ĐB Nguyễn Lân Hiếu: "Giao quyền cho hiệu trưởng, giám đốc bệnh viện nếu không có sự tuyển chọn có thể thành “giao trứng cho ác”". Ảnh:VPQH |
Tại phiên thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2017, những vấn đề "nóng" thu hút dư luận thí điểm bỏ biên chế được nhiều ĐBQH quan tâm.
Giao quyền cho hiệu trưởng không tuyển chọn kỹ có thể trở thành "giao trứng cho ác"
ĐB Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang) phát biểu: “Việc biên chế các cơ sở y tế, giáo dục công thành các đơn vị hoạt đông độc lập như mô hình công ty, trao quyền cho lãnh đạo đơn vị tạo ra mô hình rất mới ở Việt Nam.
Nếu bỏ biên chế công chức trong giáo dục và y tế thì cần xem xét hết sức cụ thể chính sách cho từng vùng miền theo các đặc thù về vị trí, tránh gây sụp đổ mạng lưới nhiều năm mới xây dựng được. Ngoài ra khi giao quyền cho hiệu trưởng, giám đốc bệnh viện nếu không có sự tuyển chọn và đào tạo kỹ càng hoàn toàn có thể trở thành “giao trứng cho ác”.
ĐB Hiếu phân tích: “Việc trao quyền chỉ có thể thực hiện theo một cơ chế rõ ràng, mạch lạc, quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị. Song song với đó phải có các hoạt động để nâng cao năng lực lãnh đạo, quản trị theo cơ chế mới, áp dụng công nghệ mới trong quản lý y tế, giáo dục.
Ngoài ra, tôi nghĩ nếu bỏ biên chế y tế và giáo dục thì nên bỏ biên chế toàn bộ hệ thống, trừ lĩnh vực an ninh, quốc phòng, đưa tất cả các cán bộ, viên chức thành hợp đồng và chế độ an sinh xã hội rõ ràng như hầu hết các nước trên thế giới. Vì nếu lập luận bỏ biên chế sẽ làm cho lĩnh vực y tế, giáo dục tốt hơn thì tại sao giữ biên chế cho các ngành quản lý hành chính?
Câu chuyện bỏ biên chế trong ngành giáo dục, chuyển sang hợp đồng không quan trọng bằng đổi mới giáo dục như thế nào cho hợp lý".
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Nghiên cứu kỹ, có lộ trình và bước đi cụ thể |
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Nghiên cứu kỹ, có lộ trình, bước đi cụ thể
Trước các ý kiến của ĐBQH về vấn đề thí điểm bỏ biên chế giáo viên, trong phiên thảo luận sáng nay, Bộ trưởng bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có phát biểu, giải trình làm rõ về vấn đề này.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu: "Muốn nâng cao chất lượng giáo dục phải có nguồn lực và động lực. Trong đó, động lực đối với giáo viên và quản lý nhà giáo hết sức quan trọng. Thực tế, với chế độ công chức, viên chức hiện nay bộc lộ nhiều bất cập. Bất cập rất rõ là trong tuyển dụng, đặc biệt là phổ thông, hiện chưa phù hợp với nhu cầu về môn học, đặc biệt chuyên môn, dẫn đến hiện tượng thừa thiếu cục bộ rất nhiều.
Thứ hai, về động lực, phần nhiều giáo viên có tâm lý là vào biên chế nên ổn định, rất khó khăn trong nâng cao kiến thức, đặc biệt là phẩm chất năng lực để đáp ứng nhu cầu đổi mới, dạy theo chương trình mới, dẫn đến chất lượng giáo dục chưa nâng cao.
Trên cơ sở đó, Bộ đặt vấn đề nghiên cứu đề xuất thí điểm chuyển dần từ công chức, viên chức sang hợp đồng lao động. Trước hết là thí điểm từ khu vực đại học và một số trường phổ thông có điều kiện, sau đó từng bước rút kinh nghiệm nhân rộng.
Chúng tôi cho rằng đối với khu vực giáo viên và quản lý nhà giáo phải được đặc biệt đổi mới vì đây là yếu tố quyết định nâng cao chất lượng giáo dục và phải có lộ trình từng bước thực hiện.
Bộ GD-ĐT đang nghiên cứu đề xuất làm từng bước, nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên qua đó thực hiện đổi mới Nghị quyết 29 đưa ra.
Đây là nhiệm vụ rất khó khăn nhưng không thể không làm. Điều quan trọng là nghiên cứu thật kỹ, có lộ trình, bước đi cụ thể, phù hợp với điều kiện tại các cơ sở và ổn định tâm lý của giáo viên".
Tác giả: Đỗ Thơm - Dương Thu
Nguồn tin: Báo Người đưa tin