Người mẹ sinh con trai ở tuổi 60 |
Bà Nguyệt cho biết, từ mấy năm trước, khi quyết định sinh thêm con, bà đã đi khắp các bệnh viện để hỗ trợ sinh sản nhưng không được. Khi đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, các bác sĩ tại đây đã nhân lời giúp vợ chồng bà được toại nguyện.
Xác suất mang thai thành công bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo của các cặp vợ chồng hiếm muộn phụ thuộc vào tuổi tác của cả chồng lẫn vợ, chứ không chỉ do phụ nữ.
“Đây là một sự thật bất ngờ đối với tất cả gia đình tôi cũng như tất cả mọi người. Khi tôi sinh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bắc Giang đã bảo tôi: "Có khi bà là người mẹ sinh con giỏi nhất nước Việt Nam”, bà Nguyệt hạnh phúc kể lại.
Tại hội thảo, cùng niềm vui với bà mẹ hưu trí Nguyễn Thị Nguyệt, vợ chồng anh chị Lê Văn Năm, Trương Thị Hà (sống tại Thanh Hóa) cũng đã xúc động khi kể về hành trình được làm cha, mẹ. Đây là hoàn cảnh rất đặc biệt vì cả hai người đều bị liệt nửa người, cùng ngồi xe lăn. Chị bị liệt sau lần sốt cao từ lúc 1 tuổi, còn chồng chị liệt do tai nạn giao thông.
“Nhờ Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội chăm sóc, quan tâm, cháu hiện được 3 tháng tuổi”, chị Hà xúc động chia sẻ. Anh Năm cũng vô cùng hạnh phúc khi bế con trên tay với nụ cười rạng rỡ.
Bác sĩ Lê Thu Hiền, Phó giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội chia sẻ, tại bệnh viện đã áp dụng các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản như: thụ tinh trong ống nghiệm, noãn trữ lạnh, chuyển phôi đông lạnh... điều trị thành công cho hàng ngàn cặp vợ chồng hiếm muộn, vô sinh, trong đó có các trường hợp nam giới không có tinh trùng, ung thư tinh hoàn đã được làm cha. Sau 5 năm thành lập, khoa Hỗ trợ sinh sản của bệnh viện đã điều trị thành công cho hàng ngàn cặp vợ chồng hiếm muộn, vô sinh.
Tác giả: Liên Châu
Nguồn tin: Báo Thanh Niên