Làng chài Tân Mỹ, xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế, hiện vẫn còn không ít người “vô tư” đánh bắt, chế biến cá nóc làm thức ăn...
Để tìm hiểu rõ hơn về câu chuyện tại sao ngư dân vùng ven biển Thừa Thiên - Huế lại “liều” sử dụng cá nóc, chúng tôi về làng chài Tân Mỹ một ngày đầu tháng 8-2017.
Tại đây, được người dân địa phương mách bảo, chúng tôi ghé nhà bà Trần Thị Mật (62 tuổi), là một trong số hộ dân có người thân tử vong do ăn cá nóc. Bên trong căn nhà cũ kỹ, bà Mật thắp nén nhang lên bàn thờ của người chồng, rồi kể: “Chồng tôi năm ấy vì ăn cá nóc mới bị tử vong, chứ ông ấy rất khỏe mạnh, ngày nào cũng đi biển đánh bắt hải sản để phụ giúp vợ kiếm tiền nuôi con ăn học”.
Theo lời bà Mật, giữa năm 2010, chồng bà là ông Dương Bá Thừa sau chuyến ra khơi đã rủ thêm ông Lê Viết Phúc (50 tuổi, ở cùng thôn) làm mấy con cá nóc nhắm rượu. Khi buổi nhậu còn chưa tàn thì cả ông Thừa và ông Phúc đều có triệu chứng đau bụng, khó thở, nôn ọe nên được người nhà chuyển lên Bệnh viện Trung ương Huế cấp cứu. Tuy nhiên, chỉ ít giờ sau thì ông Thừa tử vong, còn ông Phúc được các bác sĩ cứu sống kịp thời.
Cá nóc da trơn được ngư dân xã Quảng Ngạn lột da, làm sạch nội tạng để làm thực phẩm. |
Trường hợp chồng bà Mật bị chết do ăn cá nóc không phải cá biệt. Tại xã Quảng Ngạn cũng như nhiều làng chài khác ven biển Thừa Thiên - Huế đã xảy ra nhiều trường hợp tử vong thương tâm, thậm chí có gia đình nhiều người cùng nhập viện cấp cứu do ăn cá nóc.
Cách đây không lâu, sau chuyến đi biển, ông Nguyễn Văn Thiện (trú thôn Quy Lai, xã Phú Thanh, Phú Vang) mời gia đình Hoàng Văn Lưỡng (40 tuổi, trú cùng địa phương) sang ăn cơm.
Sau bữa cơm khoảng 30 phút, cháu Nguyễn Thị Oanh (9 tuổi, con ông Thiện) lên cơn sùi bọt mép rồi tử vong; riêng 7 người còn lại trong 2 gia đình đều có triệu chứng nhức đầu, nôn mửa, đau bụng nên được chuyển vào Bệnh viện Trung ương Huế cấp cứu. Sau khi chẩn đoán, những bệnh nhân trên bị ngộ độc do ăn cá nóc, các bác sĩ đã tích cực cứu chữa mới cứu sống được 7 bệnh nhân này.
Theo ông Trần Thanh Hùng, Trưởng thôn Tân Mỹ, phần lớn bà con ngư dân dựa vào kinh nghiệm đi biển để chia cá nóc làm 3 loại, gồm cá nóc thu xương xanh, cá nóc gai và cá nóc da trơn. Trong đó, nhiều người cho rằng, cá nóc da trơn không có độc, khi dùng làm thực phẩm có vị thơm, ngon (?!).
Xuất phát từ nguyên nhân này nên hiện có khoảng 40% hộ dân ở thôn Tân Mỹ vẫn bất chấp để đánh bắt loài cá này đưa vào bán hoặc sử dụng làm thực phẩm. Để chứng minh, ông Hùng dẫn chúng tôi đi ra dọc bờ biển của thôn đúng lúc có nhiều ghe vừa cập bờ sau nhiều giờ đánh bắt hải sản.
Chỉ vào những con cá nóc đã được lột sạch da bỏ lẫn lộn với số cá nục, cá trích được thu về sau một buổi bủa lưới, ngư dân Nguyễn Văn Hoàng (55 tuổi, thôn Tân Mỹ) bảo: “Khi bắt được cá nóc da trơn, chúng tôi lột da, cắt bỏ ruột gan cá là những phần chứa độc tố để đưa vào bờ chế biến hoặc phơi khô ăn dần”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Văn Trí, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Ngạn, cũng cho rằng, thời gian qua, chính quyền địa phương đã nỗ lực tuyên truyền, cảnh báo người dân không nên sử dụng cá nóc làm thực phẩm, nhưng có không ít người vẫn bất chấp, thậm chí khi vào mùa cá, họ đánh bắt và lén lút bán có nóc nên xã rất khó phát hiện để ngăn cấm, xử lý.
Được biết, bình quân mỗi năm Bệnh viện Trung ương Huế tiếp nhận từ 20 đến 30 ca do ngộ độc cá nóc. Các bác sĩ ở Khoa Hồi sức cấp cứu bệnh viện này cho biết, độc tố cá nóc có thành phần chủ yếu là Tetrodotoxin, thuộc nhóm độc tố thần kinh cực kỳ nguy hiểm, tập trung cao nhất ở gan và trứng. Dù người dân đã loại bỏ những phần này nhưng việc ăn thịt cá nóc vẫn có thể bị ngộ độc, tỷ lệ gây tử vong cao.
“Điều đáng nói, độc tố cá nóc không bị phân hủy trong quá trình nấu chín. Vì thế, người dân cần cảnh giác, tốt nhất tuyệt đối không nên sử dụng cá nóc làm thực phẩm để tránh bị ngộ độc”, một bác sĩ khuyến cáo.
Tác giả: Anh Khoa
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân