Chế biến hạt điều xuất khẩu tại Công ty CP xuất nhập khẩu điều Việt Hà (Tổng Công ty Thương mại Hà Nội - HAPRO). Ảnh: Sinh Vũ |
Lượng nhiều, giá trị ít
Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, Việt Nam đã có hơn 10 mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, có mặt tại hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đặc biệt, một số sản phẩm xuất khẩu trên 1 tỷ USD như cà phê, gạo, điều, rau quả… Kim ngạch xuất khẩu nông – lâm - thủy sản 11 tháng năm 2018 đạt 36,3 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2017 và Việt Nam đứng trong top 5 các quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, theo Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Trần Văn Công, xuất khẩu hàng nông sản sang thị trường EU đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ cho người sản xuất, nông dân thông qua các chương trình tập huấn về sản xuất theo quy chuẩn. Cùng với đó, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, ngành hàng và tiếp tục đàm phán các Hiệp định Thương mại tự do để tạo cơ hội cho nông sản Việt dễ dàng tiếp cận, tiến vào các thị trường với vị thế cạnh tranh tốt hơn. Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng |
Cụ thể, năng lực chế biến chuyên sâu của các DN nội còn yếu chưa phát triển mạnh về thương hiệu. Theo khảo sát, hiện có khoảng 70% nguyên liệu nông sản được thu mua từ nông dân, còn chỉ một tỷ lệ nhỏ là từ DN tự đầu tư hoặc mua từ các trang trại của Nhà nước. Đáng nói, các vùng nguyên liệu nông sản xa nhà máy chế biến, chi phí vận chuyển lớn, nguyên liệu không đảm bảo các yêu cầu chất lượng nên không thể chế biến xuất khẩu, đặc biệt xuất khẩu sang thị trường khó tính như EU.
Bên cạnh đó, vẫn còn hiện tượng sử dụng các hóa chất không rõ nguồn gốc trong chế biến, bảo quản rau quả tươi. Mặt khác, khâu tổ chức, sản xuất chế biến, tiếp thị sản phẩm nông sản còn yếu, nhất là đối với mặt hàng rau quả cũng là hạn chế không nhỏ khi xuất khẩu vào thị trường EU.
Nâng cao chất lượng sản phẩm
Trưởng ban Kinh tế và Thương mại - Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Miriam Garcia Ferrer cho rằng, khi EVFTA đi vào thực thi, cơ hội sẽ mang lại cho cả hai bên bởi trong số 10 quốc gia xuất khẩu nhiều nhất vào thị trường châu Âu, Việt Nam đang đứng thứ 10 và chiếm 2% tổng kim ngạch nhập khẩu vào EU. Tuy nhiên, để xuất khẩu nông sản sang thị trường EU thành công, bà Miriam Garcia Ferrer cho rằng, các DN cần đáp ứng những tiêu chuẩn chung của thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, giải quyết các bất đồng phát sinh trong hoạt động thương mại.
Tham tán Nông nghiệp của Pháp Alexandre Bouchot khuyến nghị, các DN cần phân cấp thực hiện trong quản trị chính sách lương thực và xây dựng thương hiệu sản phẩm. Bên cạnh đó, Việt Nam cần tăng cường thu hút các DN đầu tư vào nông nghiệp và thực phẩm nông nghiệp cũng như quan tâm đào tạo đáp ứng yêu cầu thực tế. Còn theo Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao Vũ Kim Hạnh, thay vì chỉ hướng đến sản phẩm cuối cùng, các DN nên lưu ý trên toàn bộ chuỗi giá trị, các khâu sản xuất phải được phòng vệ rủi ro, truy xuất nguồn gốc, tem nhãn của sản phẩm đều phải công khai, minh bạch.
Trước những cơ hội và thách thức trong việc thực hiện các EVFTA, nhiều DN khẳng định, Nhà nước nên có hệ thống cảnh báo sớm để giúp DN chủ động tiếp cận thông tin thị trường. Đặc biệt, với vai trò điều tiết vĩ mô, các đơn vị chức năng cần tạo nền tảng cơ chế chính sách, quy hoạch hợp lý, định hướng cho các DN và nông dân khai thác lợi thế, phát huy năng lực sản xuất, khẳng định được vị trí của nông sản Việt Nam trên thị trường EU.
Tác giả: ÁNH NGỌC
Nguồn tin: Báo Kinh tế và Đô thị