Ảnh minh họa |
Cùng với nhiều giải pháp thúc đẩy hoạt động thu hút đầu tư trên địa bàn, công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch luôn được tỉnh Thanh Hoá xác định là một trong những yếu tố quan trọng, then chốt.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa, trong 4 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh này đã thực hiện giải phóng mặt bằng được hơn 1.034 ha, đạt 47,72% kế hoạch, gấp 1,52 lần so với cùng kỳ. Tiến độ thực hiện cụ thể, Thanh Hóa có 12 huyện có tỷ lệ giải phóng mặt bằng đạt trên 50% kế hoạch, gồm: Thọ Xuân 59,62 ha, bằng 98,77%; Quảng Xương 122,06 ha, bằng 70,87%; Cẩm Thủy 36,75 ha, bằng 66,68%; Thiệu Hóa 99,77 ha, bằng 65,76%; Yên Định 45,2 ha, bằng 63,66%; Nga Sơn 33,69 ha, bằng 55,79%; Quan Sơn 9,72 ha, bằng 54,92%; Lang Chánh 35,55 ha, bằng 54,07%; Hậu Lộc 30,44 ha, bằng 51,82%; Nông Cống 47,29 ha, bằng 51,72%; Như Xuân 48,06 ha, bằng 51,4%; Như Thanh 41,19 ha, bằng 50,99%.
Trong 4 tháng đầu năm 2024, tỉnh này có 8 huyện, thị xã có tỷ lệ giải phóng mặt bằng đạt từ 40% đến dưới 50% kế hoạch, gồm: Thạch Thành 32,41 ha, bằng 48,36%; thị xã Bỉm Sơn 24,72 ha, bằng 46,62%; Ngọc Lặc 25,02 ha, bằng 45,24%; Hà Trung 24,99 ha, bằng 44,78%; Vĩnh Lộc 27,25 ha, bằng 44,14%; Triệu Sơn 44,24 ha, bằng 43,11%; Bá Thước 3,44 ha, bằng 42,89%; Thường Xuân 14,49 ha, bằng 42,18%.
Cùng với đó, có 7 huyện, thị xã, thành phố có tỷ lệ giải phóng mặt bằng đạt dưới 40% kế hoạch, gồm: Thành phố Sầm Sơn 19,65 ha, bằng 37,61%; Hoằng Hóa 27,54 ha, bằng 37,42%; Đông Sơn 34,66 ha, bằng 34,39%; thị xã Nghi Sơn 118,22 ha, bằng 30,58%; thành phố Thanh Hóa 22,58 ha, bằng 26,32%; Mường Lát 4 ha, bằng 12,72%; Quan Hóa 1,46 ha, bằng 7,44%.
Để công tác giải phóng mặt bằng đạt hiệu quả, tránh tình trạng khiếu kiện, tỉnh Thanh Hoá đã chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố chuẩn bị đầy đủ quỹ đất tái định cư để bồi thường bằng đất ở đối với trường hợp đủ điều kiện theo đúng quy định trước khi tổ chức thu hồi đất, cùng đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đến từng hộ dân có đất nằm trong dự án phải thu hồi đất đồng thuận với chủ trương, cơ chế, chính sách của nhà nước.
Đối với các dự án còn tồn đọng chưa giải phóng mặt bằng xong, có kế hoạch, biện pháp cụ thể thực hiện theo thẩm quyền. Đặc biệt, bố trí cán bộ làm nhiệm vụ này có năng lực, kinh nghiệm thực tiễn, có phẩm chất đạo đức tốt, đồng thời có biện pháp kiểm tra, giám sát thường xuyên để có chế độ khen thưởng, biểu dương, xử lý kịp thời.
Chính vì vậy, năm 2023 vừa qua, diện tích đã hoàn thành giải phóng mặt của toàn tỉnh Thanh Hóa hơn 2.286 ha/2.369 ha, tỷ lệ đạt 96,49% so với kế hoạch gấp 1,47 lần so với năm 2022, để thực hiện 726 dự án đầu tư. Trong đó có 10 đơn vị đã hoàn thành và vượt kế hoạch, là năm có tỷ lệ giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh cao nhất từ trước đến nay.
Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn tỉnh này hiện nay vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, như: Việc xác định nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất gặp nhiều khó khăn, phức tạp, thời gian kéo dài; nhiều dự án chưa đủ điều kiện để giải phóng mặt bằng; quy trình thực hiện thu hồi đất của một số dự án phải trải qua nhiều bước, mất nhiều thời gian, đặc biệt là ở những nơi xảy ra tranh chấp đất đai; kinh phí bố trí cho công tác giải phóng mặt bằng của một số dự án chưa kịp thời…
Tác giả: Nguyễn Thuấn - Thiên Anh
Nguồn tin: vneconomy.vn