Theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), toàn tỉnh hiện có 1.056 đối tượng BTXH đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp xã hội gồm: Trung tâm BTXH số 1 tại xã Quảng Hợp (huyện Quảng Xương); Trung tâm BTXH số 2, phường Quảng Thọ (TP.Sầm Sơn); Trung tâm chăm sóc, phục hồi chức năng cho người tâm thần và rối nhiễu tâm trí, xã Minh Tiến ( huyện Ngọc Lặc); Làng trẻ em SOS, phường Quảng Hưng (TP.Thanh Hóa), Nhà xã hội Minh Lộc (huyện Hậu Lộc) và Trung tâm Hy vọng (huyện Tĩnh Gia).
Bà Lê Thị Thìn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá thăm, tặng quà cho các đối tượng BTXH trên địa bàn (Ảnh Hùng Cường) |
Khi tiếp nhận các đối tượng BTXH, các cơ sở trợ giúp xã hội có nhiệm vụ: Bảo đảm sự an toàn và đáp ứng các nhu cầu khẩn cấp của đối tượng, như: Nơi cư trú tạm thời, thức ăn, quần áo và đi lại; tham vấn, trị liệu rối nhiễu tâm trí, khủng hoảng tâm lý và phục hồi thể chất cho đối tượng; tư vấn và trợ giúp đối tượng thụ hưởng các chính sách trợ giúp xã hội; phối hợp với các cơ quan, tổ chức phù hợp khác để bảo vệ, trợ giúp đối tượng; tìm kiếm, sắp xếp các hình thức chăm sóc; tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng BTXH thuộc diện đặc biệt khó khăn, không tự lo được cuộc sống và không có điều kiện sinh sống tại gia đình, cộng đồng...
Những năm qua, Sở LĐ-TB&XH Thanh Hoá đã thường xuyên phối hợp với các địa phương nắm bắt các đối tượng có nhu cầu, đủ điều kiện để đưa vào các cơ sở công lập của tỉnh.
Ngoài ra, Sở LĐ-TB&XH Thanh Hoá còn chủ động phối hợp với các sở, ngành có liên quan triển khai quản lý Nhà nước đối với các cơ sở BTXH; chỉ đạo các địa phương nắm bắt tình hình chăm sóc nuôi dưỡng các đối tượng xã hội tại các cơ sở để kịp thời có hướng dẫn, chấn chỉnh hoạt động theo đúng quy định.
Tác giả: MINH HOÀNG
Nguồn tin: Báo Dân sinh