Theo đó, hai tổ chức là CTCP Hàng không VietJet của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo và CTCP Tập đoàn Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang đã chi gần 400 tỷ đồng để sở hữu trái phiếu không chuyển đổi của VCI.
Cụ thể, VietJet của nữ tỷ phú USD Nguyễn Thị Phương Thảo đã đầu tư 350 tỷ đồng để mua 70% lượng trái phiếu. Trong khi đó, Masan của ông Nguyễn Đăng Quang cũng chi 37 tỷ đồng để sở hữu 7% lượng trái phiếu phát hành của Chứng khoán Bản Việt.
Còn các nhà đầu tư cá nhân trong nước mua lượng trái phiếu phát hành VCI có giá trị 103 tỷ đồng, tương đương 21%. Các nhà đầu tư cá nhân nước ngoài mua 10 tỷ đồng còn lại, tương đương 2%.
Toàn bộ 50.000 trái phiếu VCI (mệnh giá 10 triệu đồng/trái phiếu) là lô trái phiếu không chuyển đổi, kỳ hạn 2 năm (mỗi năm 365 ngày) và có lãi suất danh nghĩa và lãi suất phát hành thực tế cùng trong khoảng 6-8,2%/năm.
Mức lãi suất này khá thấp nếu so với một loạt đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp không chuyển đổi của nhiều doanh nghiệp bất động sản gần đây. Mức lãi suất phổ biến gần đây được ghi nhận là 11%, có những trường hợp lên tới 14,5%/năm.
CTCP Chứng khoán Bản Việt - VCSC (VCI) của bà Nguyễn Thanh Phượng đặt kế hoạch kinh doanh 2019 khá thận trọng. Doanh thu dự kiến đạt 1,65 ngàn tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế chỉ còn 680 tỷ đồng, giảm hơn 17% so với năm 2018.
Tuy nhiên, đây vẫn là những con số đáng mơ ước đối với nhiều công ty chứng khoán. Nó cho thấy thế mạnh mà ít đối thủ nào có được.
Trong năm 2018, Chứng khoán Bản Việt của bà Nguyễn Thanh Phượng ghi nhận sự bứt phá kỷ lục, với doanh thu hơn 1,82 ngàn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 1 ngàn tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 820 tỷ đồng.
Chứng khoán Bản Việt của bà Phượng thậm chí còn bất ngờ vươn lên vị trí số 1 về thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ trong quý 4/2018 với 17,04% thị phần, vượt qua Chứng khoán Sài Gòn (SSI) của ông trùm chứng khoán Nguyễn Duy Hưng (SSI 15%).
Cú lật thế cờ của doanh nghiệp bà Nguyễn Thanh Phượng nhiều khả năng nhờ thương vụ CTCP Tập đoàn Masan (MSN) của tỷ phú USD Nguyễn Đăng Quang bán toàn bộ 110 triệu cổ phiếu quỹ cho Tập đoàn SK Group của Hàn Quốc thu về 470 triệu USD.
Gần đây, Chứng khoán Bản Việt trở thành cổ đông lớn thứ tư của Địa ốc Sài Gòn Thương Tín - TTC Land (SCR). VCSC đã chi khoảng 152 tỷ đồng cho thương vụ mua 19 triệu cổ phiếu SCR, tương ứng 5,6% số lượng cổ phần đang lưu hành.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), giao dịch vẫn khá ảm đạm. VN-Index vẫn giữ được sắc xanh nhờ sự khởi sắc của nhóm ngân hàng với nhiều mã tăng điểm tích cực như: Vietinbank, MBBank, HDBank, Eximbank,...
Nhiều mã cổ phiếu lớn khác cũng tăng điểm như: Masan, VietJet, Bia Hà Nội,...
Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.
Theo YSVN, thị trường sẽ rung lắc trong phiên kế tiếp và chỉ số VNIndex có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh về mức 978 điểm. Đồng thời, thị trường tiếp tục phân hóa giữa các cổ phiếu, nhóm cổ phiếu Largecaps trên sàn HSX có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy, còn các cổ phiếu trên sàn HNX thì có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực cho thấy dòng tiền vẫn sẽ tiếp tục gia tăng trên sàn HNX. Ngoài ra, tỷ trọng cổ phiếu tiếp tục giảm nhẹ cho thấy nhà đầu tư ngắn hạn nên tiếp hành cơ cấu lại danh mục.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 17/7, VN-Index tăng 0,46 điểm lên 982,27 điểm; HNX-Index tăng 0,73 điểm lên 106,58 điểm và Upcom-Index giảm 0,25 điểm xuống 57,05 điểm. Thanh khoản đạt 210 triệu đơn vị, trị giá 4,7 ngàn tỷ đồng.
Tác giả: V. Minh
Nguồn tin: Báo VietNamNet