Những ngày gần đây, gia đình chị Nguyễn Thị Hương và anh Nguyễn Công Đĩnh (SN 1989, ở huyện Tiên Du, Bắc Ninh) vô cùng hạnh phúc khi chào đón 2 bé sinh đôi vào tháng 6/2019 vừa qua.
‘Các con đều khỏe mạnh, đang được các bà bế bồng, chăm sóc’, chị Hương vui vẻ nói.
Sau 7 năm hiếm muộn, vợ chồng chị Hương cũng đón tin vui vào tháng 6/2019.
|
Kể về những chuỗi ngày tìm con, chị không khỏi chạnh lòng. Bởi sau 7 năm kết hôn, chị và chồng mới có được tiếng trẻ thơ trong nhà.
‘Tôi và chồng kết hôn năm 2012. Hai năm đầu, chúng tôi không kiểm tra, thăm khám mà để mọi việc tự nhiên’, chị Hương kể lại.
Sau 2 năm không thấy có tin vui, chị Hương và chồng đến bệnh viện thì lo lắng khi nhận được tin chị bị nội tiết kém, khó có con.
‘Ban đầu chúng tôi chạy chữa theo cách uống thuốc Nam, thuốc Bắc. Được ai mách ở đâu có thầy, thuốc hay vợ chồng tôi đều đến bắt mạch, bốc thuốc. Từ Lạng Sơn, Bắc Giang đến Thanh Hóa… vợ chồng đều dắt díu nhau đi’, chị nói.
Nhiều nỗ lực nhưng không mang đến kết quả, 2 vợ chồng chị xuống một phòng khám tư ở Hà Nội tiến hành phương pháp IUI (bơm tinh trùng vào tử cung) nhưng cũng không đem lại kết quả như mong đợi.
Sau đó, họ đến một bệnh viện ở Hà Nội thực hiện IVF (thụ tinh trong ống nghiệm). ‘Lần đầu, chúng tôi chỉ được 3 phôi và cấy cả 3 phôi vào tử cung thì không thành công. Chi phí cho lần này hết 120 triệu đồng, rất tốn kém nhưng cũng không thể bằng sự thất vọng, hụt hẫng của vợ chồng’, người phụ nữ sinh năm 1989 cho biết.
Giai đoạn này, áp lực tâm lý đối với chị rất lớn. ‘Nhiều người nói bóng gió xa xôi, thậm chí nói thẳng lỗi là do tôi. Tôi nên rời đi, để chồng tôi có cơ hội đến với người phụ nữ khác có thể sinh con cho anh. Tôi buồn lắm…’, chị Hương nói.
Nhưng may mắn, chị Hương có mẹ chồng, bà Nguyễn Thị Ngỏ (66 tuổi) rất tâm lý, động viên.
‘Bố chồng tôi mất cách đây 6 năm. Hai ông bà có với nhau 3 người con (2 gái và 1 trai), chồng tôi là con út. Ông mất, bà sống với chúng tôi từ đó đến giờ. Bình thường, mẹ chồng nàng dâu khá hòa hợp.
Có chuyện gì bà cũng đều tâm tình với con dâu. Khi gặp vấn đề, tôi càng thấm thía hơn tình cảm của bà dành cho mình’, chị kể thêm.
Theo chị Hương, dù không ít người hàng xóm, họ hàng chỉ trích chị về việc muộn con cái nhưng mẹ chồng chị chưa bao giờ trách mắng một lời. Không chỉ vậy, bà còn đứng ra bênh vực con dâu mỗi khi có ai đó nói những lời khó nghe.
‘Khi có người nói với bà do vợ chồng tôi không hợp nhau nên không có con, bà nên cưới vợ khác cho con trai để có cháu nối dõi, bà gạt đi. Bà nói với chúng tôi: ‘Con cái là lộc trời cho, tâm lý, tư tưởng phải thoải mái lên con ạ’ khiến tôi bật khóc’, chị kể.
Nhờ sự động viên của mẹ chồng, tháng 10/2018, chị Hương tiếp tục thực hiện IVF ở một bệnh viện khác tại Hà Nội. Lần đầu cấy 2 phôi ở viện này, họ bị thất bại. Lần thứ 2, may mắn đã mỉm cười với họ.
Tuy nhiên giai đoạn mang thai cũng là một thử thách lớn với chị Hương. Sức khỏe yếu, mang thai đôi nên chị phải nghỉ làm, ở nhà dưỡng thai. Mẹ chồng và mẹ đẻ phải bỏ hết công việc, để chăm sóc con.
‘4 tháng đầu, tôi bị nghén không thể ăn gì, chỉ ăn hoa quả và uống sữa. Mấy tháng cuối, tôi lại bị tiểu đường thai kỳ nên phải ăn kiêng. Việc chăm sóc ăn uống của tôi không hề đơn giản nhưng mẹ chồng không một lời than vãn. Hàng sáng, bà lại hỏi con dâu thích ăn gì để chuẩn bị’, chị nhớ lại.
Những tháng cuối của giai đoạn mang thai, chị Hương phải nhập viện theo dõi. Chồng đi làm, mẹ chồng và mẹ đẻ lại theo chị từ Bắc Ninh xuống Hà Nội để chăm sóc con.
Hai con trai của chị Hương, anh Đĩnh. Bé anh nặng 2,1kg, bé em nặng 2,5kg.
|
Chị Hương cho biết: ‘Tuổi cao nhưng từ khi con dâu mang bầu, các công việc cơm nước, giặt giũ… mẹ chồng tôi đều giành lấy làm, để con dâu được nghỉ ngơi. Bà luôn có mặt bên cạnh những lần tôi đi thăm khám. Không chỉ vậy, bà thường xuyên trò chuyện, động viên để tôi cố gắng vượt qua vất vả, mệt mỏi đến ngày sinh’.
Đêm 19/6/2019, chị Hương lên bàn mổ và sinh được 2 bé bình an, bé anh nặng 2,1kg, bé em nặng 2,5kg.
Đứng ngoài phòng chờ con dâu, khi nghe tin các cháu khỏe mạnh, sức khỏe sản phụ ổn định, bà Ngỏ đã bật khóc nức nở. Hành trình cùng con dâu từ những ngày khó khăn, vất vả đến khi có kết quả của bà đã thành công.
Những ngày con dâu sinh con, trở về nhà, bà Ngỏ cùng bà thông gia vẫn thường xuyên túc trực để chăm sóc các con, cháu. ‘Nhiều đêm cả nhà đều bị mất ngủ vì hai bé nhưng ai cũng hạnh phúc’, chị Hương kể.
Trong bài chia sẻ của mình trên mạng xã hội, chị Hương gọi mẹ là ‘người đồng hành đặc biệt’. Chị thừa nhận, nếu không có người đồng hành này cùng sự giúp sức của gia đình nội, ngoại chị có lẽ đã không đủ niềm tin để đi đến đích cuối cùng.
‘Tôi muốn nói với người đồng hành, mẹ chồng của tôi, rằng: ‘Con biết ơn mẹ, con yêu mẹ rất nhiều!’. Mong rằng, các chị em bị hiếm muộn khác cũng luôn nhận được sự cảm thông, yêu thương và chia sẻ từ chồng, từ người thân, nhất là từ mẹ chồng như tôi’, chị viết.
Tác giả: Ngọc Trang
Nguồn tin: Báo VietNamNet