Kinh tế

Alibaba đổ tiền vào công ty của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang

Sau khi VinCommerce nhận đầu tư hơn 410 triệu USD từ SK, một công ty con khác của Masan là The CrownX tiếp tục được rót vốn 400 triệu USD.

Tập đoàn Masan (mã: MSN) ngày 18/5 công bố đã ký kết thỏa thuận hợp tác với nhóm nhà đầu tư được dẫn dắt bởi Alibaba, tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc và quỹ đầu tư Baring Private Equity Asia. Alibaba cùng các nhà đầu tư liên quan sẽ mua cổ phần phát hành mới của The CrownX, công ty con của Masan với tổng giá trị tiền mặt 400 triệu USD.

Ngay sau thỏa thuận đầu tư, The CrownX sẽ hợp tác chiến lược với sàn thương mại điện tử Lazada, công ty con của Alibaba. Masan kỳ vọng kênh online sẽ chiếm ít nhất 5% tổng doanh số bán lẻ của The CrownX trong tương lai.

The CrownX là công ty được Masan thành lập năm 2020 sau thương vụ nhận sáp nhập chuỗi bán lẻ VinCommerce từ Vingroup. Công ty này trực tiếp nắm giữ lợi ích của Masan tại Masan Consumer Holdings và VinCommerce.

Các công ty con của Masan nhận nhiều khoản đầu tư lớn thời gian qua (Ảnh: MSN).

Với khoản đầu tư này, công ty con của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang được định giá 6,9 tỷ USD. Sau đợt phát hành cổ phần, nhóm Alibaba sẽ sở hữu 5,5% cổ phần The CrownX còn tỷ lệ nắm giữ của Masan là 80,2%.

Tập đoàn Masan đồng thời thông báo đang trong quá trình đàm phán một giao dịch đầu tư chiến lược với các nhà đầu tư khác với trị giá 300-400 triệu USD vào The CrownX. Giao dịch này có thể hoàn tất trong năm 2021.

Vào tháng trước, VinCommerce cũng nhận được 410 triệu USD đầu tư từ tập đoàn SK. Đại gia Hàn Quốc rót tiền để sở hữu 16,3% cổ phần VinCommerce. Ngoài ra, SK hiện cũng chính là cổ đông lớn sở hữu 9,4% vốn điều lệ tập đoàn Masan.

Trong quý I, doanh thu thuần của The CrownX đạt hơn 12.500 tỷ đồng. Trong đó, mảng sản xuất hàng tiêu dùng nhanh thu về gần 5.500 tỷ còn chuỗi bán lẻ VinMart, VinMart+ đạt doanh số hơn 7.200 tỷ.

Năm ngoái, Masan mua thêm 14,8% cổ phần The CrownX từ Vingroup với tổng số tiền 23.692 tỷ đồng để tăng tỷ lệ sở hữu từ 70% lên 84,8%. Giá trị ghi sổ của phần tài sản này chỉ là 1.672 tỷ đồng. Vì vậy, tập đoàn Masan phải hạch toán giảm lợi nhuận sau thuế chưa phân phối phần chênh lệch hơn 22.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Masan năm 2020 giảm hơn 25.000 tỷ đồng.

Trong năm nay, Masan có kế hoạch mở lại gần 700 siêu thị. Tập đoàn của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang đang tự tin tăng tốc mở rộng mạng lưới của VinCommerce trở lại sau khi chuỗi bán lẻ này ghi nhận EBITDA (lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay) dương từ quý IV/2020.

Tác giả: Việt Đức

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok