Phản ánh tới Báo Người Lao Động, 2 lãnh đạo Hội người mù thị xã Bỉm Sơn và TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có quyết định duyệt chi trợ giúp xã hội đảm bảo đời sống người dân trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu và trong thời kỳ giáp hạt năm 2021 cho hầu hết các hội viên là người mù trong tỉnh 60 kg gạo/khẩu/4 tháng, thế nhưng 160 hội viên thuộc 2 hội này lại không được hỗ trợ.
Hội Người mù tỉnh Thanh Hóa nơi có 21/23 Hội Người mù trong tỉnh Thanh Hóa được nhận gạo hỗ trợ của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa |
Theo đó, ngày 20-1, ông Đầu Thanh Tùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, đã ký quyết định số 246/QĐ-UBND phê duyệt hỗ trợ 288,345 tấn gạo (với số tiền duyệt chi gần 3,9 tỉ đồng) cho người dân 3 huyện Quan Hóa, Quan Sơn, Thường Xuân và HNM tỉnh Thanh Hóa.
Trong đó, hỗ trợ 15 kg/tháng cho 8.361 khẩu (gồm Quan Hóa, Quan Sơn, Thường Xuân và Hội người mù tỉnh Thanh Hóa) dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu; hỗ trợ 3.726 khẩu (mỗi khẩu 45 kg/3 tháng) thời kỳ giáp hạt năm 2021 cho người dân 2 huyện (Quan Sơn, Quan Hóa) và Hội người mù tỉnh.
Trong danh sách phê duyệt hỗ trợ gạo chỉ có 2.963 hội viên thuộc 21/23 Hội người mù trong tỉnh Thanh Hóa được nhận hỗ trợ, còn 160 hội viên của 2 Hội người mù thị xã Bỉm Sơn (25 hội viên) và TP Sầm Sơn (135 hội viên) không có tên trong danh sách được nhận.
Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Lê Trọng Tuấn, Chủ tịch Hội người mù TP Sầm Sơn, khẳng định thông tin trên là đúng sự thật và bản thân ông cũng rất bất ngờ khi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa lại không cho hội viên của mình được hưởng chính sách trên. "Tết năm 2020, chúng tôi được hỗ trợ 15 kg gạo/tháng/khẩu, thế nhưng năm Chủ tịch tỉnh hỗ trợ cho nhiều hơn vì ảnh hưởng dịch Covid-19 là 60 kg/4 tháng, thì chúng tôi lại không được hỗ trợ"- ông Tuấncho biết.
Cũng theo ông Tuấn, trước sự việc trên, để đảm bảo quyền lợi cho hội viên của mình, ông đã điện thoại hỏi Phòng Bảo trợ xã hội (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa) và được biết việc rà soát danh sách được giao cho Hội người mù tỉnh Thanh Hóa thực hiện, nhưng không hiểu sao họ lại để hội viên 2 hội chúng tôi ra ngoài.
Quyết định hỗ trợ gạo cho 3 đơn vị cấp huyện và Hội Người mù tỉnh Thanh Hóa nhưng 160 hội viên ở thị xã Bỉm Sơn và TP Sầm Sơn lại không có tên |
"Hiện tôi đang làm văn bản gửi Chủ tịch UBND tỉnh và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa xem xét lại để đảm bảo quyền lợi cho hội viên. Nói thật, chúng tôi cũng thấy chạnh lòng và tủi thân lắm, bởi 60 kg gạo đối với người mù cũng lớn lắm, có một cái Tết cũng ấm no đấy"- ông Tuấn chia sẻ.
Chủ tịch Hội người mù TP Sầm Sơn và thị xã Bỉm Sơn cho biết, có thể nguyên nhân hội viên của họ không có tên là do 2 hội không tham gia và không là thành viên của Hội người mù tỉnh Thanh Hóa, nên trong quá trình rà soát họ đã không đưa danh sách của Sầm Sơn và Bỉm Sơn vào.
"Trước đây chúng tôi cũng có thuộc thành viên Hội người mù của tỉnh, thế nhưng Hội người mù chúng tôi có điều lệ riêng, nhưng tỉnh hội bắt chúng tôi muốn tham gia phải làm đơn và hoạt động tuân theo điều lệ của họ, chúng tôi không đồng ý nên họ không cho tham gia. Chính sách cho người mù là chính sách chung, chứ không thể vì việc đó mà bỏ qua 160 hội viên được"- Chủ tịch Hội người mù thị xã Bỉm Sơn nói.
Ông Phạm Ngọc Quyết, Chủ tịch Hội người mù tỉnh Thanh Hóa cho biết việc 160 người thuộc Hội người mù TP Sầm Sơn và thị xã Bỉm Sơn không được hỗ trợ gạo là đúng sự thật, vì 2 hội này không nằm trong hệ thống của Hội người mù tỉnh Thanh Hóa.
"Năm 2019, trong số 23 Hội người mù trong tỉnh đại hội thì có 21 hội tán thành điều lệ của Hội người mù tỉnh và tham gia sinh hoạt, không làm điều lệ riêng. Tuy nhiên 2 hội Sầm Sơn và Bỉm Sơn đã làm điều lệ riêng không sinh hoạt với chúng tôi, nên trực thuộc UBND nơi đó quản lý, chứ không trực thuộc Hội người mù tỉnh. Vì thế, khi có văn bản xin gạo, tôi chỉ xin cho hội viên nằm trong hệ thống, còn 2 hội trên muốn xin thì có văn bản gửi UBND thị xã Bỉm Sơn và TP Sầm Sơn, để địa phương đó xin chứ chúng tôi không có trách nhiệm"- ông Quyết nói.
Tác giả: Tuấn Minh
Nguồn tin: Báo Người lao động