“Truyền lửa” cho nghề dạy học
Ở TPHCM, nói đến người thầy luôn đi đầu trong đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học, nhiều người sẽ nhắc ngay đến cô Tô Thụy Diễm Quyên, chuyên viên phụ trách Chương trình Giáo dục (Trung tâm Thông tin và Chương trình Giáo dục thuộc Sở GD-ĐT TPHCM).
Cô Tô Thụy Diễm Quyên - chuyên viên phụ trách Chương trình Giáo dục (Trung tâm Thông tin và Chương trình Giáo dục thuộc Sở GD-ĐT TPHCM). |
Nhìn hành trình đi và làm của cô, nhiều người sẽ phải choáng ngợp không hiểu cô lấy năng lượng làm việc từ đâu. Cô Quyên đã tham gia tập huấn phương pháp giảng dạy tích cực cho hơn 15.000 giáo viên ở khoảng 40 tỉnh thành khắp Bắc - Trung - Nam. Hiện nay, nhiều Sở GD-ĐT ở nhiều tỉnh thành vẫn không ngừng “đặt lịch” cô Quyên đến tập huấn cho các bộ, lãnh đạo đổi mới tư duy trong giáo dục. Chưa kể đến vô số các lớp dành cho đối tượng học sinh, phụ huynh.
Không có học sinh cá biệt, người thầy hãy tự cởi trói cho mình, dạy học theo dự án phát triển năng lực người học…, các bài tập huấn của cô Quyên mở ra tư duy mở, tự do trong giáo dục cho thầy và trò. Ngoài ra, với kỹ năng công nghệ thông tin, cô Quyên mang đến cho nhiều giáo viên vô vàn những điều bất ngờ trong việc áp dụng công nghệ vào dạy học.
Từng mời cô Quyên về tập huấn cho đội ngũ, TS Phan Thị Luyến - Hiệu trưởng THPT Thực nghiệm Hà Nội đánh giá cô Quyên là một người truyền lửa thục thụ, không chỉ với học sinh mà với các thầy cô giáo.
"Ở cô Quyên có một sự kết hợp giữa một người "có nghề" về công nghệ và một nhà Sư phạm tâm huyết. Đây là điều mà không phải nhiều người làm được. Cô đang đưa tới cộng đồng giáo viên những gì dễ áp dụng nhất, hữu dụng nhất và hấp dẫn nhất để giáo viên có thể áp dụng công nghệ trong dạy học" - TS. Luyến bày tỏ và cho biết thêm, những giáo viên đã được tham gia lớp tập huấn về Dạy học dự án do cô Quyên giảng, họ có thể thiết kế những giờ học dự án đầy sáng tạo và rất thiết thực đến với người học.
Cô Tô Thụy Diễm Quyên say mê với công việc "tiếp lửa" cho đội ngũ nhà giáo |
Đi nhiều, gặp gỡ nhiều giáo viên, cô Diễm Quyên thấy rõ khát vọng được học tập, được đổi mới của đội ngũ giáo viên trong cả nước. Biết rằng đi đến trực tiếp sẽ không đủ, không kịp…, gần đây, cô Quyên còn mở diễn đàn Cộng đồng giáo dục sáng tạo cung cấp các nguồn tài nguyên, tủ sách… online cho giáo viên. Ở đó, giáo viên trao đổi, tương tác về các dự án, câu chuyện thực hành giáo dục. Đặc biệt, diễn đàn cũng thu hút được rất nhiều “cây đa cây đề” trong nghề và các nhà quản lý giáo dục tham gia để kết nối, chia sẻ với giáo viên.
Công việc bộn bề, nhưng vào tối thứ 3 hàng tuần, cô Quyên còn livestream chia sẻ về từng chủ đề để giáo viên theo dõi, hỏi đáp được tường tận. “Mỗi chủ đề như vậy, có hàng ngàn câu hỏi, hàng ngàn thắc mắc… chúng ta sẽ thấy đội ngũ giáo viên có nhiều trăn trở, còn “cháy” với nghề nhiều lắm”, cô Quyên cho hay.
Cô giáo với những giải thưởng toàn cầu
Đã từng nhiều người hỏi cô Quyên về học sinh cá biệt, cô từ chối trả lời khi không thể nhớ ra em nào là cá biệt. Bởi vì gần 30 năm đi dạy học, cô chưa từng thấy em nào là học sinh cá biệt.
Trước khi chuyển về Sở GD-ĐT TPHCM làm việc, cô Quyên là một giáo viên dạy học gặt hái được những thành tích đáng nể bằng chính năng lực của mình. Có thể kể đến giải Nhất toàn quốc Dạy học theo dự án-Dạy học tích hợp năm 2013. Năm 2014, cô Quyên đại diện cho Việt Nam tham dự Diễn đàn Giáo dục Toàn cầu tại Barcelona (Tây Ban Nha). Cùng năm, cô được Microsoft công nhận là Chuyên gia Giáo dục toàn cầu.
Từ đó, cô cũng thường xuyên được chọn làm giám khảo cuộc thi Giáo viên Sáng tạo trên nền tảng CNTT cấp Quốc gia. Năm 2015, cô Quyên là 1 trong 20 giáo viên toàn cầu được công nhận là MIE - Fellows (người dẫn dắt hỗ trợ cho đội ngũ chuyên gia sáng tạo giáo dục của Microsoft toàn cầu).
Cô Diễm Quyên đại diện cho Việt Nam tham dự Diễn đàn Giáo dục Toàn cầu 2014 và được công nhận là Chuyên gia Giáo dục toàn cầu |
Năm 2015, cô Quyên chuyển công tác trong sự tiếc nuối của học trò. Thay vì đứng lớp, giảng dạy học sinh, cô tất bật với công việc, với các dự án, hoạt động tiếp lửa cho đội ngũ giáo viên. Về Sở GD-ĐT TPHCM công tác, cô được lãnh đạo tạo nhiều điều kiện làm việc với các chuyên gia, tạo điều kiện đi “truyền lửa” cho giáo viên trong vào ngoài tỉnh và để phát triển năng lực bản thân.
Cô tâm sự, chính đứa con của mình từng mất hết năng lượng sống vì gặp một giáo viên yếu năng lực sư phạm. Từ đó, cô hiểu rằng năng lực sư phạm quan trọng hơn kiến thức chuyên môn. Khi có năng lực, người thầy sẽ truyền được cho học sinh động lực để vượt lên chính mình, vượt lên mọi khó khăn của cuộc sống. Một người thầy được tiếp cận với phương pháp giảng dạy tích cực, với năng lực sư phạm... sẽ tác động, thay đổi đến nhiều học sinh.
Với cô Quyên, không có học sinh cá biệt mà mỗi em có năng lực, khả năng và cá tính riêng |
Cô Quyên bày tỏ quan điểm: “Nhiệm vụ của người thầy thế kỷ 21 không còn là một cuốn sách giáo khoa biết nói và cũng không còn là kênh thông tin duy nhất. Nhiệm vụ của người thầy của thời đại mới là tìm hiểu năng lực của học sinh định hướng phát triển, tạo động lực và đánh giá thường xuyên để duy trì động lực”.
Hạnh phúc lớn nhất của cô là khi được nhiều đồng nghiệp gọi là “bà giáo già”. Cô Quyên đã ở tuổi 50, mọi người vẫn thấy cô tràn đầy sức sống với công việc, giao tiếp tốt bằng tiếng Anh, sử dụng công nghệ... , thức đêm thức hôm để chuẩn bị, thiết kế các bài giảng truyền năng lượng cho đội ngũ, cho bản thân. Cô luôn tự nhủ, nghề giáo là nghề mà chính mỗi người thầy phải tự học suốt đời.
Nói về cô Quyên, chuyên gia giáo dục Bùi Trọng Giao cho hay: "Mọi người gọi cô Quyên là "bà giáo già" nhưng ở cô, chúng ta sẽ thấy sức trẻ, sung sức, năng động và nhạy bén. Cô gần như nắm bắt kịp thời tất cả những ứng dụng mới nhất của công nghệ di động và công nghệ giảng dạy. Điều đặc biệt là tôi thấy cô luôn nhiệt thành chia sẻ và không bao giờ giấu nghề".
Những ai từng một lần học cô hay tiếp xúc với cô, cũng đều có cảm nhận như vậy.
Tác giả: Hoài Nam
Nguồn tin: Báo Dân trí