|
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III năm 2024, Công ty CP Bia Hà Nội - Thanh Hóa (Bia Thanh Hóa) tiếp tục ghi nhận lợi nhuận thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh âm 12,4 tỷ đồng, lũy kế từ đầu năm âm 44,3 tỷ đồng.
Kết quả này không có gì thay đổi nhiều so với các kết quả ở những kỳ trước. Cụ thể, quý III/2023, Bia Thanh Hóa cũng ghi nhận lợi nhuận thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh âm hơn 10 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đầu năm 2023 âm 34,2 tỷ đồng.
Đây cũng là quý thứ 3 liên tiếp Bia Thanh Hóa ghi nhận lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh âm. Cụ thể, quý I âm 18,9 tỷ đồng, quý II âm 13 tỷ đồng và quý III âm 12,4 tỷ đồng như nêu trên.
Hoạt động thương mại ngày càng đóng vai trò quan trọng trong bức tranh tài chính của Bia Thanh Hóa. (Ảnh: Bia Thanh Hóa). |
Tuy vậy, trong kỳ này Bia Thanh Hóa vẫn ghi nhận lợi nhuận sau thuế 5,2 tỷ đồng, với lý do trong kỳ đơn vị được bù đắp khoản lợi nhuận khác lên tới 18,6 tỷ đồng. Như nhiều kỳ trước, khoản lợi nhuận khác này tới từ khoản hỗ trợ bán hàng của Tổng công ty Bia rượu và nước giải khát Hà Nội (Habeco - là công ty mẹ của Bia Thanh Hóa) cho hoạt động phân phối sản phẩm của Bia Thanh Hóa. Kỳ này, khoản thu nhập khác này lên tới hơn 20 tỷ đồng.
Kết quả trên cũng cho thấy sự chuyển dịch lớn trong chiến lược kinh doanh của Bia Thanh Hóa, khi việc trực tiếp sản xuất kinh doanh liên tục thua lỗ đã chuyển dần sang mảng phân phối sản phẩm và nhận hỗ trợ từ công ty mẹ Habeco.
Về tài sản, đáng chú ý trong kỳ Bia Thanh Hóa ghi nhận khoản đầu tư tài chính ngắn hạn hơn 77,1 tỷ đồng. Theo thuyết minh BCTC, đây là khoản tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn dưới 1 năm của Bia Thanh Hóa. Ngoài ra, tại ngày 30/9, đơn vị này ghi nhận hơn 25,6 tỷ đồng là khoản tiền và tương đương tiền, giảm 45 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Bia Thanh Hóa là thành viên của "gia đình" Habeco. |
Cũng tại thời điểm ngày 30/9, Bia Thanh Hóa ghi nhận tổng tài sản ngắn hạn đạt hơn 241,3 tỷ đồng, tài sản dài hạn hơn 58,7 tỷ đồng.
Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả của Bia Thanh Hóa ghi nhận hơn 150 tỷ đồng, giảm 18 tỷ đồng so với đầu năm. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu không có nhiều biến động với 149,1 tỷ đồng.
Hiện tại cổ đông lớn nhất của Bia Thanh Hóa vẫn là Công ty CP Bia rượu và NGK Hà Nội với khoảng 55% vốn. Hàng năm, Bia Thanh Hóa phát sinh giao dịch hàng nghìn tỷ đồng với Habeco, chủ yếu từ hoạt động mua hàng hóa với công ty mẹ Habeco.
Bia Thanh Hóa hiện có 1 công ty con là Công ty TNHH Thương mại Habeco miền Trung với tỉ lệ sở hữu 100% cổ phần. Theo Nghị quyết đại hội cổ đông năm 2024, Bia Thanh Hóa đặt mục tiêu đạt lợi nhuận sau thuế hơn 3,5 tỷ đồng.
Tác giả: Việt Phương
Nguồn tin: nguoiduatin.vn