Ông Nguyễn Thành Sang và thành quả sau một ngày ra khơi |
Hàng năm, cả nước ghi nhận hàng trăm vụ tai nạn lao động trên biển, từ cháy nổ tàu cho tới ngư dân bị sóng đánh cuốn trôi, gãy tay, chân, đắm thuyền, lật tàu… Theo đánh giá, ngoài ý thức chủ quan của ngư dân, còn phải kể tới hoạt động quản lý nhà nước cũng chưa được siết chặt…
Không sợ tai nạn, chỉ sợ không có cá(!?)
Một ngày mới của ông Nguyễn Thành Sang (60 tuổi, ở Hoằng Thanh, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) bắt đầu từ 3h sáng. Hoằng Thanh là xã bãi ngang nên người dân chủ yếu đi bè mảng. Những chiếc bè đơn sơ, được xếp từ cây luồng sen cùng với những lớp xốp tạo thành mảng lớn. Với đặc thù ấy, người dân chủ yếu chỉ đánh bắt gần bờ, sáng đi chiều về. Thậm chí, nếu may mắn có thể chỉ vài tiếng là đầy bè hải sản và có thể cập bờ sớm. “Tôi gắn bó với nghề đi biển cũng gần hết quãng đời, tính ra từ lúc lên 10 tuổi đã đi đánh bắt cùng bố, thế nên giờ thấy chuyện gì cũng đơn giản. Đi biển theo kinh nghiệm, ngày mưa gió thổi thì ở nhà, ngày biển lặng sóng êm thì đi. Cũng chẳng mấy khi quan tâm đến an toàn lao động, đi đánh bắt cá, ngồi bè mảng hai bố con tôi cũng ít mặc áo phao. Có lần gió to, bão lớn đang kéo lưới thì chẳng may bị cuốn xuống biển, cố bơi vịn vào bè mà chèo lên thôi”, ông Sang nói.
"Với tính chất đánh bắt nhỏ lẻ, ngư dân đi biển hầu như là tự chung vốn làm ăn nên không có hợp đồng lao động. Do vậy, cũng rất khó để có thể đảm bảo an toàn cho lao động trên tàu, nếu chủ tàu không tự giác thực hành và trang bị các thiết bị bảo hộ, bảo hiểm. Nhiều vụ tai nạn lao động cũng không được chính quyền ghi nhận, chủ tàu và lao động thỏa thuận bằng tiền là xong”. Ông Nguyễn Anh Thơ |
Ngay cạnh xã Hoằng Thanh là xã Hoằng Trường, nơi có cửa biển Lạch Trường, bến cảng để neo đậu thuyền nên xã có cả một đội tàu chuyên đánh bắt xa bờ. Anh Nguyễn Đăng Tiến, chủ tàu 90723 (thôn Giang Sơn, Hoằng Trường, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) hiện đang sở hữu chiếc tàu đánh bắt cá trọng tải 50 tấn, công suất máy 380 mã lực. Con tàu vừa cập bến lúc 17h, gần 20 người từ thuyền viên đánh cá cho tới lao động bốc dỡ cũng đã di tản về nhà sau một đợt đi biển khá mệt mỏi. Tâm sự với PV, anh Tiến cho biết, so với 3 năm trước, ngư dân chủ yếu dùng lưới thủ công, việc đánh bắt cá gặp nhiều khó khăn. Anh em cũng hay bị xây xước, va chạm do lưới nặng, lúc kéo cá gặp nhiều khó khăn, thậm chí có người còn rơi xuống biển. Tuy nhiên, từ lúc sử dụng lưới cảo robot (một loại lưới tự động - PV) thì chỉ cần thuyền trưởng điều khiển từ buồng lái, thuyền viên không cần phải kéo hay thả lưới nữa. Điều này vừa tiết kiệm công sức, vừa đảm bảo an toàn lao động, chỉ việc nhặt cá từ lưới cho vào kho lạnh.
“Riêng về vấn đề trang bị thuyền cứu sinh, hay phao cứu hộ thì tàu đều đáp ứng, trang bị đầy đủ cho các thuyền viên. Mỗi khi tàu chuẩn bị xuất bến, chủ tàu đều phải báo cáo danh sách thuyền viên trên tàu. Bên cạnh đó, cần xuất trình đủ giấy tờ, cũng như trang thiết bị bảo hộ an toàn. Nếu không đảm bảo thì bộ phận biên phòng quản lý cửa biển không cho tàu ra khỏi bến”, anh Tiến nói. Mặc dù quy định như vậy, nhưng anh Tiến thừa nhận, rất ít lao động tuân thủ.
Tai nạn vẫn thường xuyên xảy ra
Ông Lê Hữu Tư, Phó chủ tịch UBND xã Hoằng Thanh cho biết, toàn xã có 255 hộ dân tham gia nghề biển. Chủ yếu bà con tham gia đi bè mảng, đánh bắt gần bờ, sáng đi tối về. Vài năm gần đây, xã cũng được sự hỗ trợ của một số đơn vị như Tổ chức Tầm nhìn thế giới, Trung tâm Bảo vệ nguồn lợi hải sản ven biển tổ chức tập huấn kiến thức đi biển nói chung và vấn đề an toàn lao động nói riêng nhưng không được thường xuyên. Tuy nhiên, theo ông Tư, cái khó hiện nay là địa phương không có kinh phí và cũng không có chuyên môn sâu về an toàn lao động trên biển để tập huấn cho ngư dân.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Anh Thơ, Phó cục trưởng Cục An toàn lao động cho biết, vấn đề thực hành an toàn lao động cho ngư dân đi biển vẫn còn nhiều điều đáng lo ngại. “Đặc biệt, với những tàu thuyền công suất bé, đánh bắt nhỏ lẻ, lại chứa nhiều hệ thống điện, nhiên liệu xăng, dầu, khí ga rất dễ gây tai nạn cháy nổ. Đó là chưa kể tới những nguy cơ về vấn đề an ninh, cướp biển, các rủi ro về vấn đề thiên tai, bão tố. Thời gian gần đây, ghi nhận báo cáo từ các địa phương cho thấy, mỗi năm đã có hàng trăm vụ tai nạn lao động trong lĩnh vực khai thác ngư nghiệp. Hơn 60% các vụ tai nạn được ghi nhận về các vấn đề chập điện hoặc cháy nổ bình ga trên tàu. Tiếp sau đó là các tai nạn gãy chân, tay, xây xước người, ngã xuống biển mất tích trong quá trình lao động”, ông Thơ cho hay.
Theo Phó cục trưởng Cục An toàn lao động, dù Luật An toàn lao động sửa đổi cũng đã đề cập tới vấn đề quản lý, thực hành an toàn cho lao động ở khu vực lao động phi chính thức (lao động nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, lao động tự do không có hợp đồng lao động) nhưng thực tế hầu hết các địa phương đều chưa làm được. Để khắc phục những hạn chế này, Cục An toàn lao động đang dự thảo chương trình nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn an toàn lao động cho ngư dân. Hướng sắp tới, có thể Cục An toàn lao động sẽ phối hợp với các trường chuyên đào tạo hàng hải để đào tạo thí điểm an toàn lao động cho một số lao động làm nghề biển ở các địa phương.
Tác giả: Duy Đăng
Nguồn tin: Báo Giao thông