Đến thời điểm này, nhiều địa phương, trường học đã và đang thưởng Tết Nguyên đán cho giáo viên.
Trong khi một số tỉnh, thành, trường học ở Hà Nội, TP HCM công bố mức thưởng Tết từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng cho giáo viên thì đa phần giáo viên ở các địa phương, trường học công lập lại có mức thưởng Tết vài trăm nghìn đồng. Đặc biệt ở một số vùng miền khó khăn, giáo viên chỉ được thưởng Tết bằng vật phẩm như chai nước mắm, cân đường, gói chè, hạt dưa...
Giáo viên chạnh lòng vì nơi thưởng nhiều, nơi ít
Đa phần hiện nay, việc thưởng Tết ở các trường học của tỉnh Kiên Giang phụ thuộc rất lớn vào ngân quỹ còn lại sau 1 năm trang trải các hoạt động. Tuy nhiên, số tiền thừa không nhiều nên giáo viên không được thưởng nhiều.
Hiện có nhiều ý kiến băn khoăn về chuyện thưởng Tết cho giáo viên (ảnh minh họa) |
Công tác tại huyện đảo Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang được hơn 31 năm thì đến tháng 12/2018, cô giáo Nguyễn Thị Bích Thủy mới được chuyển về dạy tại trường Tiểu học Hồng Bàng, tại thành phố Rạch Giá.
Cô giáo Thủy cho biết, nếu những người công tác lâu năm ở trường thì được thưởng Tết khoảng từ 3 đến 4 triệu đồng. Là một giáo viên từ nơi khác mới chuyển về thành phố nên Tết này, cô chỉ được thưởng hơn 400.000 đồng.
Mức thưởng Tết này còn cao hơn so với những giáo viên đang công tác tại các xã đảo của tỉnh Kiên Giang vì năm nay, mỗi người chỉ được thưởng 2 hộp nước mắm (4 chai) và 1 gói bột ngọt.
Tham gia công tác giảng dạy đến nay được 18 năm, thầy giáo Trần Bá Minh (trường THCS Lê Quý Đôn – trường trọng điểm chất lượng cao của thành phố Bắc Giang) cho biết, việc thưởng Tết cho giáo viên còn phụ thuộc vào quỹ Công đoàn trường. Năm học trước, mỗi giáo viên được thưởng 1 triệu đồng còn năm nay chỉ được thưởng 700.000 đồng. Còn ở những nơi có điều kiện kinh tế khó khăn hơn của tỉnh Bắc Giang, việc thưởng Tết cho giáo viên dao động từ 200.000 đến 500.000 đồng.
Tết đến là dịp phải mua sắm nhiều thứ cho gia đình và người thân nên thầy Minh luôn ao ước giáo viên được thưởng một nửa tháng lương thứ 13 để họ có thể “mạnh tay” mua sắm cho những ngày Tết được tươm tất hơn.
Thầy Tôn Sỹ Dũng, trường THCS Võ Xán, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định cho biết, việc thưởng Tết cho cho giáo viên không đồng đều giữa các trường, các cấp học. Trường nào tiết kiệm được khoản chi thường xuyên thì giáo viên được 2 đến 3 triệu đồng.
Còn trường nào khoản chi thường xuyên không cân đối được thì giáo viên chỉ được thưởng Tết 500.000 đồng đến 1 triệu đồng hoặc một ít đường, hạt dưa, dầu ăn... Đây được gọi là chút quà ngày Tết.
“Nói chung giáo viên các trường công lập chỉ chờ vào chính sách, ngân quỹ từ Nhà nước không có giải pháp nào khác. Thầy cô ví von ngành Giáo dục con đông, chia phần một cái bánh nên có ít thì cũng vui lòng, nhưng phải thật đồng đều. Nơi nhiều nơi ít, nhiều lúc cũng thấy chạnh lòng”, thầy Tôn Sỹ Dũng chia sẻ.
Nên giảm chi thường xuyên, không nên cào bằng giữa các nơi
Việc thưởng Tết cho giáo viên có sự khác nhau nên có giáo viên cũng băn khoăn, thắc mắc hoặc cảm thấy chạnh lòng... Vì vậy, đã có những ý kiến khác nhau về việc thưởng Tết.
Thầy Tôn Sỹ Dũng cho rằng, ngành Giáo dục cần có chính sách để tạo ra sự công bằng về thưởng Tết cho giáo viên. Bởi hiện nay có nơi, giáo viên được thưởng Tết vài ba chục triệu đồng, có nơi chi thường xuyên nhiều không có khái niệm thưởng Tết nên giáo viên nghĩ lại cũng chạnh lòng.
Ở một số vùng miền khó khăn, giáo viên chỉ được thưởng Tết bằng vật phẩm như chai dầu ăn, gói mì chính... (ảnh minh họa: giaoduc.net.vn) |
Theo thầy Tôn Sỹ Dũng, trong khi ngân sách địa phương hạn chế, mỗi trường có thể tiết kiệm 1 đến 2% trong khoản chi thường xuyên để động viên các thầy cô giáo vui đón Tết.
Với chi phí sinh hoạt ở các xã đảo của tỉnh Kiên Giang rất đắt đỏ nhưng mức lương không cao nên nhiều giáo viên đang công tác tại đó không đủ trang trải cuộc sống. Để đón xuân vui vẻ, cô giáo Bích Thủy đề xuất, ngành Giáo dục có thể tiết kiệm chi thường xuyên, các hoạt động giáo dục nào đáng tổ chức thì mới nên làm. Còn những hoạt động mang tính chất phong trào thì có thể rút ngắn lại hoặc không nên tổ chức để lấy tiền làm quỹ thưởng 1 tháng lương cơ bản cho giáo viên khi Tết đến Xuân về.
Ngoài ra, cô giáo Thủy cũng mong muốn lãnh đạo ngành Giáo dục có thể đề xuất với các cơ quan, ban ngành quan tâm hơn tới việc nâng mức lương, chế độ phụ cấp cho giáo viên công tác tại đây.
Còn theo thầy Trần Bá Minh, tiền thưởng Tết cho giáo viên hiện nay ở các trường công lập chủ yếu được trích từ quỹ Công đoàn và quỹ phúc lợi (5% của số tiền dạy thêm học thêm trong nhà trường) nên mức thưởng còn rất thấp.
“Cần có chính sách đãi ngộ riêng cho nhà giáo, đặc biệt là việc thưởng Tết. Bộ GD-ĐT đã có quỹ Thi đua khen thưởng cho các danh hiệu thi đua cuối năm của giáo viên, các địa phương nên có quỹ Xã hội hoặc quỹ Phúc lợi để thưởng Tết cho giáo viên cũng như cán bộ, công nhân viên một số ngành nghề có mức thu nhập thấp”, thầy Minh chia sẻ.
Đó là ý kiến của các thầy cô giáo ở các trường công lập, còn đối với trường ngoài công lập, trường chất lượng cao, việc thưởng Tết cho giáo viên có thể lên đến chục triệu đồng tùy thuộc vào uy tín, chất lượng giảng dạy của từng giáo viên.
Cô giáo Hồng Hạnh hiện đang công tác tại một trường ngoài công lập ở Hà Nội nêu quan điểm, thưởng Tết không nên “cào bằng” vì như vậy sẽ khó có thể tạo động lực cho giáo viên cạnh tranh để nâng cao chất lượng giảng dạy. Vì thế, việc thưởng Tết nên có sự khác biệt giữa giáo viên giảng dạy tốt, giảng dạy ở mức độ khá hoặc trung bình./.
Tác giả: Bích Lan
Nguồn tin: Báo VOV