Trong tỉnh

Yên Định (Thanh Hóa): Hàng trăm hộ dân “khốn đốn” vì thiếu nước sinh hoạt

Mặc dù được bao bọc bởi dòng sông Mã chảy qua, nhưng thời gian gần đây, người dân 6/7 thôn của xã Yên Thọ (huyện Yên Định, Thanh Hóa) đang phải sống trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.Trước mắt, họ phải tự khoan giếng để tìm nguồn nước, song giải pháp này cũng không thực sự an toàn khi mà nguồn nước vẫn có mùi hôi, tanh và có khả năng nhiễm bẩn.

Hiện nay, toàn xã Yên Thọ có tới 6/7 thôn (trừ thôn Xuân Thái) đang thiếu nước sạch nghiêm trọng. Ước tính, gần 1000 hộ dân với 4000 nghìn nhân khẩu đang sống trong tình cảnh sử dụng nước sinh hoạt nhiễm bẩn. Trong thời gian chờ đợi các quan chức năng đưa ra biện pháp khắc phục, người dân nơi đây đã tự đào giếng khoan sâu hàng chục mét, với hy vọng tìm được chút nước sạch.

Nhiều hộ dân đang sử dụng nước giếng khoan nhiễm bẩn

Theo tìm hiểu của PV, trung bình mỗi hộ phải đào 2-3 giếng khoan, có những hộ phải khoan đến 6 giếng, chi phí bỏ ra đến hàng trục triệu đồng để có nước sử dụng. Thế nhưng, dù nước giếng khoan đã được lọc nhiều lần mà chất lượng vẫn không đảm bảo; cực chẳng đã, họ phải xây bể chứa nước mưa hoặc đi bộ cách nhà vài cây số để mua nước về dùng.

Mặt khác, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Yên Định, xã Yên Thọ đã mở cống dẫn nước từ kênh dẫn thuộc hệ thống tưới Bắc sông Chu - Nam sông Mã vào kênh nội đồng, nhưng tình hình vẫn không được cải thiện.

Chỉ tay vào giếng nước sau nhà, ông Lê Tỉnh Ngọt, người dân thôn Tu Mục 2 nói: Sinh sống ở đây gần 70 năm, nhưng chưa bao giờ ông gặp phải tình cảnh thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng như thế này. Nhà ông phải vay mượn để khoan giếng, khoan đến giếng thứ ba mới thấy nguồn nước. Tuy nhiên, khi bơm nước lên sử dụng thấy có mùi tanh, nước có màu vàng, khi sử dụng nước từ giếng bơm để pha trà thì màu nước trà nhanh chóng chuyển sang màu đen.

Giếng khơi cũng trở nên cạn nước, trơ đáy

“Từ tháng 11/2018, nguồn nước có dấu hiệu cạn kiệt, nhà tôi hiện có 3 giếng khơi nhưng đã cạn sạch nước. Chưa bao giờ người dân xã Yên Thọ lại rơi vào tình cảnh như hiện tại. Để tiết kiệm nước, có những hôm khoảng 2-3 ngày chúng tôi mới dám tắm một lần. Trước kia, khi chưa có hoạt động hút cát ở dọc Nam sông Mã và bờ kè ngăn dòng chảy còn tồn tại thì nguồn nước sinh hoạt rất dồi dào, không bao giờ có tình trạng cạn nước. Rất mong các cấp Ban, ngành tìm ra nguyên nhân và sớm có biện pháp khắc phục để người dân an tâm sản xuất”, ông Hồ Xuân Toán (cư dân thôn Tu Mục 2) cho biết.

Các hộ dân thôn khác đang tỏ ra lo lắng khi nguồn nước nhiễm phèn cũng đang dần cạn kiệt; trong khi, mùa nắng, nóng đang tới gần, khi đó không biết lấy nước ở đâu để sinh hoạt và tưới tiêu. Trước mắt, họ chỉ biết chuẩn bị xô, chậu, can để đi mua nước ở các xã lân cận và xây bể chứa đợi mưa.

Mặc dù giếng khoan được đào ở độ sâu hơn chục mét, nhưng không dễ dàng tìm được nguồn nước. Có những hộ phải đào tới 6 giếng, chi phí bỏ ra cả chục triệu đồng

Nói về tình trạng thiếu nước sạch, ông Hồ Xuân Bình, Chủ tịch UBND xã Yên Thọ, cho biết: Khoảng giữa tháng 1/2019, tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở các thôn trở nên phổ biển. Hiện tại, người dân đang sử dụng nguồn nước ngầm từ giếng khoan, giếng khơi. Theo cảm quan, có hai nguyên nhân dẫn tới việc thiếu nước sinh hoạt: Thứ nhất là do hoạt động khai thác cát khiến bờ sông sạt lở, nước ngầm cũng vì thế chảy ra sông; thứ hai là đập chắn ngang Nam sông Mã bị tháo bỏ nên nguồn nước dự trữ ở sông không còn. Sau khi nắm bắt sự việc, UBND xã Yên Thọ đã báo cáo, đề nghị UBND huyện Yên Định để có hướng giải quyết và ổn định đời sống sinh hoạt của nhân dân.

Trước thực trạng thiếu nước sinh hoạt của gần một nghìn hộ dân, ngoài những biện pháp tạm thời, về lâu dài các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa cần sớm triển khai xây dựng Nhà máy nước sạch, để người dân có nguồn nước sinh hoạt đạt tiêu chuẩn.

Tác giả: Tuyết Trang - Đức Duy

Nguồn tin: Báo Tài nguyên và Môi trường

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok