Biển Sầm Sơn (TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) được đánh giá là một trong những bãi biển đẹp nhất miền Bắc với bờ cát dài trắng muốt, nước biển trong xanh. Những năm gần đây, cứ mỗi dịp hè về, Sầm Sơn đón hàng triệu lượt du khách về nghỉ dưỡng, tắm biển, mang lại nguồn thu ngân sách rất lớn cho địa phương.
Bãi biển Sầm Sơn khu vực bãi D trông nhếch nhác phản cảm khi có 1 bức tường đá "mọc" cao đâm ngang bãi biển |
Tuy nhiên, song song với sự phát triển, TP Sầm Sơn lại đang "bỏ quên" công tác duy tu, bảo vệ và nâng tầm bờ biển Sầm Sơn, khiến cho khu vực bãi tắm D (dài khoảng 700-800 m) rơi vào cảnh nhếch nhác, xấu xí, gây nhiều phần toái cho du khách về đây nghỉ ngơi, tắm mát.
Tại bãi tắm D (thuộc phường Quảng Cư, TP Sầm Sơn) có một bức tường đácao khoảng 50-60 cm (dài khoảng 200 m) nối từ bờ kè bê-tông đâm ngang ra bãi biển chạy song song với đường Hồ Xuân Hương lởm chởm đá hộc, thép gai. Đây là những rọ đá được TP Sầm Sơn thả xuống bờ biển để chống xâm thực từ năm 2016.
Bức tường đá vô tình tạo thành nơi để rác, túi nilon từ khắp nơi bám vào trông nhếch nhác, phản cảm, còn những rọ sắt bị sóng đánh làm nhiều lướt sắt bị gãy biến thành những cái "chông", nhiều hòn đá văng khắp nơi. Khi thủy triều lên hoặc bị cát phủ sẽ tạo thành cái "bẫy" đã và đang gây nguy hiểm cho du khách.
Ông Trần Chí Minh (ngụ thôn Hồng Thắng, phường Quảng Cư) cho biết ông và nhiều hộ dân kinh doanh dịch vụ ăn nghỉ tại khu vực này rất bất bình khi nhiều du khách tới đây đã than phiền về bức tường đá khiến họ không dám xuống biển. "Năm trước, TP Sầm Sơn cho khắc phục bằng cách đổ đầy đất cát để lấp bãi đá này, tuy nhiên khi sóng biển đánh vào, đá và lưới sắt lộ ra khiến nhiều người đi tắm, vui chơi không biết đã dẫm vào dẫn tới bị thương" - ông Minh nói.
Cũng theo ông Minh, dọc bãi tắm D có hơn 10 khách sạn và hàng chục nhà hàng để phục vụ du khách với khoảng 2.000 phòng, nhưng do bãi biển nhếch nhác nên năm 2018 nhiều đoàn, tua đã hủy hợp đồng khi về khảo sát thấy bãi biển không đảm bảo, ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh của Sầm Sơn và hoạt động kinh doanh của người dân.
"Năm nay, mùa du lịch đã cận kề, nhưng chưa thấy TP Sầm Sơn có biện pháp chỉnh trang lại bờ biển khu vực này, dù bà con đã có kiến nghị. Chúng tôi mong muốn TP nhanh chóng có giải pháp cho bỏ hoặc hạ độ cao bức tường đá và lưới sắt B40 để hạn chế nguy hiểm, tạo vẻ đẹp cho bờ biển vì mùa du lịch đã cận kề" - ông Minh bức xúc.
Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Lường Văn Hoàng, Phó chủ tịch UBND phường Quảng Cư, cho biết tại điểm giáp nhau giữa bãi tắm D và bờ kè biển của khu nghĩ dưỡng FLC đang bị xâm thực mạnh, nên năm 2016, TP Sầm Sơn đã cho thả nhiều rọ đá hộc xuống khu vực trên. "Từ đó đến nay, đã có nhiều đoàn của nước ngoài phối hợp với Bộ NN-PTNT về khảo sát đưa ra giải pháp, nhưng vẫn chưa được khắc phục"- ông Hoàng nói.
Vị lãnh đạo này cũng cho biết, năm trước (năm 2018), TP cũng cho đổ đất cát xuống khu vực trên để lấp bức tường đá, tuy nhiên sau vài trận sóng đánh vào bờ, đất cát bị kéo trôi ra biển bức tường đá lại lòi ra gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của người dân. Tuy nhiên, việc khắc phục nằm ngoài khả năng của phường.
Ông Lương Văn Thắng, Chủ tịch UBND TP Sầm Sơn, cho biết việc xâm thực tại khu vực trên đang là bài toán rất khó, xói lở đang ăn vào phía Nam. "Cái khó bó cái khôn", kinh phí không có, chính quyền địa phương cũng rất trăn trở. Sắp tới chúng tôi sẽ báo cáo tỉnh để làm sao tìm một đơn vị tư vấn nghiên cứu về dòng chảy ngầm để có phương án lâu dài" - ông Thắng cho hay.
Hình ảnh bức tường đá giống như cái "bẫy" tại bãi tắm D biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) khi mùa du lịch năm 2019 đã cận kề:
Khu vực bãi biển trông nhếch nhác, xấu xí với cơ man nào rác thải, túi bóng... ở khắp nơi trôi vào đây bị bờ tường đá ngăn lại |
Khu vực bãi biển trông nhếch nhác, xấu xí với cơ man nào rác thải, túi bóng... ở khắp nơi trôi vào đây bị bờ tường đá ngăn lại |
Tường đá này cao khoảng 50-60 cm và dài khoảng 200 m vô tình tạo thành nơi ngăn cách du khách xuống với bãi tắm |
Do tường đá ngăn cao nên khi sóng xô vào bờ, nước bị tường đá giữ lại (do không chảy tràn ra ngoài được) lại tạo thành dòng chảy dọc theo bờ đá khiến phía trong bờ càng sói lở sâu tạo thành cái lãnh lớn và biển thành nơi ún ứ rác thải từ biển vào |
Chỉ cần một ngày không có người dọn rác, nơi đây sẽ trở nên nhếch nhác, hôi hám |
Trong mùa du lịch 2018, đã có nhiều du khách khi tới đây tắm biển khi đi qua bờ đá (thời điểm đó đã được phủ cát) đã dẫm phải đá, dây thép dẫn tới bị thương |
Những rọ sắt bọc đá bị sóng xô hết đá, chỉ còn trơ lại những dây sắt tua tủa khắp nơi dọc bờ biển |
|
Những rọ sắt này bị sóng xô, đánh bật, vô tình tạo thành những cái "bẫy" nguy hiểm cho du khách, đặc biệt khi nó được phủ cát để "ngụy trang" càng nguy hiểm hơn |
Qua bờ đá lởm chởm thép gai này là tới bến thuyền của ngư dân hoạt động tràn lan khiến mùi tanh của cá, dầu máy của tàu thuyền ra vào nếu không sớm được khắc phục sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh của bãi biển Sầm Sơn |
Người dân dọc bãi tắm này mong muốn chính quyền cần có biện pháp hữu hiệu để giải phóng bức tường đá, ngăn xâm thực sớm trả lại vẻ đẹp cho bờ biển, giúp người dân có thể yên tâm kinh doanh buôn bán |
Tác giả: Tuấn Minh
Nguồn tin: Báo Người lao động