Những cú đảo chiều “bom tấn”
Khoảng một thập kỷ qua, thị trường bán lẻ Việt Nam sôi động chưa từng thấy với sự xâm nhập của các tập đoàn lớn đến từ Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp,... Sân chơi bán lẻ một thời gần như thuộc về các ông lớn nước ngoài. Sự bành trướng của Metro (Đức), Big C (Pháp sau đó chuyển cho Thái), Lotte (Hàn Quốc), Aeon (Nhật),... đã áp đảo hoàn toàn những thương hiệu thuần Việt như FiviMart, Intimex hay Hapro,...
Tương quan lực lượng nội - ngoại bắt đầu thay đổi sau khi Vingroup của tỷ phú giàu nhất Việt Nam Phạm Nhật Vượng tham gia cuộc chơi. Với thương hiệu Vinmart, tốc độ mở cửa hàng mới nhanh chưa từng có. Song song đó là những thương vụ mua lại các chuỗi siêu thị - cửa hàng nhỏ hơn như Ocean Mart, Fivimart, Maximark, Citimart, Vinatex Mart, Zakka và Shop & Go,... Vinmart đã vượt qua khối ngoại trở thành hệ thống bán lẻ lớn nhất Việt Nam với khoảng 2.600 siêu thị - cửa hàng. Thương hiệu này được định giá hơn 3 tỷ USD.
Cuối 2019, giới đầu tư chứng kiến một sự kiện bước ngoặt trên thị trường bán lẻ: cái bắt tay giữa ông trùm bán lẻ Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng với ông lớn hàng tiêu dùng Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang nhằm hình thành một đế chế mới.
Ông Phạm Nhật Vượng, Nguyễn Đăng Quang có thương vụ lớn trong năm 2019. |
Lần đầu tiên, các doanh nhân Việt đã cùng nhau làm chủ một cuộc chơi lớn, hệ thống bán lẻ lớn nhất đã không rơi vào tay tập đoàn ngoại. Các nhà sản xuất trong nước không phải quá lo lắng về việc có thể bị cắt bỏ hợp đồng, hay hàng Việt bị loại ra khỏi các kệ hàng như trường hợp BigC hay Metro trước đó.
Sự hợp tác này mang lại lợi ích nhiều mặt: vừa mở rộng hệ thống phân phối cho tập đoàn hàng tiêu dùng Masan, vừa mang lại một sự an toàn cần thiết để tỷ phú giàu nhất Việt Nam Phạm Nhật Vượng thực hiện giấc mơ xe hơi mang thương hiệu Việt và vươn ra toàn cầu.
Đặc biệt hơn cả, cái bắt tay "thập kỷ có một" giữa hai tỷ phú Việt góp phần bảo vệ những thành quả mà DN Việt lập ra, điều đó có ý nghĩa hơn khi hàng loạt ông lớn bán lẻ Pháp, Đức, Malaysia,... phải tạm biệt Việt Nam, từ Metro, Parkson cho tới gần đây là Auchan.
Thaco của tỷ phú USD Trần Bá Dương cũng vừa vào mua 35% cổ phần đại gia số một trong ngành cá tra - Thủy sản Hùng Vương (HVG) của ông Dương Ngọc Minh sau khi đã bơm cả tỷ USD cứu đế chế Hoàng Anh Gia Lai (HAG) của ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức).
Công ty con của Thaco là Thadi (chuyên về nông nghiệp) của tỷ phú USD Trần Bá Dương sẽ hợp tác đầu tư mảng chăn nuôi của HVG, trong đó có thuỷ sản và chăn nuôi lợn. Ông Dương đã từng giải cứu HAGL Agrico, hướng tới việc xây dựng một đế chế nông nghiệp có một không hai tại Đông Dương và cũng là để tránh một doanh nghiệp nông nghiệp đầu ngành với quỹ đất lớn rơi vào tay DN nước ngoài.
Ông Trần Bá Dương hợp tác với Bầu Đức và ông Dương Ngọc Minh. |
Cuộc đấu tay đôi tại doanh nghiệp bánh kẹo Bibica (BBC) kéo dài trong nhiều năm cũng đã chứng kiến đại gia Việt thắng ngược ông lớn ngoại. CTCP Thực phẩm PAN - PAN Food, một công ty con của CTCP Tập đoàn PAN của ông Nguyễn Duy Hưng nắm hơn 50% cổ phần BBC sau một cuộc chiến với Tập đoàn Lotte đến từ Hàn Quốc.
Đại diện Bibica từng thừa nhận đã mắc sai lầm “cõng rắn cắn gà nhà” khi mời Lotte vào. Nhưng sự hợp tác đã không diễn ra như ý muốn bởi ông lớn Hàn Quốc muốn biến Bibica thành công ty con của họ, muốn Bibica làm các sản phẩm của Lotte thay vì đầu tư nghiên cứu sản phẩm mới. Nhiều người không thể ngờ, thương hiệu Bibica có thể trụ vững và phát triển mạnh mẽ trở lại. Sự xuất hiện của SSI của ông Nguyễn Duy Hưng đã khiến âm mưu thâu tóm Bibica của Lotte đổ vỡ.
Cuộc chiến giữa Bibica và Lotte kéo dài nhiều năm và đã được quyết định khi ông Nguyễn Duy Hưng nhảy vào. |
Vị thế trên thị trường nội địa
Đây không phải là lần đầu tiên doanh nghiệp nội chơi bài ngửa và ngăn được sự bành trướng của khối ngoại trong lĩnh vực chế biến thực phẩm. Năm 2016, cũng chính Masan của ông Nguyễn Đăng Quang đã đã vượt qua CJ CheilJedang của Hàn Quốc để giành được quyền mua và trở thành cổ đông chiến lược của Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan). Xa hơn, doanh nghiệp này đã từng thâu tóm thành công hai thương hiệu thứ ăn chăn nuôi nổi tiếng Proconco và Anco,... hay thâu tóm Vinacafé Biên Hòa năm 2011.
Năm 2019, Masan đã cho ra mắt Masan MeatLife, tấn công vào thị trường thịt lợn 10 tỷ USD, khiến vị thế số một của Tập đoàn CP của tỷ phú Thái Chearavanont cạnh tranh trực tiếp. CTCP Masan MeatLife (MML) cũng đã đưa cổ phiếu lên sàn với vốn hóa khởi điểm 1,1 tỷ USD.
Sự xuất hiện của Masan MeatLife được xem là tín hiệu tốt cho DN và nông dân Việt trong cuộc chiến ngay trên thị trường nội địa, với các ông lớn ngoại khu vực. Bởi, cách đây hơn thập kỷ, ở lĩnh vực là thế mạnh của Việt Nam là nông nghiệp, Tập đoàn C.P của tỷ phú Thái đã từng khuấy đảo thị trường, từ thức ăn chăn nuôi tới giết mổ lợn, gia cầm, trứng và các sản phẩm chế biến,...
Masan tham vọng trở thành "Vinamilk trong ngành thịt" đấu lại CP của tỷ phú Thái. |
Sau một thập kỷ chờ thời, doanh nghiệp Việt đã ra mắt ấn tượng trong cuộc đua trong mảng lĩnh vực chăn nuôi và chế biến thịt lợn. Chỉ sau vài tháng ra mắt, doanh thu của Masan MeatLife đạt vài chục tỷ đồng mỗi tháng, cả trăm tỷ đồng trong tháng 12/2019 và tăng vọt trong tháng Tết Nguyên đán. Quy mô hệ thống phân phối cũng tăng gấp hơn 10 lần, lên gần 500 đơn vị và giờ đây là cả một mạng lưới 2.600 siêu thị - cửa hàng Vinmart/Vinmart+.
Trong lĩnh vực đồ uống, năm 2012, Tân Hiệp Phát của ông Trần Quý Thanh đã từ chối đề nghị hợp tác với giá trị đầu tư lên đến 2,5 tỷ USD từ Coca-Cola của Mỹ để ngăn làn sóng xâm nhập của các tập đoàn đồ uống nước ngoài. Tập đoàn này đang thực hiện tham vọng chinh phục vị trí số 1 Đông Nam Á trong lĩnh vực đồ uống.
Còn với lĩnh vực hàng không, doanh nghiệp Việt đang áp đảo. Vietjet Air của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, Bamboo Airways của chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết,... đang ngày càng lớn mạnh, gia tăng thị phần trong nước và cạnh trạnh vượt trội so với các hãng hàng không trong khu vực, hướng tới cuộc chơi toàn cầu.
Một số đại gia kín tiếng khác cũng gầy dựng nên các tập đoàn lớn, ngày càng thể hiện được thế mạnh của mình tại thị trường trong nước và khu vực, điển hình như: BRG của bà Nguyễn Thị Nga, T&T của ông Đỗ Quang Hiển, Geleximco của ông Vũ Văn Tiền,...
Điều quan trọng là, nếu như trước đây, các doanh nghiệp Việt chỉ mạnh về nông thủy sản thì nay chúng ta đã có những sản phẩm dịch vụ mang tầm vóc của các nước công nghiệp. Người tiêu dùng đã được trải nghiệm những chiếc xe sang thương hiệu Việt, ở trong những tòa nhà chọc trời do người Việt xây, bay những hãng hàng không của người Việt,...
Những thương vụ tỷ USD, những quyết định táo bạo và sự hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước gần đây là tín hiệu rất tích cực. Điều đó chứng tỏ rằng, doanh nhân Việt không chỉ có ý thức cao mà đã có sức mạnh để vươn lên vị trí dẫn đầu, qua đó góp phần bảo vệ thương hiệu Việt, thị trường nội địa. Chính sự lớn mạnh của các tập đoàn trong nước, cạnh tranh được với các ông lớn nước ngoài là động lực để đưa nền kinh tế phát triển từ quy mô dần sang thay đổi về chất.
Tác giả: M. Hà
Nguồn tin: Báo Vietnamnet