Trong tỉnh

Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh Thanh Hóa: Xem xét, quyết định những vấn đề lớn của tỉnh

Sáng 10/7, HĐND tỉnh Thanh Hóa khai mạc Kỳ họp thứ 14 HĐND khóa XVIII để thảo luận và quyết nghị nhiều nội dung quan trọng tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.

Thảo luận, xem xét, quyết định thông qua 20 tờ trình

Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra trong 2,5 ngày, từ ngày 10/7 đến 12/7 tại Trung tâm hội nghị của tỉnh (25B).

Toàn cảnh buổi khai mạc kỳ họp. Ảnh: Hà Anh

Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh Thanh Hóa sẽ xem xét 20 Tờ trình của UBND tỉnh, trong đó có nhiều nội dung liên quan đến cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; về kế hoạch đầu tư, phân bổ vốn, thu, chi ngân sách địa phương; các báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh; tiến hành các thủ tục miễn nhiệm đại biểu HĐND và miễn nhiệm Ủy viên UBND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026; tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Đây là những nội dung có ý nghĩa rất quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để UBND tỉnh, các ngành và các địa phương tiếp tục triển khai các thủ tục đảm bảo quy định pháp luật.

Giảm thời gian trình bày báo cáo, dành nhiều thời gian cho thảo luận và hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh, thực hiện chức năng cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, HĐND tỉnh sẽ xem xét, quyết định những vấn đề lớn thuộc thẩm quyền.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng phát biểu khai mạc kỳ họp

Theo đó, các nội dung gồm: HĐND tỉnh Thanh Hóa sẽ xem xét các báo cáo của UBND tỉnh về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh; kết quả thực hiện dự toán thu, chi ngân sách; kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023; kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh và một số báo cáo quan trọng khác.

Trong thời gian diễn ra kỳ họp, HĐND tỉnh Thanh Hóa tổ chức đường dây điện thoại trực tuyến để tiếp nhận các kiến nghị, phản ánh của cử tri qua số điện thoại: 02373 68 68 68.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng nêu rõ, để tổ chức kỳ họp lần này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo Đảng đoàn HĐND tỉnh chỉ đạo công tác chuẩn bị nội dung, chương trình kỳ họp theo hướng giảm thời gian trình bày báo cáo, dành nhiều thời gian cho thảo luận và hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn.

Với phương châm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng đề nghị các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu thật kỹ các báo cáo, các tờ trình được xem xét tại kỳ họp, từ thực tiễn sinh động, phong phú của ngành, lĩnh vực và địa phương mình.

Cùng đó, tích cực tham gia thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, chất lượng; chất vấn đúng và trúng các vấn đề mà cử tri quan tâm, góp phần vào thành công của kỳ họp, đáp ứng lòng mong đợi của cử tri và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Các đại biểu tham dự. Ảnh: Hà Anh

Kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh đạt được nhiều kết quả tích cực

Báo cáo tóm tắt nêu rõ, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 7,0%, đứng thứ 18 cả nước và đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 20.577 tỷ đồng, bằng 58% dự toán, giảm 25% so với cùng kỳ.

Trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã thu hút được 33dự án đầu tư trực tiếp (trong đó có 9 dự án FDI), với tổng vốn đầu tư đăng ký của các dự án là 8.949 tỷ đồng và 131,4 triệu USD.

Đến ngày 19/6/2023, Thanh Hóa có 1.287 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, đạt 42,9% kế hoạch, bằng 78,4% so với cùng kỳ, đứng thứ 8 cả nước và đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi trình bày báo cáo tình hình hoạt động 6 tháng đầu năm 2023

Cùng đó, tỉnh Thanh Hóa đã giải quyết việc làm cho 30.500 lao động, tăng 3% so với cùng kỳ, trong đó có 5.612 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tăng 47%; giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho 13.345 lao động.

Hoạt động đối ngoại và xúc tiến đầu tư được tăng cường. Chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội tiếp tục được nâng lên; giáo dục mũi nhọn, thể thao thành tích cao được giữ vững; công tác phòng,chống dịch được kiểm soát chặt chẽ; các chính sách an sinh xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ.

Nhiều khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và sản xuất, kinh doanh nói riêng được tập trung tháo gỡ. Là tỉnh thứ 4 cả nước được phê duyệt quy hoạch tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch.

Có 3/4 chỉ số phản ánh môi trường đầu tư kinh doanh nằm trong tốp 10 cả nước. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế phát triển.

Toàn cảnh kỳ họp. Ảnh: Hà Anh

Bên cạnh đánh giá những kết quả đạt được, báo cáo cũng đã thẳng thắn chỉ rõ 7 khó khăn, hạn chế và chỉ rõ những nguyên nhân của những khó khăn, hạn chế. Báo cáo cũng đã nêu lên mục tiêu và các chỉ tiêu chủ yếu; những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2023.

Chất vất và trả lời chất vấn lĩnh vực đất đai và giáo dục

Cũng tại kỳ họp, chiều ngày 11/7, HĐND tỉnh Thanh Hóa tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn những vấn đề được cử tri và nhân dân quan tâm đối với Sở Tài nguyên và Môi trường về nhiều dự án đã được UBND tỉnh giao đất nhưng qua nhiều năm, đã được gia hạn nhiều lần nhưng nhà đầu tư vẫn không triển khai thực hiện hoặc triển khai thực hiện chậm.

Tình trạng gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực trong thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh. Tiến độ lập, thẩm định, trình phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030, kế hoạch sử dụng đất năm 2023 cấp huyện rất chậm.

HĐND tỉnh Thanh Hóa tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn những vấn đề được cử tri và Nhân dân quan tâm đối với Sở Tài nguyên và Môi trường

Cùng đó, chất vấn và trả lời chất vấn đối với Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo về thực trạng, nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục trạng thiếu giáo viên đang diễn ra tại tất cả các cấp học, đặc biệt là thiếu giáo viên các môn Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật.

Chất lượng dạy và học ngoại ngữ của tỉnh Thanh Hóa còn thấp so với yêu cầu và bình quân chung của cả nước, còn chênh lệch nhiều giữa các vùng miền; đến thời điểm hiện tại mới chỉ tập trung giảng dạy ngoại ngữ ở môn Tiếng Anh, chưa phát triển dạy và học ở một số ngoại ngữ khác…

Thực trạng và giải pháp huy động sức mạnh toàn dân, huy động xã hội hóa để giúp đỡ giáo viên và đặc biệt là học sinh tại các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (theo Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ) có điều kiện để tham gia học tập. Trong thời gian tới, ngành giáo dục có kiến nghị gì đối với trung ương và với tỉnh để có giải pháp hỗ trợ giáo viên và học sinh tại 74 xã nêu trên.

Tác giả: Hà Anh

Nguồn tin: congluan.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok