình. Nhưng cũng chính trong hoàn cảnh này, anh đã nhận ra vai trò thực sự của vợ trong gia đình.
Mặc dù điều đó không giúp anh hàn gắn lại nối quan hệ hôn nhân với người vợ cũ, song nó phần nào giúp anh hiểu được vai trò, vị trí riêng của mỗi thành viên trong gia đình, không ai có thể thay thế.
Con 7 tháng tuổi, vợ bỗng đòi ly hôn
Có sự nghiệp khá ổn nhưng khi trải lòng với PV, anh H. cho rằng mình là một người đàn ông thất bại. Theo anh H., một người đàn ông thành công là người có một gia đình hạnh phúc. Con cái được sống trong tình yêu thương của cha mẹ.
Anh H. (Sinh năm 1982) vốn là giáo viên dạy toán của một trường cấp 3 tại Hà Nội. Khi vợ anh còn là sinh viên năm cuối của một trường đại học thì họ quyết định kết hôn.
Ảnh có tính chất minh họa. Nguồn ảnh: Internet
Sau khi lập gia đình và có con, sự khác biệt về lối sống, suy nghĩ giữa hai người bắt đầu bộc lộ. Vợ anh quyết định đi làm và bỗng nhiên đòi ly hôn.
“Tôi là giáo viên tại một trường cấp 3 nên thu nhập cũng không cao. Tuy nhiên trong cuộc sống vợ chồng, tôi luôn chu toàn. Đi làm hết giờ là tôi về nhà, chia sẻ việc nhà với vợ, lương tôi cũng nộp hết cho vợ.
Tôi chưa từng la mắng hay nặng lời với vợ. Nhưng vợ tôi thì hoàn toàn khác, cô ấy trẻ, nhiệt huyết, lại thích bay nhảy nên khi con chưa đầy 7 tháng tuổi, vợ tôi quyết định đi kiếm việc làm”, anh H. kể.
Anh H. cho biết: “Cũng bởi đi làm mà vợ tôi dần thay đổi. Môi trường mới, công việc năng động khiến vợ tôi hay đi sớm về muộn. Dần dà, hai vợ chồng tôi liên tục cãi vã nhau. Một ngày, cô ấy tuyên bố, cô ấy đã suy nghĩ rất kỹ và muốn ly hôn. Trong quá trình chúng tôi mâu thuẫn, vợ tôi đã tìm được người chia sẻ và cô ấy sẽ đến với người đó.
Tôi đau khổ. Nhưng với tự trọng của một người đàn ông, tôi không thể níu kéo một người phụ nữ đã muốn sống với một người đàn ông khác. Tôi hiểu rằng cố giữ cũng không được.
Cuối cùng, cô ấy đi, để lại cho tôi đứa con trai 7 tháng tuổi. Thực ra, do chính tôi đề nghị được nuôi con vì tôi cũng chưa có ý định với người phụ nữ nào, còn cô ấy sẽ sống với một người đàn ông khác.
Tôi tin cuộc sống mới của cô ấy sẽ gặp khó khăn, cản trở nếu có đứa con bên cạnh. Hơn nữa, điều quan trọng là tôi sợ con mình sẽ phải chịu thiệt thòi, đau khổ”.
14 tuổi mồ côi cha mẹ
Anh H. tiếp tục chia sẻ: “Ly hôn xong tôi và vợ sống trong nhà gần một tháng nữa rồi thoả thuận nuôi con. Hàng ngày hai vợ chồng vẫn cùng chăm sóc con, cùng ăn cơm, không ai trách móc, giận hờn ai. Khi cô ấy ra đi, con trai tôi mới tròn 8 tháng tuổi.
Ngày đầu tiên của một người bố đơn thân với tôi quả thực khó khăn. Con khát sữa mẹ khóc tới khan cả tiếng. Thương con cả đêm tôi thức trắng".
Ly hôn, con nhỏ anh lại không biết bấu víu vào đâu khi bản thân anh mồ côi cả cha lẫn mẹ khi mới tròn 14 tuổi.
“Trong một vụ tai nạn thương tâm, bố mẹ tôi chẳng may qua đời. Bà Nội mang tôi về nuôi nấng. Đến khi tôi đi làm được vài năm thì bà cũng bỏ tôi mà đi”, anh nói.
Anh tâm sự thêm: “Làm bố đơn thân không có thời gian mà buồn. Những mệt mỏi trong công việc là không tránh khỏi. Tuy nhiên, về nhà, giải quyết những việc nho nhỏ, chăm con, dạy con những điều cơ bản trong cuộc sống khiến tôi có thêm động lực để sống và cố gắng. Sau đó, tôi bắt đầu gửi con tại trường mầm non để yên tâm làm việc. Hiện giờ con tôi vẫn học tại đây. Nay cháu đã gần 2 tuổi”.
Theo anh H., mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau. Khi chấp nhận nuôi con một mình, người đàn ông phải chịu bao nhiêu vất vả, khó khăn nhưng vẫn phải đối mặt. "Mọi thứ quá muộn để nói những điều 'giá như'... Tuy vậy, tôi cũng thấy hạnh phúc với cuộc sống bây giờ...", anh nói.
Tác giả bài viết: H.Thúy