Mỗi câu lạc bộ (CLB) ở V.League có 3,9% vốn, và 4 CLB đã gửi yêu cầu bầu lại VPF, tức chiếm đến 15,6% vốn cổ đông ở VPF. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá Việt Nam xảy ra chuyện nhiều CLB bất bình với VPF, qua đó đòi bầu lại lãnh đạo.
Thể thao Việt Nam chưa thể liệt vào nhóm mạnh ở châu Á, còn bóng đá nói riêng đang có những bước tiến rất lớn. Nhưng bóng đá ở Việt Nam rõ ràng tồn tại quá nhiều vấn đề lớn, ví dụ chuyện CLB Quảng Ninh đá V.League nhưng nợ tiền cầu thủ và có nguy cơ “giải tán”. VPF - đơn vị tổ chức các giải chuyên nghiệp bị phản ứng dữ dội từ các CLB.
Bầu Đức nêu một vấn đề rất đáng để suy ngẫm là các ĐTQG đang thành công, có những thành tích ấn tượng, nhưng VPF thụt lùi và không phát triển tương xứng trong hơn 3 năm qua. Nói đúng thì phần gốc đang yếu kém hơn phần ngọn, điều này cũng giống mô hình bóng đá chuyên nghiệp của Việt Nam là V.League “to” hơn so với hạng Nhất (14 đội so với 13 đội). Đó là nghịch lý khi mô hình này theo dạng tam giác ngược với đỉnh to hơn đáy.
Bầu Đức lên tiếng về những bất cập của VPF. |
Giải đấu chuyên nghiệp muốn phát triển thì đơn vị quản lý và tổ chức phải giỏi về hai vấn đề quan trọng: Điều hành tốt và kiếm tiền giỏi. Ở vế đầu tiên, năng lực điều hành của VPF bị nhiều CLB phản ứng và chê yếu kém. Ở vế thứ 2, một số CLB muốn VPF chứng minh bằng con số, tức lợi nhuận ra sao so với nhiệm kỳ trước.
Tuy nhiên, hai câu chuyện nói trên chỉ là phần ngọn ở VPF, phần gốc phải là con người. Có một vấn đề mà nhiều CLB không lên tiếng là chuyện VPF được điều hành theo kiểu nhiều ghế dồn vào một người. Ông Trần Anh Tú trong nhiệm kỳ đầu ngồi đến 3 ghế là Chủ tịch VPF, Tổng giám đốc VPF và Trưởng ban điều hành giải. Bầu Đức phản bác mạnh mẽ chuyện một người ngồi nhiều ghế sẽ không có sự phản biện, trong khi ông Trần Anh Tú còn muốn ứng cử thêm ghế phó Chủ tịch VFF.
Ở nhiệm kỳ thứ 2 được bầu cách đây hơn 9 tháng, VPF tiếp tục rơi vào cảnh một người ngồi 3 ghế, đó là ông Nguyễn Minh Ngọc với 3 chức danh phó Chủ tịch VPF, Tổng giám đốc VPF và Trưởng ban điều hành giải.
Ông Nguyễn Minh Ngọc giữ 3 ghế ở VPF. |
Ông Nguyễn Minh Ngọc tạo ra tranh cãi với phát biểu trên báo chí về chuyện hoãn V.League 2021, bởi nhiều CLB phản ứng là họ chưa được hỏi ý kiến. Sau đó, ông Ngọc tiếp tục khiến cho VPF bị chê với văn bản “ngây ngô” gửi CLB Hải Phòng. Đây chính là giọt nước tràn ly khiến cho VPF bị nhiều CLB phê phán ở cuộc họp trực tuyến cách đây vài ngày.
Nhắc lại, thời ông Trần Anh Tú kiêm nhiệm 3 ghế thì ông Nguyễn Minh Ngọc được trả về VFF vào tháng 11/2018. Bầu Đức không đồng ý để ông Ngọc về lại VFF. Cuối cùng, ông Nguyễn Minh Ngọc vẫn ngồi ở VFF với chức danh phó Tổng thư ký.
Hợp rồi tan, tan rồi hợp, ông Nguyễn Minh Ngọc trở lại VPF ngồi với 3 ghế to là phó Chủ tịch VPF, Tổng giám đốc VPF và Trưởng ban điều hành giải. Ở vai trò Chủ tịch VPF, ông Trần Anh Tú liệu có thể lý giải được cho câu hỏi: Vì sao một người không được trọng dụng ở nhiệm kỳ trước, bây giờ có 3 chức danh to ở VPF?
Trước đó là ông Trần Anh Tú. |
Một câu hỏi khác: Ông Trần Anh Tú ngồi 3 ghế ở VPF bị phản ánh, sao còn để ông Nguyễn Minh Ngọc tái diễn chuyện một người ngồi nhiều ghế?
Có thêm nhiều vấn đề khác như ông Nguyễn Minh Ngọc có còn làm ở VFF hay không? Nếu ông Ngọc nghỉ ở VFF thì liệu có đại diện vốn tại VPF?
Với chuyện bị nhiều lãnh đạo CLB phê phán về năng lực điều hành, VPF tái diễn cảnh một người nắm nhiều ghế nên không khó hiểu khi bầu Đức và các CLB muốn Đại hội cổ đông bất thường để bầu lại lãnh đạo. Riêng bầu Đức nêu đích danh ông Trần Anh Tú nên nghỉ ở VPF.
Tác giả: Văn Nhân
Nguồn tin: saostar.vn