Hoài sinh ra và lớn lên ở một miền quê nghèo. Nhà cô đông anh chị em, nguyên việc chạy ăn từng bữa đã khiến bố mẹ cô đủ mệt. Học hết cấp 2, cô nghỉ học ở nhà phụ bố mẹ việc đồng áng. 18 tuổi, cô theo chúng bạn trong làng lên thành phố làm công nhân nhà máy may. Công việc vất vả nhưng thu nhập ổn định, đủ nuôi sống bản thân lại có tiền gửi về cho bố mẹ ít nhiều, thế cũng đủ cho cô thỏa mãn.
Thấy Hoài có chút nhan sắc, mấy cô đồng nghiệp nhiều khi còn trêu, sao không đi làm bồ nhí cho người ta, vừa nhàn tấm thân, vừa kiếm bộn tiền. Hoài chỉ cười trừ. Cô biết, làng cô không thiếu người lên thành phố làm ở những chỗ mờ ám, song cô sẽ không bao giờ đẩy bản thân vào con đường ấy. Lao động chính đáng bằng khả năng của bản thân, dù cực khổ mà vui vẻ và thanh thản hơn nhiều.
Đi làm được một thời gian, Hoài quen và yêu Đạt – một chàng trai bằng tuổi, khác quê. Hoàn cảnh gia đình Đạt còn éo le hơn nhà Hoài, bố mẹ anh mất sớm, anh trở thành đứa trẻ mồ côi phải nương nhờ hết người họ hàng này tới nhà chú bác khác mà lớn lên. Học xong cấp 2, ai cũng không muốn chu cấp cho anh học tiếp, anh phải vừa đi học cấp 3 vừa làm kiếm tiền đóng học, gắng gượng mãi mới tốt nghiệp được THPT. Nhưng chi phí học Đại học trên thành phố khác một trời một vực, anh không thể tự mình xoay sở, đành gác lại sự nghiệp học hành, đi làm 1,2 năm kiếm tiền rồi tính tiếp. Hoài biết, đi làm bận rộn là thế nhưng hễ rảnh ra Đạt lại vùi mình ôn tập để củng cố kiến thức, chờ một ngày đi thi lại đại học.
Ảnh minh họa |
Tuổi trẻ cuồng nhiệt, yêu nhau chưa đầy nửa năm Hoài phát hiện mình mang thai. Đạt lặng người đi hồi lâu khi nghe cô thông báo tin đó, cuối cùng quyết định bảo cô phá thai. Hoài không chịu, hai người vì thế mà giận nhau mấy ngày liền. Vẫn là Hoài xuống nước làm lành, hứa với Đạt tự cô sẽ nuôi con không cần anh phiền lòng, bởi cô biết giấc mộng anh vẫn canh cánh trong lòng kia.
Đạt trầm ngâm cả nửa ngày, mãi mới đồng ý để Hoài giữ lại con, cũng không chối bỏ việc mình là bố đứa trẻ, nhưng đám cưới thì chưa thể tổ chức. Hoài tủi thân, song chẳng còn cách nào khác, bởi cô đã nhìn thấy sự quyết tâm trong mắt Đạt.
Trong thâm tâm đã coi mình và Đạt là vợ chồng, chỉ là chưa chính thức mà thôi, Hoài nhỏ giọng đề nghị về sống chung cùng nhau. “Em đã là vợ anh rồi, anh để em chăm sóc cho anh làm tròn trách nhiệm một người vợ chứ! Hơn nữa, ở chung thì anh có thể được gặp con hàng ngày mà”, Hoài cười dịu dàng. Đạt chẳng còn cách nào khác đành đồng ý. Từ tháng đó, Hoài vẫn cần mẫn làm việc, nhưng cô không gửi tiền về cho bố mẹ nữa. Cô cần dành tiền sinh con, lương của Đạt thì phục vụ cho kế hoạch lớn kia của anh mất rồi.
Có lẽ vì lao lực, mệt nhọc quá độ, cái thai của Hoài chưa đầy 3 tháng đã bị sẩy. Hoài đau đớn như đứt từng khúc ruột, tất cả đều do cô vô dụng không giữ được con. Đạt biết chuyện thì dỗ dành cô một hồi, mua cho cô nhiều đồ bổ dưỡng để bồi bổ, Hoài lúc ấy mới được an ủi phần nào.
Hoài nghỉ ở nhà 1 tuần rồi quay về với công việc. Mọi thứ trở lại như khi trước. Trong mắt người ngoài, Hoài và Đạt là một cặp đôi yêu nhau rồi sống thử, nhưng trong lòng Hoài, Đạt là chồng cô. Cô đã trao cho anh tất cả, trái tim và thể xác, anh là người đàn ông đầu tiên của cô, cô còn từng mang thai với anh, anh không là chồng cô thì là gì?
Mấy tháng sau khi cô bị sẩy thai, đến lượt Đạt ngã bệnh. Anh nghỉ việc, nhập viện để điều trị. Tiền bạc theo đó mà tiêu tán, số tiền Đạt dành dụm được cạn kiệt dần. Nhưng bác sĩ nói, cần phải phẫu thuật mới có thể khỏi dứt điểm. Nhắc đến chi phí phẫu thuật, lòng Hoài nặng như đeo đá tảng, Đạt cũng rầu rĩ không thôi. Cô và anh biết kiếm đâu ra số tiền lớn từng ấy. Gia đình hai bên đều nghèo kiết, cô và anh có muốn vay mượn cũng chẳng nổi. Nhìn Đạt tiều tụy trên giường bệnh, Hoài lần đầu tiên thấy tuyệt vọng khôn cùng.
Một cô đồng nghiệp của Hoài biết chuyện liền kéo Hoài ra một góc, rủ rỉ: “Muốn kiếm tiền không? Chị cũng chán cái kiếp làm công nhân khu công nghiệp này lắm rồi! Vừa hay biết một chỗ, em đi cùng chị không?”. “Nơi nào?”, Hoài mắt sáng ngời, kích động hỏi. Cô nàng kia hạ thấp giọng: “Một quán karaoke do người quen chị giới thiệu”. Nháy mắt tim Hoài trùng xuống. Là chỗ đó ư?
“Không vội, em cứ suy nghĩ đi. Có đi thì hết tháng mới đi, lấy nốt lương tháng này đã”, cô nàng vỗ vai Hoài. “Nhưng bệnh tình của anh Đạt chỉ sợ không đợi được…”, Hoài cúi đầu than thở. “Vậy mai chị dẫn em tới xem bà chủ có giúp được gì không, ứng trước tiền chẳng hạn”, cô nàng lập tức đưa ra cho Hoài giải pháp.
Hôm sau, Hoài đi theo cô bạn tới quán karaoke kia, cách nhà máy cô làm việc khoảng gần 10km, trong bụng vẫn mông lung không xác định nổi mình thực sự muốn đến làm hay không nữa. Một người phụ nữ ngoài 40, ăn mặc sành điệu, trang điểm đậm đón tiếp các cô rất nhiệt tình. Ngắm nghía Hoài trên dưới một hồi, lại nghe hoàn cảnh của cô, chị ta ngẫm nghĩ một lúc mới nói: “Em cần tiền gấp chị có thể cho em mượn, em viết cho chị một cái giấy nợ, đồng thời cam kết sau khi làm trừ hết nợ xong thì làm tiếp cho chị thêm 2 năm nữa, tất nhiên sau đó tiền em kiếm được sẽ là của em. Sau thời gian ấy, đi hay ở là tùy em, chị nói thế em đã rõ ràng chưa nhỉ?”.
Hoài lặng người đi, cô biết chẳng ai trên đời này cho không ai cái gì, điều kiện của chị ta không phải quá đáng. Có điều, cô làm hay không đây? Cứu Đạt hoặc để mặc anh? Đạt là chồng cô, lẽ nào cô thấy chết mà không cứu? Nhưng cô phải hi sinh tấm thân mình ư?
(Còn tiếp)
Tác giả: Giang Phạm
Nguồn tin: Báo Trí thức trẻ