|
Tuy nhiên, khi lên tập trung đội U-23 quốc gia dự vòng loại U-23 châu Á thì thủ môn Bùi Tiến Dũng chơi đủ ba trận với phong độ rất tốt và giữ sạch mành lưới suốt 270 phút. Cả ba trận trên, Bùi Tiến Dũng phản xạ rất tốt, đặc biệt là hai trận thắng Indonesia 1-0 và Thái Lan 4-0.
Điều này khiến không ít người nghi ngờ về “chấn thương” của Bùi Tiến Dũng bởi giữa CLB và đội U-23 Việt Nam lại là hai hình ảnh hoàn toàn khác nhau.
Nên nhớ khi lên đội tuyển hay U-23 thì bất kỳ cầu thủ nào cũng được khám tổng quát rất kỹ. Và tất nhiên một khi thủ môn Bùi Tiến Dũng được tuyển chọn vào thành phần U-23 Việt Nam, được bắt chính ra sân đủ 270 phút thì không thể nói là chấn thương mà vẫn cố ra sân được. Hơn ai hết HLV Park Hang-seo là HLV chuyên nghiệp nên càng không thể nói rằng biết Tiến Dũng chấn thương mà vẫn đẩy ra sân.
Vậy thì trước thời điểm Bùi Tiến Dũng lên tập trung U-23 để thi đấu vòng loại U-23 châu Á (từ ngày 22 đến 26-3) cũng là lúc CLB Hà Nội đã đá bảy trận ở V-League và các cúp châu Á. Đó là hai trận play off Champions League với Bangkok Utd và Shandong Luneng, hai trận vòng bảng AFC Cup làm khách trước Tampines Rovers và tiếp Naga World.
Tất cả trận trên thủ môn Bùi Tiến Dũng đều không có một phút ra sân vì “chấn thương”. Thế mà sau đó tập trung U-23 lại hoàn toàn khác (!?).
Sau thành công ở vòng loại U-23 châu Á lại là một Bùi Tiến Dũng ngồi ghế dự bị với lý do chấn thương và tính đến nay đã qua 16 trận của Hà Nội Dũng không được ra sân phút nào (một trận Siêu cúp, tám trận V-League, hai trận play off Champions League, năm trận AFC Cup).
Đến nay thì vẫn chưa ai lý giải được (kể cả bộ phận y tế) về “bệnh lạ” của thủ môn Bùi Tiến Dũng khi ở CLB thì mang phận chấn thương, còn lên đội U-23 thì là thủ môn số một góp phần không nhỏ vào chiến tích của U-23 Việt Nam.
Tác giả: TẤN PHƯỚC
Nguồn tin: Báo Pháp luật TP.HCM