Kết luận số 221/KL-SNV chỉ ra nhiều sai phạm
Bám sát các chủ trương nhân đạo của Đảng và Nhà nước, ngày 09/06/1989, Hội người mù tỉnh Thanh Hóa được thành lập và từ đó đến nay, trải qua hơn 30 năm xây dựng phát triển, Hội đã có nhiều đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa của tỉnh Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, thời gian gần đây liên tục có dư luận phản ánh về những bất cập trong hoạt động của tổ chức xã hội mang tính đặc thù này.
Hội người mù tỉnh Thanh Hóa |
Trong đơn gửi Báo Đời sống và Pháp luật, nhiều hội viên của Hội người mù tỉnh Thanh Hóa, bày tỏ sự bức xúc và phẫn nộ đối với ông Phạm Ngọc Quyết, Chủ tịch Hội. Cụ thể là các hành vi hết sức mập mờ trong công tác thu chi tài chính, bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ một cách tùy tiện mang tính định kiến cá nhân.
Trao đổi với phóng viên, ông N.T.T và một số thành viên khác của Hội người mù tỉnh bức xúc: “từ ngày ông Quyết lên làm Chủ tịch, mọi việc cứ rối hết lên. Ai nịnh nọt ông ta thì được ông ưu ái, còn không thì trù dập. Tiền suất ăn của các cháu học nghề ông ta còn ăn bớt, ăn chặn nói gì đến số tiền hàng tỷ kia (Gói thầu nâng cấp, cải tạo Trung tâm dạy nghề - PV). Chán lắm rồi anh ạ!”
Đơn tố cáo của hội viên Hội người mù tỉnh Thanh Hóa |
Phóng viên báo Đời sống và Pháp luật đã vào cuộc tìm hiểu và nhận thấy phản ánh của những hội viên Hội người mù tỉnh Thanh Hóa là hoàn toàn có cơ sở.
Theo tài liệu phóng viên có được, trước những khiếu nại, tố cáo liên tục được gửi lên, ngày 22/01/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành văn bản số 993/UBND-TD giao Sở Nội vụ xem xét, tham mưu giải quyết nội dung đơn thư tố cáo của công dân.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, ngày 08/04/2019, Sở Nội vụ đã phối hợp với Sở Lao động- Thương binh và xã hội, thành lập Đoàn kiểm tra để xác minh sự việc. Sau hơn một tháng làm việc, ngày 16/05/2019, Đoàn kiểm tra đã ra kết luật số 221/KL-SNV, chỉ ra những sai phạm nghiêm trọng trong công tác điều hành Hội của ông Phạm Ngọc Quyết và Ban thường vụ Hội người mù tỉnh.
Đơn cử như việc đuổi Hội Người mù thị xã Bỉm Sơn ra khỏi hệ thống khi không được UBND thị xã Bỉm Sơn chấp thuận: Hội Người mù tỉnh ban hành Thông báo số 148/TB-HNM ngày 26/6/2017 về việc Hội Người mù Thị xã Bỉm Sơn không còn trong hệ thống Hội Người mù ở tỉnh là không có căn cứ pháp lý.
Ngoài ra, kết luận còn làm rõ việc ông Phạm Ngọc Quyết văn hóa lớp 4 không đủ trình độ, khả năng, điều kiện làm Chủ tịch Tỉnh hội và Giám đốc Trung tâm Dạy nghề của Tỉnh hội: ông Phạm Ngọc Quyết không có bằng Cao đẳng nghề trở lên nên chưa đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn để đảm nhiệm Giám đốc Trung tâm dạy nghề thuộc Tỉnh hội theo quy định.
Vậy là sai phạm của ông Chủ tịch Phạm Ngọc Quyết và Ban thường vụ tỉnh hội đã tường minh.
Kết luận thanh tra số 221/KL-SNV |
Nhiều vấn đề trong kết luận chưa được làm rõ
Ngày 26/06/2019, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã ban hành văn bản số 8023/UBND-TD do ông Trần Huy Chân - Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh ký, yêu cầu Hội người mù tỉnh thực hiện nghiêm theo những kiến nghị đã nêu trong kết luận số 221/KL-SNV.
Văn bản số 8023 của UBND tỉnh Thanh Hóa |
Những tưởng đến đây thì sự việc đã được sáng tỏ, đem lại niềm tin công lý cho những con người kém may mắn trong Hội người mù tỉnh Thanh Hóa. Thế nhưng, dường như tất cả vẫn chỉ dừng ở mức các văn bản hành chính.
Để có được thông tin khách quan, đa chiều, phóng viên đã liên hệ trao đổi thông tin với ông Phạm Ngọc Quyết. Tại buổi làm việc, ông Quyết cung cấp Thông báo số 106/TB-HNM, ký ngày 30/05/2019 về việc thu hồi, bãi bỏ một số văn bản vi phạm pháp luật mà Hội đã ban hành trước đó. Tuy nhiên, nội dung trong Thông báo này chỉ thực hiện một phần của kết luận 221/KL-SNV, các vấn đề nghiêm trọng liên quan đến trách nhiệm cá nhân ông Phạm Ngọc Quyết và tập thể Ban thường vụ tỉnh hội không hề được đề cập xử lý.
Thông báo số 106/TB-HNM chỉ thực hiện một phần của kết luận số 221/KL-SNV |
Nghiêm trọng hơn, nhiều hội viên của Hội người mù tỉnh Thanh Hóa nghi ngờ về công tác sử dụng nguồn vốn ngân sách - xã hội hóa trong gói thầu nâng cấp, cải tạo Trung tâm giáo dục dạy nghề cho người mù tỉnh Thanh Hóa năm 2017. Theo đó, nguồn vốn chi cho gói thầu trên là gần 4 tỷ đồng nhưng trên thực tế, cơ sở vật chất của Trung tâm không được cải thiện nhiều.
Căn cứ điều 60 Luật đấu thầu 2013, Điều 84 Nghị định 63/2014/NĐ-CP và Thông tư số 04/2017/TT-BKHĐT quy định về lựa chọn nhà thầu qua Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, thì gói thầu trên của Tỉnh hội người mù Thanh Hóa thuộc loại phải thực hiện công tác đấu thầu công khai. Thế nhưng, tìm khắp trong dữ liệu của mạng đấu thầu quốc gia, không hề có bất cứ thông tin nào của gói thầu này.
Nhằm xác minh cụ thể công tác sử dụng nguồn vốn ngân sách, xã hội hóa trong hoạt động nâng cấp, cải tạo Trung tâm giáo dục dạy nghề năm 2017, phóng viên đề nghị cung cấp Báo cáo tài chính và sổ sách kế toán các năm 2017; 2018 của Tỉnh hội, ông Quyết hẹn sẽ cung cấp sau. Nhưng tới nay, phóng viên vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía vị Chủ tịch hội người mù tỉnh Thanh Hóa.
Rất nhiều hội đặc thù, ở cả trung ương và địa phương, hoạt động nhờ vào nguồn ngân sách nhà nước tài trợ một phần. Hội Người mù và rất nhiều các hội đoàn khác đang tồn tại với mô hình trên. Tuy nhiên, mô hình tổ chức theo lối hành chính với chức năng hết sức mơ hồ, lại mang bản chất những hội độc quyền (mỗi lĩnh vực, trên mỗi địa bàn chỉ được phép thành lập một hội) và dựa vào bao cấp nhà nước, khiến các hội đoàn, trong đó đặc biệt là các hội đặc thù, đang phát sinh rất nhiều bất cập.
Sự bất hạnh là điều mà không ai mong muốn, nhưng đó là thực tế phũ phàng mà cả thế giới loài người phải đón nhận. Và những con người kém may mắn ở Hội người mù tỉnh Thanh Hóa vẫn đang mong chờ công lý được thực thi.
Dư luận cần một câu trả lời, một hành động cụ thể từ phía UBND tỉnh Thanh Hóa để giải quyết triệt để những bức xúc vẫn còn đang âm ỉ.
Tác giả: Lê Tuấn – Duy Trung
Nguồn tin: Báo Đời sống & Pháp luật