Kinh tế

Bộ Công Thương đề xuất tăng giá điện cho EVN

Trong bối cảnh tăng giá điện 2 lần trong năm 2023 không đủ bù đắp chi phí của EVN, Bộ Công Thương đề xuất tăng tiếp giá điện.

Trong năm 2023, giá điện đã tăng 2 lần liên tiếp. Ảnh: Việt Linh.


Tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá mới đây, Thứ trưởng Công Thương Phan Thị Thắng đã kiến nghị xem xét điều chỉnh giá điện để đảm bảo phản ánh biến động của các thông số đầu vào. Đại diện Bộ Công Thương cho biết sẽ hướng dẫn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) điều hành phương án giá điện theo đúng quy định.

Việc đề xuất tiếp tục điều chỉnh giá điện của Bộ Công Thương xuất phát trong bối cảnh năm 2023, khoản lỗ lũy kế của EVN tiếp tục tăng lên bất chấp giá bán điện đã được điều chỉnh tăng 2 lần, thêm 3% và 4,5%. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc EVN, cũng thừa nhận tình trạng kinh doanh "không đủ bù đắp chi phí sản xuất điện" của tập đoàn.

EVN tính toán tổng chi phí bình quân các khâu phát điện, truyền tải và phân phối vào khoảng 2.092,78 đồng/kWh, nhưng giá bán lẻ điện bình quân đang áp dụng chỉ khoảng 1.950,3 đồng/kWh, dẫn đến việc tập đoàn này lỗ lũy kế năm thứ 2 liên tiếp.

Theo báo cáo trình Bộ Công Thương hồi đầu tháng 12/2023, EVN cho biết năm 2023, tập đoàn ghi nhận khoản lỗ ước tính 17.000 tỷ đồng, trong đó riêng công ty mẹ lỗ tới 24.595 tỷ đồng. Năm 2022 trước đó, tập đoàn này cũng đã lỗ 26.235 tỷ đồng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh điện và các hoạt động liên quan.

Tập đoàn này đề xuất điều chỉnh giá điện trong thời gian tới là để đảm bảo nguồn điện cho mục tiêu GDP tăng 6-6,5% năm 2024 và những năm tiếp theo.

Theo Quyết định số 24/2017 của Thủ tướng quy định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân hiện cho phép 6 tháng điều chỉnh giá điện/lần nếu các yếu tố đầu vào sản xuất kinh doanh điện tăng. Trong đó, mức điều chỉnh tăng mỗi lần là dưới 5%.

EVN đã ghi nhận lỗ ròng 2 năm liên tiếp. Ảnh: EVN.


Chia sẻ với Tri Thức - Znews, tiến sĩ Ngô Đức Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện năng lượng, cho rằng lấy việc tăng giá điện để xử lý các khoản nợ của EVN là không thỏa đáng. Sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp “khó khăn hơn rất nhiều” và “vượt xa dự tính của ngành điện”.

Về mặt kỹ thuật, theo TS Lâm, trong các đề xuất điều chỉnh giá điện của EVN trước đây, mới chỉ chú ý đến "các yếu tố làm tăng chi phí, chưa quan tâm đến các yếu tố giảm chi phí”, như mùa nước, tăng công suất của các nhà máy thủy điện, hay việc giảm tổn thất và hạ giá thành của hệ thống.

"Các biểu giá điện được xây dựng chủ yếu dựa trên chi phí thống kê hạch toán, chưa đủ độ tin cậy, chưa áp dụng phương pháp chi phí biên dài hạn, chưa xây dựng biểu giá hai thành phần công suất và điện năng", ông nói.

Năm 2024, TS Lâm cho rằng giá điện cần sự ổn định để giảm thiểu tác động bất lợi đến ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội, bởi giá điện khác với các sản phẩm khác, như xăng dầu, chịu ảnh hưởng tức thời của giá thế giới, không đòi hỏi tần suất điều chỉnh ngắn.

Trước đó, trong báo cáo triển vọng năm 2024, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo giá bán lẻ điện có khả năng tiếp tục tăng trong năm nay.

Hiện nay, cơ cấu nguồn điện tại khu vực phía Bắc chủ yếu là nhiệt điện than (58%) và thủy điện (41%). Do đó khi vào các tháng cao điểm mùa khô trong năm 2024, VCBS đánh giá miền Bắc khả năng cao sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu điện.

Bộ phận phân tích cho rằng công suất nguồn trong năm 2024 sẽ không có sự tăng trưởng cao so với các năm gần đây, do các dự án nhiệt điện than lớn đang được triển khai hiện nay đều trong tình trạng chậm tiến độ.

Tác giả: Thanh Thương

Nguồn tin: znews.vn

  Từ khóa: evn , giá điện , Bộ công thương

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok