Trong tỉnh

Xuất khẩu lao động giúp đồng bào Mường Lát thoát nghèo

Nằm ở vùng biên viễn, núi cao, vực sâu, thiếu đất sản xuất, khí hậu khắc nghiệt, … thì xuất khẩu lao động là lối đi giúp đồng bào Mường Lát thoát nghèo

Huyện Mường Lát nằm cách trung tâm thành phố Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hóa trên 250km. Địa hình hiểm trở, chủ yếu là núi cao, vực sâu, thiếu đất sản xuất, khí hậu khắc nghiệt, chăn nuôi kém phát triển, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, khiến đời sống đại bộ phận người dân Mường Lát đang gặp rất nhiều khó khăn. Hiện, Mường Lát là nằm trong nhóm những huyện nghèo nhất cả nước.

Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát cho hay, Mường Lát là một trong số 73 huyện nghèo của cả nước, thu ngân sách năm 2023 của huyện chỉ đạt hơn 9 tỷ đồng, trong đó chỉ riêng chi ngân sách thường xuyên (tiền lương, chế độ chính sách…) là hơn 400 tỷ đồng.

Trong những năm qua, các cấp, các ngành đã có nhiều chủ trương, giải pháp giúp Mường Lát thoát nghèo bền vững, nhưng “bài toán khó” này nhiều năm chưa có lời giải.

Nhiều chương trình, dự án giảm nghèo cho đồng bào được triển khai tại Mường Lát nhưng không mang lại hiệu quả như mục tiêu đề ra. Điển hình là dự án 147, trồng cây xoan lấy gỗ, phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Tuy vậy, sau gần 10 năm, nhiều cây xoan nay chỉ bằng cánh tay người lớn, phần lớn còi cọc, “bán không ai mua, cho không ai lấy”.

Con cái đi xuất khẩu lao động gửi tiền về giúp bố mẹ xây dựng nhà cửa kiên cố, khang trang.

Diện tích đất sản xuất ít, đất nghèo dinh dưỡng, lâm sản phụ từ rừng không đủ để duy trì, đảm bảo cuộc sống hàng ngày, những năm gần đây, thanh niên vùng cao Mường Lát đã toả đi làm ăn khắp nơi để cải thiện đời sống kinh tế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chỉ những người mạnh dạn đi xuất khẩu lao động mới thực sự mang lại cuộc sống ấm no, một số người còn trở nên giàu có trong vùng.

Theo ông Nguyễn Văn Bình, toàn huyện có hơn 100 người đang đi xuất khẩu lao động. Trong đó, xã Quang Chiểu là địa phương có đông người đi xuất khẩu lao động nhất huyện. Năm 2023, tổng số tiền công dân địa phương này gửi về nước ước đạt 80 tỷ đồng, nhiều gia đình giàu lên nhờ có con em đi lao động ở nước ngoài. Xuất khẩu lao động không những tăng nguồn thu nhập cho người dân và quan trọng hơn còn làm thay đổi nhận thức, tư duy của người lao động khi hết thời hạn trở địa phương.

Đến bản Pùng, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát hỏi thăm nhà ông Vi Hồng Inh không ai là không biết. Ông Inh không chỉ là một cán bộ xã hiền lành, chất phác mà người ta ngưỡng mộ ông về sự giàu có, kể từ khi gia đình ông có hai người con trai xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc làm ăn, gửi tiền về để bố mẹ xây nhà lớn, khang trang, đẹp nhất vùng.

Ông Inh cho biết, năm 2015, con trai ông là anh Vi Văn Hiếu (SN 1990), học xong hệ cao đẳng nhưng không xin được việc làm đúng ngành học nên gia đình động viên học tiếng Hàn Quốc để xuất khẩu lao động. Thời gian đầu sang Hàn Quốc, anh Hiếu làm việc trong lĩnh vực trồng trọt, sản xuất nông nghiệp, thu nhập mỗi tháng 30 – 50 triệu đồng, sau đó Hiếu chuyển sang làm công nhân xây dựng, thu nhập từ 70 – 80 triệu/ tháng.

Tiếp nối người anh trai, năm 2019, anh Vi Văn Hào (SN 1996) cũng sang Hàn Quốc làm việc. Đến nay, mỗi tháng Hào có thu nhập từ 70 - 80 triệu đồng/tháng. Điều đặc biệt, 2 người con trai của ông Inh đều chưa lập gia đình, nhưng chúng rất ngoan, tu chí làm ăn, tích góp gửi tiền về quê để bố mẹ xây nhà, gửi tiết kiệm phòng thân.

Cách nhà ông Inh không xa, một ngôi nhà 2 tầng khang trang nằm sát con đường chính dẫn vào trụ sở uỷ ban xã Quang Chiểu cũng vừa được xây dựng. Chủ hộ là ông Vi Văn Xích (SN 1960).

Ngôi nhà mới của ông Xích được con trai đi xuất khẩu lao động gửi tiền về xây dựng.

Theo lời ông Xích, ngôi nhà trên có giá trị hơn 1 tỷ đồng, tiền xây nhà là do người con trai Vi Văn Du (SN 1996), đang xuất khẩu lao động từ ở Hàn Quốc gửi về. Đến nay, con trai ông Xích đã sang lao động ở Hàn Quốc được 5 năm, mỗi tháng thu nhập khoảng 50 triệu đồng, chưa trừ chi phí ăn ở.

Ông Xích tâm sự, gia đình ông hiện có 3 người con trai, tất cả đều có gia đình riêng, người con út là anh Du quyết tâm đi xuất khẩu lao động nên đời sống kinh tế gia đình khá hơn. Những người con ở nhà làm nông nghiệp chỉ đủ ăn, không có dư giả gì, vì thiếu đất sản xuất.

Là người có thâm niên làm cán bộ văn hoá xã Quang Chiểu, phụ trách mảng chính sách, anh Lò Văn Văn (SN 1979), nắm trong lòng bàn tay những hộ gia đình có con em đã và đang đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Theo anh Văn, nếu đi Hàn Quốc thì sau 5 năm phải về làm lại hồ sơ, thủ tục rồi đi tiếp lần 2, có nhiều người đi 10 năm, trở về quê xây dựng gia đình, mở cửa hàng kinh doanh, kinh tế khá giả.

Anh Văn cho biết, hơn 10 năm trước, nắm bắt chủ trương, chính sách của Nhà nước về xuất khẩu lao động, địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động công dân trên địa bàn tham gia nhưng không ai dám đi, tâm lý người dân lo sợ đi xa. Nay, thấy xuất khẩu lao động mang lại thu nhập cao nên nhiều gia đình đã động viện con em "xuất ngoại".

Ông Vi Văn Thuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát cho biết: “Trên địa bàn xã hiện có khoảng gần 50 công dân xuất khẩu lao động ra nước ngoài (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…), tập trung nhiều nhất là ở bản Pùng, bản Xim. Những gia đình có người đi xuất khẩu lao động thì đời sống kinh tế khả giả hơn so với những gia đình khác. Xuất khẩu lao động đang giúp nhiều gia đình ở địa phương “thoát nghèo”.

Tác giả: Phạm Xuân Chinh

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok