Nước thải từ các bể ngâm tre, nứa thường bị các cơ sở sản xuất, chế biến lâm sản thải trực tiếp ra môi trường. |
Tuy nhiên, phía dưới những tấm biển đó, các cơ sở sản xuất, chế biến lâm sản lại không “chịu” hưởng ứng. Được hỗ trợ của bà L.T.N., một người dân địa phương, chúng tôi tiếp cận được với những mánh khóe tinh vi trong việc xả thải ra môi trường của cơ sở chế biến lâm sản của ông D.N.T., bản Khằm, xã Hồi Xuân (Quan Hóa). Tại đây, cơ sở đang “lén lút” xả trực tiếp nước thải ra sông Mã. Nước đen ngòm xả thẳng vào lòng sông, bọt tung trắng xóa, bốc mùi... Cơ sở sản xuất này cũng đã dùng đất đá đổ xuống để lấn sông, thay đổi dòng chảy nhằm phục vụ cho việc xả thải. Bà N. thở dài: “Họ xả thải ra sông lúc công khai, lúc bí mật. Ngày trước chúng tôi vẫn còn hy vọng mưu sinh trên dòng sông Mã nhờ con cá, đám rêu...; giờ cá thì khan hiếm, rêu thì không dám ăn vì quá bẩn”.
Địa bàn huyện Quan Hóa có 6 cơ sở chế biến lâm sản được cấp phép, ngoài 2 cơ sở đóng trên địa bàn xã Hồi Xuân, số còn lại đóng trên địa bàn xã Xuân Phú. Câu hỏi đặt ra, nếu cơ sở nào cũng xả thải như cách mà cơ sở của ông T. đang thực hiện thì mức độ ô nhiễm sẽ lớn đến chừng nào?. Lo lắng của chúng tôi không phải không có cơ sở khi gần đây nhất, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh đã mật phục bắt quả tang Công ty TNHH Duyệt Cường xả thải ra môi trường vượt mức quy chuẩn kỹ thuật về chất thải trên 10 lần. Tại thời điểm phát hiện, mỗi ngày dây chuyền sản xuất của công ty xả thải từ 200 đến 400 m3 nước thải chưa qua xử lý ra sông Mã, tổng số tiền nộp phạt là 320 triệu đồng; HTX Sông Mã và HTX Hợp Phát đóng trên địa bàn xã Xuân Phú cũng từng bị xử phạt về việc xả thải vào năm 2016.
Hành trình xuôi theo dòng sông chảy qua địa phận các huyện Bá Thước, Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc, chúng tôi không khỏi trăn trở khi phải tiếp nhận những thông tin đáng báo động về thực trạng ô nhiễm của sông Mã. Tháng 8-2016, hàng chục tấn cá lồng bè và cá tự nhiên chết trắng dọc sông Mã từ địa phận huyện Bá Thước trải dài xuống huyện Cẩm Thủy và Vĩnh Lộc. Huyện Cẩm Thủy bị thiệt hại nặng nề nhất với 41,5 tấn cá lồng chết trải khắp 8 xã, thị trấn. Huyện Vĩnh Lộc có 3 xã bị thiệt hại gồm Vĩnh Quang, Vĩnh Yên, Vĩnh Thành, với gần 13 tấn cá chết... Những vụ xả thải vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, nhà máy sản xuất tre đũa, giấy vàng mã thuộc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại vận tải Tuấn Vinh đóng trên địa bàn xã Lâm Xa (Bá Thước), dù đã bị xử phạt hành chính theo Quyết định số 433/QĐ-UBND ngày 3-2-2016 của Chủ tịch UBND tỉnh với hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên, thế nhưng sau nhiều tháng kể từ ngày quyết định xử phạt được ban hành, nhà máy vẫn không khắc phục hậu quả vi phạm mà tiếp tục có hành vi xả nước thải không qua xử lý xuống sông Mã với chỉ tiêu sunfua vượt quá giới hạn cho phép 7,04 lần, chỉ tiêu coliforms vượt quá giới hạn cho phép 4.600 lần... Gần đây nhất, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Quyết định số 757 QĐ-XPVPHC, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước đối với Nhà máy Tinh bột sắn Bá Thước, đóng tại xã Thiết Ống (Bá Thước), thuộc Công ty CP Xuất nhập rau quả Thanh Hóa, số tiền là 260 triệu đồng. Liệu còn bao nhiêu nhà máy, cơ sở sản xuất vẫn đang lén lút xả thải ra sông Mã mà chưa bị phát hiện, xử lý ?...
Hạ nguồn sông Mã, điểm dừng chân cuối cùng của chúng tôi trước khi nhìn dòng nước đổ ra biển Đông. Tại đây, nỗi lòng con nước vẫn da diết vang lên bằng tiếng lòng của những người mưu sinh từ nguồn nước của dòng sông. Những năm gần đây, tại xã Quảng Phú (TP Thanh Hóa) ô nhiễm môi trường làm cho tôm chết hàng loạt khiến người nuôi bị thua lỗ thường xuất hiện trên các mặt báo. Trang trại nuôi tôm của hộ gia đình ông Nguyễn Xuân Bảy, thôn 2, xã Quảng Phú rộng hơn 2 ha. Tính đến thời điểm hiện tại ông đã có thâm niên 13 năm với nghề nuôi tôm quảng canh. Con số 300 triệu đồng tiền lãi sau mỗi vụ thu hoạch chính là niềm khích lệ không nhỏ cho những người nông dân như ông vững tin làm giàu từ con tôm. Tuy nhiên, những vụ thu hoạch “trong tiếng cười” như thế đã trở thành quá khứ; 5 năm trở lại đây, trang trại của ông luôn ở trong tình trạng “khóc dở mếu dở” vì những vụ thu hoạch thất thường. “Vụ vừa qua, tôm bị chết trắng đến quá nửa vì lấy phải nguồn nước ô nhiễm từ sông Mã”, ông Bảy thở dài ngao ngán.
Theo số liệu quan trắc trong các năm 2015, 2016 và 2017 của Sở Tài nguyên và Môi trường thì chất lượng nước sông Mã có nhiều biến động. Nhất là các chỉ tiêu về chất rắn lơ lửng trong nước (TSS) và hữu cơ có xu hướng gia tăng về nồng độ và vị trí các điểm lấy mẫu. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quang Chiến, Trưởng Phòng kiểm soát ô nhiễm, Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết: Thời gian tới, phòng sẽ tham mưu cho sở không chấp nhận chủ trương đầu tư mới các nhà máy sản xuất giấy, bột giấy và các nhà máy có nguồn nước thải gây ô nhiễm lớn ở khu vực đầu nguồn sông Mã. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường, xử lý nghiêm các hành vi xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Đồng thời, phối hợp với các địa phương trong việc kiểm soát các hoạt động xả nước thải ra sông Mã của các nhà máy giấy, bột giấy, nhà máy đường, tinh bột sắn, trang trại chăn nuôi... Sớm triển khai dự án lắp đặt trạm quan trắc chất lượng nước mặt tự động cố định để kiểm soát chất lượng nước, kịp thời phát hiện sớm trong trường hợp nguồn nước bị ô nhiễm.
Tác giả: Nguyễn Trường
Nguồn tin: Báo Thanh Hóa điện tử