Trong tỉnh

Bí ẩn đôi rồng đá mất đầu ở Thanh Hóa

Được phát hiện vào năm 1938, nhưng đến nay câu chuyện bí ẩn về đôi rồng đá mất đầu ở Thành Nhà Hồ vẫn chưa có lời đáp.

Thành Nhà Hồ (còn gọi là thành Tây Đô) ở huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa), là một trong những công trình kiến trúc bằng đá độc đáo bậc nhất của Việt Nam. Đây là công trình được Hồ Quý Ly cho xây dựng vào năm 1397, nó từng được coi là kinh đô, trung tâm văn hóa chính trị xã hội của nước Đại Ngu dưới triều Hồ. Trải qua hơn 600 năm tồn tại với bao biến cố của lịch sử, hầu hết hoàng thành đã bị phá hủy, nhưng thành quách vẫn gần như còn nguyên vẹn.

Đôi Rồng đá mất đầu nằm ở giữa trung tâm Thành Nhà Hồ

Vào năm 1938, khi người Pháp làm một con đường nội địa cho thuận tiện việc đi lại trong thành thì phát hiện đôi rồng này. Đến nay, nếu đi từ cổng phía Nam sang cổng phía Bắc của tòa thành, mọi người rất dễ dàng nhận ra ở ngay trung tâm thành có đôi rồng đá được đặt song song nhưng đã bị mất đầu nằm chính giữa. Đôi rồng có chiều dài 3,8m, được làm bằng chất liệu đá, khắc rất tỷ mỉ, thân rồng thon nhỏ, uốn bảy khúc, vây và lưng đều, nhỏ, trông rất đẹp. Rồng có 4 chân, mỗi chân có 3 móng với các vân mây mềm mại. Phần đầu của đôi rồng đá này đã bị mất, giờ chỉ còn bờm uốn lượn chín nếp. Dưới phần bụng được trạm trỗ những ô tam giác nhỏ có để hình hoa cúc và móc hoa ghép nhau tạo thành bậc. Đây được xem là đôi rồng đá lớn nhất trong các triều đại phong kiến Việt Nam được phát hiện.

Theo các cụ cao niên địa phương, ngày xưa có rất nhiều câu chuyện khác nhau được truyền miệng về đôi rồng đá mất đầu này như: Câu chuyện dân gian, xưa kia ở làng Xuân Giai, xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc (nằm cạnh ngay cổng thành phía Nam) thường hay xảy ra các vụ cháy nhà mà không rõ nguyên nhân. Người dân cho rằng sở dĩ dân làng thường xuyên xảy ra hỏa hoạn như vậy là do đôi rồng đá trong Thành quay đầu về làng “phun lửa” nên họ đã chặt đầu đôi rồng đi để dân làng được bình yên.

Hay có những câu chuyện khác đồn tai nhau, trong mắt rồng ở cung cấm thường được vua chúa cho yểm rất nhiều vàng ngọc châu báu. Một đêm nọ, lợi dụng lúc trời đổ mưa như trút nước, trong thành hoang vắng không bóng người qua lại, hàng chục đạo tặc bí mật chặt đầu đôi rồng mang đi xa đập nát để tìm ngọc quý.

Cũng có những ý kiến cho rằng, sở dĩ hai đầu rồng bị chặt là do xưa kia nhà Minh sang sâm lược đã chặt đầu rồng – biểu tượng của nhà Hồ đã đi vào giai thời diệt vong, chấm dứt vương triều Hồ. Hoặc, thời đó nhiều người bất đồng với chính sách hà khắc của nhà Hồ nên tức và chặt đầu rồng. Hay vào thời thực dân Pháp đô hộ, người Pháp bắt nhân dân trong vùng hàng tháng, hàng năm phải trải chiếu hoa từ cổng thành đến đôi rồng đá. Quá bức xúc về việc này nên dân làng đã chặt đầu rồng…

Đôi rồng được chạm khắc tinh xảo bằng đá xanh nguyên khối, thân thon nhỏ dần về phía đuôi

Theo Trung tâm Bảo tồn di sản thành nhà Hồ thì tất cả những câu chuyện đó cũng chỉ là truyền tai nhau mà chưa có một văn bản hay sử sách nào ghi chép, một cơ sở khoa học nào giải thích, chứng minh vì sao đôi rồng mất đầu, ai đã chặt đầu rồng này.

Đánh giá về đôi rồng đá ở thành Nhà Hồ, nhiều nhà sử học ở Thanh Hoá bày tỏ, đây là đôi tượng rồng đá lớn nhất trong các triều đại phong kiến Việt Nam được phát hiện, có nghệ thuật chạm khắc tinh xảo với đặc điểm khỏe khoắn, đầy đặn và độc đáo như rồng được chạm khắc trên thềm bậc ở Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), chính điện Lam Kinh (Thanh Hóa).

Ngoài đôi rồng đá bị mất đầu, trong quá trình khai quật cũng như sưu tầm, Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ cũng đã phát hiện một số con vật khác bị mất đầu như con nghê đá và việc những con vật này mất đầu cũng chưa có bất cứ sử sách nào lý giải.

Tác giả: Thành Phan

Nguồn tin: congly.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok