Các đại biểu biểu quyết thông qua các Nghị quyết tại Kỳ họp. |
Tại ngày làm việc cuối cùng, sau khi xem xét, đánh giá và thảo luận về nội dung một số báo cáo, tờ trình, dự thảo, các đại biểu HĐND tỉnh đã nhất trí thông qua 25 Nghị quyết về các nội dung: Phát triển kinh tế - xã hội; kế hoạch đầu tư phát triển và phân bổ nguồn vốn; cơ chế, chính sách; chủ trương đầu tư các dự án; nhóm nghị quyết thường niên…
Để sớm đưa Nghị quyết vào thực tiễn, HĐND tỉnh đã yêu cầu UBND tỉnh, các Sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai thực hiện Nghị quyết một cách nghiêm túc từ tuyên truyền, xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn nhân lực, xác định thời gian hoàn thành… Về phía HĐND, sẽ tăng cường giám sát, kịp thời phát hiện những khó khăn, bất cập, chậm trễ để kiến nghị, yêu cầu các cấp có thẩm quyền có giải pháp xử lý, khắc phục.
Cũng tại Kỳ họp này, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết về thực hiện kết luận giám sát chuyên đề “việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2021”. Đáng chú ý, nội dung chất vấn 2 Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Giáo dục và Đào tạo đã thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri trong tỉnh.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Sỹ Nghiêm trả lời chất vấn. |
Trả lời chất vấn về việc chậm trễ trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vẫn còn tình trạng gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực trong lĩnh vực này, ông Lê Sỹ Nghiêm - Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường cho biết: Trong thời gian qua, việc cấp mới, cấp đổi, cấp lại, đăng ký biến động trong tặng, cho, mua bán, chuyển nhượng tăng đột biến, khiến việc giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến những nội dung này có thời điểm trở nên quá tải, không đủ nhân lực, máy móc, thiết bị đáp ứng nhu cầu của công việc.
Về việc dư luận phản ánh, kiến nghị về tình trạng gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực, theo ông Nghiêm: Văn phòng Đăng ký đất đai đã thụ lý, ban hành 46 thông báo kết luận, 28 văn bản chấn chỉnh, 45 văn bản phê bình tập thể, Giám đốc các chi nhánh, trưởng các phòng chuyên môn và viên chức, người lao động liên quan công tác giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức và cá nhân; đã thi hành kỷ luật buộc thôi việc 1 trường hợp, cảnh cáo 2 viên chức, khiển trách 4 viên chức. Đồng thời, yêu cầu nhiều tập thể, cá nhân tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc.
Cũng tại phiên chất vấn, các đại biểu đã trao đổi về hàng nghìn trường hợp ở thành phố Thanh Hóa chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất. Tại thành phố Sầm Sơn, qua tiếp nhận, thẩm định ban đầu, có hồ sơ đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất Sầm Sơn chưa làm hết trách nhiệm. Tại thị xã Nghi Sơn, có cử tri thông tin qua đường dây nóng, mất 20 triệu đồng cho cán bộ thụ lý hồ sơ xin cấp quyền sử dụng đất. Tại Triệu Sơn, có cử tri phản ánh, gia đình sử dụng đất có nguồn gốc từ năm 1954, đã nhiều lần gửi hồ sơ, thủ tục nhưng vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu…
Để giải quyết tình trạng này, UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao chính quyền cơ sở, các huyện, thị, thành phố liên quan khẩn trương kiểm tra, rà soát, nếu hồ sơ đủ điều kiện, đã đủ thủ tục, nghĩa vụ tài chính thì đôn đốc cơ quan chức năng tham mưu, cấp quyền sử dụng đất cho công dân; tăng cường kiểm tra, xử lý cán bộ địa chính nếu có hành vi sách nhiễu, tiêu cực. Cùng với đó, hiện Văn phòng Đăng ký đất đai Thanh Hóa đã chỉ đạo các chi nhánh xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện “ngày thứ 7 tình nguyện giúp dân giải quyết thủ tục hành chính”.
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo trả lời chất vấn. |
Cũng tại phiên chất vấn, giải trình về tình trạng thiếu giáo viên, chất lượng giảng dạy và học môn ngoại ngữ chưa cao, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, so với định mức được giao, toàn tỉnh còn thiếu 277 giáo viên tiếng Anh, 680 giáo viên tin học, 72 giáo viên âm nhạc và 277 giáo viên mỹ thuật. Nguyên nhân do Trung ương biên chế cho tỉnh thấp, có địa phương chưa kịp thời xây dựng kế hoạch, tuyển dụng hết chỉ tiêu biên chế; chương trình giáo dục phổ thông mới có sự thay đổi cơ cấu bộ môn, dẫn đến số lượng giáo viên thiếu, thừa cục bộ.
Để giải quyết tình trạng này, HĐND tỉnh giao UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nội vụ, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo nhanh chóng hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố tuyển dụng kịp thời, hết chỉ tiêu biên chế được giao trước ngày khai giảng năm học 2023-2024. Chỉ đạo, làm rõ trách nhiệm nếu các địa phương không thực hiện tốt việc tuyển dụng, các địa phương tiếp tục sắp xếp lại trường, lớp, điều động giáo viên từ nơi thừa về nơi thiếu, triển khai dạy liên môn, liên cấp, liên trường tại những nơi có điều kiện... Kiên quyết khắc phục tình trạng thiếu giáo viên trong năm học mới 2023-2024.
Tác giả: Đào Nguyên
Nguồn tin: baoxaydung.com.vn